(Xây dựng) – UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND về việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030.
![]() |
Lạng Sơn xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc đặc sắc. |
Theo đó, mục đích của kế hoạch nhằm quán triệt, cụ thể hóa, triển khai các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 3222/QĐ-BVHTTDL phù hợp với điều kiện thực tiễn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng tỉnh Lạng Sơn nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc đặc sắc. Đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch, tiếp tục cải thiện đời sống của người dân, phát triển kinh tế địa phương gắn với với bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2070, tại các điểm du lịch cộng đồng được công nhận ở Lạng Sơn, cơ bản các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; có 40% điểm du lịch cộng đồng có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% điểm du lịch cộng đồng có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Đảm bảo 100% chủ cơ sở du lịch cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 90% lao động du lịch cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch cộng đồng có ít nhất 1 người có khả năng giao tiếp được một ngoại ngữ.
Mỗi năm tổ chức 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến du lịch cộng đồng, kỹ năng tiếp đón phục vụ khách du lịch; kỹ năng thuyết minh giới thiệu về sản phẩm du lịch, điểm du lịch; kỹ năng giao tiếp ứng xử văn minh du lịch; truyền dạy văn hóa phi vật thể, sưu tầm, phục dựng, gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống, phát huy văn hóa phi vật thể, bảo tồn lễ hội tại các điểm du lịch cộng đồng. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 2 mô hình chuỗi liên kết du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; phấn đấu có 2 làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Phấn đấu 100% điểm du lịch cộng đồng được công nhận theo tiêu chuẩn quốc gia về du lịch cộng đồng tại Việt Nam được giới thiệu, quảng bá; 95% điểm du lịch cộng đồng có ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch. Nghiên cứu quy định về xây dựng các tổ chức quản lý hoạt động du lịch cộng đồng hiệu quả tại các điểm du lịch cộng đồng. Nghiên cứu, xây dựng các khung định mức về chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch cộng đồng làm cơ sở cho các địa phương áp dụng trên cơ sở nguồn lực của địa phương. Nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư xây dựng thí điểm một hoặc nhiều mô hình du lịch cộng đồng tại những các địa phương có lợi thế về du lịch làm mô hình thí điểm Làng nghề du lịch cộng đồng. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng được công nhận.
Đến năm 2030, phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó bao gồm các mục tiêu đã đề ra tại Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 và Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đại diện UBND tỉnh cho biết: Lạng Sơn tiếp tục tăng cường đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, xây dựng kế hoạch và chương trình hành động dài hạn đối với việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất điểm du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, giữ gìn cảnh quan, môi trường; đầu tư hạ tầng cho khu vực được lựa chọn; đề xuất và xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích người dân tham gia phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch cộng đồng. Hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cấp hạ tầng cho các điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng đón khách du lịch; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch liên thông kết nối tới tận điểm du lịch cộng đồng đã được lựa chọn. Huy động đồng bộ các nguồn lực để hỗ trợ nguồn vốn mồi ban đầu cho các hộ gia đình, các thành viên trong cộng đồng để tạo cơ sở vật chất nhằm phát triển du lịch cộng đồng. Khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tổ chức cho khách du lịch tham gia các hoạt động có lợi cho sức khỏe, khuyến khích sử dụng nguyên liệu thiên nhiên sẵn có tại địa phương như: Hoạt động tắm/ngâm chân lá thuốc, sản vật địa phương… Các hoạt động thể thao dựa vào thiên nhiên như: “trekking”, chèo thuyền, chèo bè mảng, câu cá, đi xe đạp… gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Phượng Nguyễn
Theo