Đã thành thông lệ, vào khoảng đầu tháng 2 âm lịch, người dân thôn Đào Đặng (xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên) lại hào hứng chuẩn bị cho lễ hội Đào Nương. Lễ hội không chỉ là dịp để tưởng nhớ tới người nữ anh hùng “phù Lê” giết giặc mà còn là dịp để thế hệ sau ôn lại truyền thống quý báu của ông cha.
Theo sử sách ghi lại, Đào Nương tên thật là Đào Thị Huệ, một cô gái vô cùng xinh đẹp, nổi tiếng ca hát khắp tổng Cao Cương, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu ngày xưa, nay là thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, TP. Hưng Yên. Đầu thế kỷ XV, nhà Minh mượn cớ “phù Trần diệt Hồ” đem quân sang xâm lược nước ta. Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi chống lại ách đô hộ của nhà Minh, bà Đào Nương cùng một số chị em trong làng mở quán rượu để lôi kéo tướng sĩ quân Minh lui tới ăn uống, nhằm tìm hiểu nội tình quân địch giúp Lê Lợi đánh lên đất Thăng Long. Nhờ có tài nghệ và nhan sắc hơn người, Đào Nương nhanh chóng thu hút được sự chú ý của cả quân và tướng giặc Minh. Chúng có phần vị nể và biến quán rượu của nàng thành nơi hội họp, ăn uống, nghỉ ngơi mà không đề phòng bất cứ điều gì. Hằng ngày, quân sĩ giặc Minh thường kéo nhau đến quán rượu của nàng Đào Nương tập trung chè chén thâu đêm suốt sáng. Rượu tiệc no say, chúng lại lăn ra ngủ. Thời đó, tổng Cao Cương vốn là vùng lau sậy um tùm, nhiều côn trùng, đặc biệt là muỗi. Vì thế, để khỏi lạnh và tránh bị muỗi đốt, giặc Minh đã làm những chiếc túi bằng bao tải gai để được "ấm thân" và an toàn trước côn trùng. Đêm đến chúng chui vào bao và buộc túi lại tránh muỗi. Đào Nương nhiều lần được chúng giao cho việc thắt và mở túi. Với công việc này, Ả Đào đã nghĩ ra kế giết giặc, nàng cùng các trai tráng đợi quân giặc ngủ say, đến khiêng từng bao tải ném xuống sông, nước trôi ra biển. Thấy lực lượng ngày càng hao hụt mà không rõ nguyên nhân, chúng sợ hãi rút quân. Khi bà Đào Nương mất, nhớ công ơn bà, dân làng lập đền thờ, có tên là đền Mẫu hay đền Đào Nương. Ngôi đền đã được Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và trở thành niềm tự hào của người dân trong làng.
Theo ông VũĐình Chính, Trưởng ban tổ chức lễ hội Đào Nương cho biết : Lễ hội Đào Nương được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 2 (âm lịch) nhưng hội chính vào ngày 2. Lễ hội gồm hai phần chính : phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm: Đại lễ, tế nội tán, ngoại tán. Đặc biệt, là tiết mục rước kiệu bà Đào Nương từ đền Mẫu vào đình làng. Năm nay, Ban tổ chức lễ hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian như :kéo co, chọi gà, cờ tướng, thi gói bánh tẻ, sàng gạo, hát ả đào.... Phần lễ nghi trang trọng có tính giáo dục về đạo lý uống nước nhớ nguồn không chỉ có sự góp mặt của các cụ bô lão mà còn có nhiều thanh niên. Phần hấp dẫn hơn cả vẫn là các trò chơi dân gian được tổ chức như: đánh cờ tướng, thi gói bánh tẻ, thi sàng gạo và hát ả đào... Trong số các trò chơi đó thì cuộc thi sàng gạo và gói bánh tẻ là thu hút được đông đảo người xem và cổ vũ hơn cả. Cuộc thi sàng gạo phản ánh đậm nét đời sống lao động của cư dân trồng lúa ở Việt Nam. Nó không chỉ là một trò chơi giải trí đơn thuần trong dịp lễ hội mà thi sàng gạo còn là một trò diễn nhằm thể hiện lòng quý trọng lúa gạo, quí trọng mồ hôi, công sức của con người một nắng hai sương làm ra hạt gạo, đồng thời giúp mọi người dân trong làng nhớ về nghề truyền thống của ông cha để lại, đó là nghề “hàng xáo” – một nghề truyền thống của làng Đào Đặng. Mùi gạo giã ngai ngái, đôi bàn tay thoăn thoắt gói bánh cùng không khí tưng bừng náo nhiệt, sự gay cấn, quyết tâm trong từng đội tạo nên sức hút, sức hấp dẫn với đông đảo nhân dân và du khách đến xem. Không khí cuộc thi làm cho người xem cũng nôn nao nhớ cái nghề “hàng xáo”, nhớ cái tục “tết chay” của cha ông mình. Hội thi sàng gạo và gói bánh tẻ ở lễ hội Đào Nương do người dân tự tổ chức là nét rất đặc trưng của Đào Đặng. Ngoài cuộc thi gói bánh tẻ và sàng gạo, Ban tổ chức lễ hội cũng tổ chức hát ca trù (ả đào) tại sân đền Mẫu, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của lối hát ả đào trong thời kỳ đổi mới.
Tham dự lễ hội Đào Nương, không chỉ là các thành viên của làng mà còn có nhiều người đến từ các địa phương khác, người ta dễ dàng cảm nhận rất rõ về màu sắc của văn hóa làng vẫn rời rợi trong ánh mắt của những con người ở đây. Sẽ thú vị biết bao khi chỉ đi có một đoạn đường, du khách sẽ thoát khỏi tất cả những gì thuộc về “bê tông cốt thép” để đắm mình vào không gian của một làng quê tĩnh lặng. Trong cơ chế thị trường, cùng với khát khao được đổi mới để theo kịp với dòng chảy chung của thời đại thì những người dân thôn Đào Đặng vẫn có một ước nguyện khác cũng rất đáng trân trọng đó là bảo tồn những giá trị tốt đẹp của truyền thống.
Vũ Huế
Theo baoxaydung.com.vn