Ở làng Vạn Phúc (quận Hà Ðông, Hà Nội), nghề dệt lụa nổi tiếng từ thời Lý - Trần, tới nay đã 1.200 năm. Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ ở làng nghề này đang tự tìm tòi đổi mới, tạo thế chủ động trong hội nhập và phát triển. Gần đây, Vạn Phúc được định hướng phát triển theo làng nghề kết hợp văn hóa du lịch. Dịp cuối tuần, du khách đổ về tham quan, mua sắm nườm nượp, làng lụa sầm uất hẳn lên.
Nghề dệt lụa thu hút nhiều lao động trẻ ở Vạn Phúc.
Trong dãy nhà ngang 10 gian của ngôi đình rất đẹp, xây cách đây gần 140 năm (1877), chúng tôi ngồi nghe Bí thư Ðảng ủy phường Vạn Phúc kể chuyện nghề tằm tang canh cửi.
Từ năm 1954 về trước, nghề dệt lụa do từng hộ gia đình tự sản xuất, tự tiêu thụ sản phẩm. Trong hai năm 1931 và 1936, lụa Vạn Phúc dự đấu xảo ở Mác-xây và Pa-ri. Sau năm 1954, các hộ làm nghề đều vào HTX dệt lụa, rồi lên xí nghiệp. Sản phẩm làm gia công cho Nhà nước, xuất khẩu sang các nước XHCN (cũ). Năm 1990, thị trường Ðông Âu sụp đổ, nghề dệt lụa cổ truyền cũng như nhiều làng nghề khác có nguy cơ ngừng sản xuất. Ðịa phương chủ trương chuyển hết khung dệt và cài hoa về các hộ gia đình tự chủ sản xuất, giống như kiểu "trao ruộng" trong "Khoán 10". Một phong trào đua tài kỹ thuật bỗng nở rộ. Tiếng thoi lại rộn ràng khắp bảy xóm. Việc tìm kiếm thị trường mới, tìm được công thức để lụa giảm nhàu, nhuộm tơ không phai mầu và nhiều loại hoa văn mới ra đời, đã cứu nguy cho 80% số hộ sống được với nghề. Toàn phường hiện có hơn 300 doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất kinh doanh sản phẩm với khoảng 250 máy dệt, đưa sản lượng lụa các loại mỗi năm của làng đạt 1,5 triệu mét, doanh thu thương mại, dịch vụ bình quân đạt hơn 65 tỷ đồng. Rất nhiều hộ đã đầu tư ba đến năm máy dệt, hàng chục gia đình thành lập xưởng có 15 đến 20 máy dệt hoạt động suốt ba ca. Lụa Vạn Phúc đủ sức cạnh tranh với một số sản phẩm lụa nổi tiếng, đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước. Lụa tơ tằm kẻ Vạn Phúc rất được ưa chuộng bởi hợp thời tiết mùa hè, giá mua chấp nhận được. Nghề dệt lụa phát triển, đem lại việc làm cho bà con, kể cả người già, người tàn tật của phường và thu hút hơn 200 lao động trẻ các huyện trong tỉnh và tỉnh bạn.
Tôi ghé thăm cửa hàng Thảo Silk, tại đây, ngoài lụa tơ tằm, tơ bóng nổi tiếng, còn bán cả ki-mô-nô, khăn quàng, sơ-mi, ca-ra-vát, rèm cửa, thảm, túi, mũ, ví,... bằng lụa. Chị Thảo, chủ cửa hàng cho biết, nhà chị có ba khung cửi, lụa dệt xong, thuê người nhuộm, rồi làm thành khăn quàng và tạo một số mẫu quần áo. Chị còn làm trung gian chuyển hàng "mộc" (còn gọi là hàng sống) vào các tỉnh phía nam. Hiện nay, ở Vạn Phúc có một số lượng lớn người bán buôn hàng "mộc" cho các đại lý ở Hàng Gai, cũng có một số người đứng ra bao tiêu, rồi giao cho xe chở hàng vào Huế, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Giữa phố lụa, du khách ngược xuôi nhộn nhịp. Nghe Chủ tịch UBND phường Nguyễn Xuân Thủy nói, chúng tôi mới biết, Vạn Phúc là làng cách mạng, làng nghề, làng du lịch, ngồn ngộn sự tích. Khách đến đây không đơn thuần chỉ tham quan, mua sắm sản phẩm lụa, học hỏi kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh, mà còn có cả những người đến thăm căn cứ an toàn khu của T.Ư và Xứ ủy Bắc Kỳ, thăm nhà cụ Nguyễn Văn Dương (nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến), thăm nhà cụ Nguyễn Quang Oánh (nơi ở và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ), cũng là nơi từng in báo Cờ Giải phóng, báo Cứu quốc.
Ðời sống khác xưa nhiều, Vạn Phúc bây giờ lao động thủ công nghiệp chiếm tới 70%, lao động nông nghiệp chỉ còn khoảng 6%. Ðến thăm một số gia đình sản xuất giỏi, câu chuyện bên khung dệt thật sinh động. Bác Bằng Trang, người kiến tạo nhiều mẫu hoa văn mới, kể rằng, khung dệt ở đây đã hơn 10 lần cải tiến. Khởi đầu là khung "con cò" với chiếc thoi sừng, sau đến khung "chân dậm, tay thoi", khung "tay giật, thoi lao", rồi khung dệt "máy", khung hai người, "người dệt ngồi dưới, cài hoa ngồi trên". Ðến bây giờ, một người dệt "trăm hoa đua sắc" và chắc chắn công nghệ còn tiến nữa. Nhiều mẫu lụa vân ở Vạn Phúc, có tới 200 hoa văn, mây nổi mây chìm, ẩn hiện hết sức sinh động. Nghe câu chuyện dệt áo gấm long bào cho vua ngày xưa, có hình lưỡng long chầu nguyệt, mới thấy nghệ nhân Vạn Phúc có kỹ thuật cao, trí nhớ thần kỳ. Áo bào ba tháng mới dệt xong, vua mặc lên vẫn không bị "lệch rồng". Chúng tôi được xem mảnh lụa của chiếc áo gấm cũ đã sờn ở nhà ông Triệu Văn Mão, hoa văn rồng chầu mặt nguyệt vẫn rõ. Ông bảo đây là mảnh áo hoàng hậu trong cung đình Huế thời nhà Nguyễn. Gia đình ông đã khôi phục được nhiều mẫu cổ: đuôi công, tứ quý, triệu thọ, quế hồng điệp,... tới hơn chục loại. Công nghiệp hóa nghề dệt thể hiện ngay từ khâu thiết kế mẫu. Xưa kia, để ra được một mẫu hoa mới, các cụ nghệ nhân làng Vạn Phúc phải vẽ lên mặt giấy kẻ ô vuông, sau mới tính toán kích thước, đục lỗ trên bìa, xong đưa vào dệt được phải mất hàng tháng. Còn bây giờ, nghệ nhân trẻ của làng xử lý ngay trên máy vi tính, một loáng là làm ra ngay mẫu, biết luôn cả chi phí nguyên liệu, lãi lỗ ra sao. Có nghệ nhân trẻ, qua sáu năm kiên trì cải tiến hai máy, đã dệt ra được ra tấm lụa khổ 1,6 m, rộng gấp rưỡi khổ bình thường và tìm ra được công thức làm cho lụa giảm nhàu, chịu được nước sôi, không phai mầu.
Giữa sôi động của thị trường tơ lụa và cạnh tranh công nghiệp gay gắt, sự tinh tế, sâu sắc của lớp nghệ nhân già đã gắn chặt với sự nhạy cảm, năng động của lớp trẻ, hình thành nên sản phẩm lụa độc đáo, cuốn hút được khách hàng trong và ngoài nước về với Vạn Phúc. Nghe tiếng thoi rộn ràng đêm thâu, càng thấy sức sống mạnh mẽ của làng lụa bên bờ sông Nhuệ.
Theo Nhân dân
Theo