Thứ sáu 27/12/2024 08:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Làm thế nào để bảo vệ “đất chín rồng”?

14:47 | 28/10/2024

(Xây dựng) - Giải pháp quan trọng nhất là tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng thể vừa cấp bách, vừa lâu dài thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng quản lý rủi ro để từng bước chủ động kiểm soát hiệu quả các tác động, giảm thiểu thiệt hại do sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn gây ra…

Làm thế nào để bảo vệ “đất chín rồng”?
Sạt lở ở ĐBSCL đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Giải bài toán sạt lở, sụt lún

Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn vùng đang có 743 điểm sạt lở, gồm bờ sông 686 điểm, dài 591km; bờ biển 57 điểm, dài 203km. Sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có nhiều nguyên nhân, đặc biệt là việc khai thác cát dẫn đến hạ thấp đáy sông, làm thay đổi dòng chảy. Trong khi lượng cát bị lấy đi lớn, nhưng lượng phù sa, bùn cát từ thượng nguồn về ÐBSCL sụt giảm càng khiến tình trạng sụt lún, sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

Cùng với đó, tốc độ sạt lở, sụt lún ở ĐBSCL đang diễn ra đến mức đáng báo động. Nếu như trước năm 2005, mỗi năm vùng đồng bằng châu thổ được bồi 100ha đất thì khoảng 15 năm trở lại đây, mỗi năm đồng bằng bị mất tới hơn 350ha đất.

Từ đầu năm đến nay, tình trạng sạt lở, sụt lún ở ĐBSCL diễn ra ngày càng phức tạp. Hàng nghìn căn nhà, tài sản của người dân bị cuốn trôi sông, phải sống trong nỗi sợ hãi, lo lắng.

Điển hình như cuối tháng 7 vừa qua, tỉnh Trà Vinh công bố tình huống khẩn cấp sạt lở ven sông Hậu thuộc hai xã Ninh Thới và Hòa Tân, huyện Cầu Kè. 15 điểm sạt lở, với tổng chiều dài gần 1km, có những đoạn sạt lở lấn sát chân đường ảnh hưởng tới nhà dân, trường học.

Làm thế nào để bảo vệ “đất chín rồng”?
Hình ảnh đường bị sụt lún ở Cà Mau.

Tại An Giang, toàn tỉnh có 56 đoạn sông có nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm, trong đó có 5 đoạn sông có nguy cơ cao. Những tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ sạt lở, sụt lún đất bờ kênh, rạch với chiều dài 697m, ảnh hưởng đến 9 hộ dân; gây thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Huyện Châu Phú xảy ra nhiều nhất với 6 vụ. An Giang hiện đang trong mùa mưa, lũ với diễn biến phức tạp, khó lường nên nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao.

Các chuyên gia dự báo, từ nay đến cuối năm, ĐBSCL sẽ bước vào cao điểm mùa mưa lũ, cũng là mùa cao điểm sạt lở. Năm nay dưới tác động của hiện tượng khí quyển đại dương chuyển từ pha Elnino sang Lanina nên thời tiết sẽ mưa nhiều, tổng lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 11 phổ biến ở mức cao hơn từ 5-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Đặc biệt, ĐBSCL đang là mùa mưa, nước mưa khiến nền đất yếu kết hợp với diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu khiến trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông diễn biến phức tạp.

Kỳ vọng vào các đề án, công trình trọng điểm

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp, nghe báo cáo kết quả xây dựng Đề án Phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; tiến độ huy động nguồn lực triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đề án Phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm nâng cao năng lực phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước góp phần đảm bảo ổn định dân sinh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL.

Làm thế nào để bảo vệ “đất chín rồng”?
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.

Đồng thời, làm cơ sở để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng thể vừa cấp bách, vừa lâu dài thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng quản lý rủi ro để từng bước chủ động kiểm soát hiệu quả các tác động, giảm thiểu thiệt hại do sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Mục tiêu của Đề án nhằm giải quyết cơ bản tình trạng sụt lún đất tại các vùng trọng điểm đến năm 2030; chủ động kiểm soát hiệu quả hoạt động khai thác nước ngầm, tích trữ nước; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sạt lở bờ sông, bờ biển; chủ động sắp xếp lại dân cư, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở; đảm bảo kiểm soát xâm nhập mặn mùa khô, duy trì nguồn nước ổn định cho sản xuất nông nghiệp, 80% người dân nông thôn sử dụng từ nước sạch tập trung…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm và đã ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động tổng thể về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các Bộ, ngành cũng đã xây dựng, triển khai nhiều đề án, dự án cụ thể.

Do đó, quá trình xây dựng Đề án Phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tiếp cận tổng thể, hệ thống, khoa học, bám sát Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, đề án đã được xây dựng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải… rà soát, xác định các mục tiêu cụ thể của Đề án, tránh chồng chéo với các dự án, đề án đã được triển khai, bảo đảm khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của ĐBSCL.

Trong đó, "chìa khóa" là kết hợp dự án hạ tầng thủy lợi và giao thông để quản lý tài nguyên nước điều tiết lũ thượng nguồn và phân phối nước ngọt cho vùng trung tâm ĐBSCL, vùng ven biển; giảm khai thác nước ngầm để chống sụt lún; phòng, chống sạt lở bằng các công trình hạ tầng kỹ thuật kết hợp với quy hoạch, sắp xếp lại các khu dân cư ven sông, kênh, rạch và hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho người dân theo các vùng kinh tế nước ngọt, nước lợ, nước mặn.

Phát biểu tại “Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” vừa diễn ra ngày 15/10 tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đây là Đề án hết sức ý nghĩa với người nông dân vùng ĐBSCL, với ngành hàng lúa gạo và với nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo đúng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương báo cáo cụ thể, chi tiết tình hình triển khai Đề án, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị, trong đó nêu rõ các kết quả đạt được sau một năm thực hiện; xác định rõ, cụ thể các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm để các Bộ, ngành, địa phương cùng trao đổi, thống nhất các phương án, giải pháp và thẩm quyền xử lý để thúc đẩy triển khai có hiệu quả và đạt mục tiêu Đề án đề ra.

Từ đó, phân công cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, các địa phương với phương châm "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ kết quả", đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá, tinh thần là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được…

Phạm Hổ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load