(Xây dựng) – Khi người dân đổ mồ hôi, công sức khai hoang phục hóa hàng ngàn mét vuông đất, sản xuất ổn định tạo nguồn thu cho hộ gia đình, thì đột nhiên chính quyền sở tại mời lên nhận tiền hỗ trợ mà không hề hay biết đất của mình bị thu hồi nhằm mục đích gì.
Bà Nguyệt bức xúc trước việc UBND huyện Quế Võ cho rằng đây là đất công ích của xã, trong khi là đất do gia đình khai hoang từ năm 1986.
Đất khai hoang “hóa” thành đất công ích
Báo Xây dựng nhận được Đơn khiếu nại và kêu cứu khẩn cấp của vợ chồng bà Cung Thị Nguyệt và ông Lại Hữu Khanh trú tại thôn Nghiêm Thôn, thị trấn Phố Mới (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) phản ánh việc diện tích 5.299 m2 đất canh tác của gia đình bị thu hồi để phục vụ dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 279 đoạn Phố Mới - Chợ Chì thuộc huyện Quế Võ nhưng không hề có quyết định thu hồi đất, không được bồi thường về đất làm ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình.
Theo Đơn trình bày, năm 1986 vợ chồng bà Nguyệt đã ra khu vực Cống Dưa giáp Tỉnh lộ 20 (TL 20, nay là TL 279) ở khu vực Nghiêm Thôn khi đó còn hoàn toàn hoang hóa, để khai hoang. Và họ đã biến vùng đất hoang này thành đất canh tác, sau khi đã đổ vào đó rất nhiều mồ hôi, công sức. Diện tích thửa đất hiện tại là 5.299 m2, nằm trên địa bàn 3 xã là Vũ Dương, Phượng Mao và Thị trấn Phố Mới, gồm đất canh tác, đất vườn, nhà, quán bán hàng, sân, được vợ chồng bà Nguyệt sử dụng ổn định suốt từ năm 1986 đến nay, không có tranh chấp. Vợ chồng bà cũng đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về sử dụng đất với Nhà nước.
Năm 2010, khi tổ chức triển khai dự án làm đường 279, UBND huyện Quế Võ đã thu hồi toàn bộ diện tích 5.299 m2 đất trên của gia đình bà Nguyệt. Tuy nhiên, bà Nguyệt cho biết: trong suốt quá trình GPMB, gia đình bà không được mời họp, không nhận được quyết định thu hồi đất, không nhận được tờ kê khai đền bù về đất đai, hoa màu…mà chỉ được nhận phương án hỗ trợ cho việc thu hồi diện tích đất trên.
Bà Nguyệt cho biết: “Toàn bộ diện tích 5.299 m2 đất nhà tôi không được bồi thường theo quy định hiện hành, chỉ được hỗ trợ. Mức hỗ trợ về đất là 15.000 đ/m2 còn hỗ trợ về hoa màu trên đất là 9.000 đ/m2. Như vậy, bao mồ hôi công sức khai hoang của cả gia đình đã bỏ ra nay chỉ nhận được một ít tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng là không hợp lý”.
Không đồng ý với mức hỗ trợ trên, vợ chồng bà Nguyệt có đơn khiếu nại gửi UBND huyện Quế Võ, khẳng định diện tích 5.299 m2 đất của bà có đầy đủ điều kiện để được bồi thường khi bị Nhà nước thu hồi chứ không phải chỉ được hỗ trợ, và đề nghị UBND thị trấn xác định rõ loại đất, làm các thủ tục để Ban GPMB huyện bồi thường cho bà theo đúng chính sách của Nhà nước.
Năm 2011, UBND thị trấn Phố Mới ban hành văn bản số 79/CV-UBND trả lời đơn của bà Nguyệt, cho rằng đất dành cho nhu cầu công ích của thị trấn giữ nguyên mức 8,4% (trên tổng diện tích đất nông nghiệp của thị trấn); phần diện tích đất nông nghiệp vỡ hoang của hộ gia đình bà Nguyệt thuộc quỹ đất công ích của UBND thị trấn Phố Mới. Và khẳng định không bồi thường diện tích đất trên cho gia đình bà.
Theo hồ sơ tài liệu mà PV thu thập được, năm 2012 UBND Thị trấn Phố Mới do ông chủ tịch Thị trấn đã ký, đóng dấu xác nhận rằng diện tích đất của gia đình ông Khanh bà Nguyệt là đất khai hoang phục hóa!.
Một phần diện tích đất của gia đình bà Nguyệt bị huyện Quế Võ thu hồi.
Huyện “vẫn” khẳng định là đất chuyên dùng
Bức xúc vì hơn 5 nghìn mét vuông đất mà bao lâu nay gia đình phải đồ mồ hôi khai hoang cải tạo, giờ đây chính quyền xã, huyện lại cho rằng đây là đất chuyên dùng của xã. Bà Nguyệt tiếp tục khiếu nại lên UBND huyện Quế Võ. Mãi đến đầu năm 2013, gia đình bà Nguyệt mới nhận được văn bản số 18/BC-TNMT của Phòng TN- MT huyện Quế Võ, có nội dung: “Căn cứ khoản 3, Điều 20 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ Và điểm đ, khoản 4, Điều 14 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ thì các thửa đất trên (5.299 m2) không được bồi thường về đất”.
Ngay sau thời gian này, gia đình bà Nguyệt liên tiếp nhận được các thông báo của địa phương về việc ngừng sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất nói trên kể từ ngày 5/2/2013, và đến Ban GPMB để nhận tiền hỗ trợ, nhưng gia đình bà không chấp nhận.
Trước những khiếu nại của công người dân, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Vinh – Chủ tịch UBND huyện Quế Võ, ông Vinh cho biết: Tất cả các quyết định của UBND huyện Quế Võ ban hành sẽ không thay đổi, đất của nhà bà Nguyệt và ông Khanh là đất chuyên dùng. Năm 1995, khi nhà bà Nguyệt, ông Khanh khi xây dựng nhà đã bị UBND xã Phượng Mao cưỡng chế và đã có quyết định cưỡng chế công trình”.
Khi PV đề nghị cung cấp quyết định cưỡng chế của của UBND xã Phượng Mao đối với công trình nhà bà Nguyệt, ông Khanh thì ông Vinh chỉ đạo cho ông Lại Hữu Cử - Chủ tịch UBND thị trấn Phố Mới cung cấp. Tuy nhiên, trong buổi làm việc ông Cử không cung cấp được, và hẹn cung cấp cho PV ở buổi làm việc sau.
Báo Xây dựng tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến mới vụ việc trên.
Vũ Quang – Thành Luân
Theo