Một trong những ngôi nhà Việt cổ còn được lưu giữ khá nguyên vẹn
Dấu ấn làng cổ
Giá trị nhất của Cự Đà là những nhà Việt cổ và những ngôi nhà xây dựng theo kiến trúc Pháp cách đây hàng trăm năm cùng hàng loạt đình chùa được xếp hạng Di tích quốc gia. Nhà cổ thời Nguyễn giờ còn hơn ba chục chiếc, khung gỗ, lợp ngói ta, giếng nước mưa trong mát. Những ngôi nhà đặc biệt quý hiếm còn ghi niên đại “Tự Đức Giáp Tuất” (năm 1874, tức cách đây 134 năm), nơi thờ cúng vẫn còn giữ nguyên võng vì và bộ giường thờ, ban thờ, bàn thờ... Trong ngôi từ đường của các dòng họ, những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc vô giá, những cuốn thư, cột, cửa đều làm từ gỗ và hoa văn tinh tế. Nhà kiểu Pháp ở Cự Đà cũng được xây hai tầng, có ban công, cửa vòm, gạch hoa lát cột, mảnh sứ đập ra ghép lại trang trí mặt tiền theo phong cách mosaic, nay ít nơi còn thấy, ngoài khu lăng mộ các ông vua thời Nguyễn. Thế nhưng, những ngôi nhà cổ ngày càng mất đi và dần mai một theo thời gian do không được bảo tồn và trùng tu. Do nhu cầu đời sống của người dân, những ngôi nhà cổ đã bị cơi nới hoặc đập phá để xây mới hiện đại và tiện nghi hơn.
“Nhà tôi còn giữ lại được nguyên vẹn như thế này là do ít người ở, một phần cũng là không có tiền để sửa” - ông Trịnh Thế Sủng (xóm Đồng Nhân Cát, Cự Đà) chủ nhân của ngôi nhà còn giữ được nét cổ kính nhất làng cho biết. Trong khi đó, anh Đinh Xuân Thái (xóm Chùa 1, Cự Đà) chủ nhân của ngôi nhà có kiến trúc cổ thuần Việt thì trăn trở: “Không phải chúng tôi không ý thức được giá trị của nhà cổ, nhưng nhà xuống cấp quá rồi mà để trùng tu giữ nguyên dạng thì rất tốn kém, mà không phải thợ nào cũng biết làm. Chúng tôi cũng mong địa phương hỗ trợ thêm một phần kinh phí để góp phần vào bảo tồn, gìn giữ ngôi nhà chứ như bây giờ thì nhà nào biết nhà đó thôi”.
Nhà hiện đại mọc lên lấn át kiến trúc cổ.
Nỗi lo khi làng hoá phố
Giờ đây, xen kẽ giữa những ngôi nhà cổ là nhà cao tầng được xây theo kiến trúc hiện đại đủ màu sơn sặc sỡ. Lối vào xóm khi xưa lát gạch nghiêng dần được bê tông hoá. Nơi bến sông có con cóc đá, dấu tích của một thời làng thương mại ven đô giàu có cũng bị nhà xây chèn vào.
Nhà kiến trúc Pháp không được trùng tu, tôn tạo.
Môi trường sống của Cự Đà cũng trở thành vấn đề đáng lo ngại trước làn sóng đô thị hoá. Làng nằm bên sông Nhuệ vốn đã bị ô nhiễm nặng, không có đê bao nên mỗi khi lụt lội nước dâng lên gây cản trở lớn tới đời sống của người dân. Đi dọc trục đường chính của làng mùi hôi thối của sông bốc lên thật khó chịu. “Đây còn là mùa đông, chứ mùa hè mùi còn khó chịu hơn rất nhiều” - chị Hoàng Thu Thảo, người dẫn chúng tôi đi thăm làng “thuyết minh” thêm. Cả làng không có lấy một xe chở rác, vì vậy mà rác thải sinh hoạt đều đổ ra sông. Túi nilông không được tiêu huỷ bị gió thổi mắc đầy trên các cành cây bên sông, rác đổ tràn ngập các bến sông, ngay cả trước cổng chùa, trước nhà Thờ tự - những nơi rất trang nghiêm cũng trở thành điểm đổ rác. Anh Vũ Văn Thái (xóm Chùa 1, Cự Đà) cho biết: “Chúng tôi không đổ rác xuống sông thì cũng không biết đổ đi đâu, mà nếu có xe chở rác thì rồi cũng lại đổ xuống sông mà thôi vì vùng này làm gì có chỗ đổ rác”.
Chỉ trong nay mai, toàn bộ hơn 100ha đất canh tác của làng sẽ phải nhường cho khu đô thị, khu công nghiệp được xây dựng kế bên. Đời sống của làng cổ ven đô đang thay da đổi thịt từng ngày nhưng những nét văn hoá cổ truyền liệu có còn được lưu giữ? Ra về chúng tôi nhớ mãi câu nói của ông Sủng: “Giá làng được xếp hạng di tích, chính quyền địa phương có kế hoạch bảo tồn và hỗ trợ cho chúng tôi một phần thì những ngôi nhà cổ chắc không bị phá đi nhiều như vậy. Tôi cũng không dám chắc vài năm nữa có còn giữ được nhà mình không”.
Phương Thanh
Theo baoxaydung.com.vn