“Nhất cao là núi Ba Vì”. Không chỉ là ngọn núi cao nhất của thủ đô Hà Nội, Tản Viên Sơn còn là núi tổ của toàn bộ mạch núi trên nước Nam ta, nơi thờ ông Sơn Tinh, một trong “tứ bất tử”, thượng đẳng thần của tâm thức dân gian Việt.
Núi Tản có một cộng đồng chừng hai nghìn người Dao (gọi là Dao “quần chẹt” vì quần họ bao giờ cũng bó sát ống chân và đùi) bao đời gắn bó với rừng xanh, mây mù, với hệ thống phong tục còn nhiều kỳ bí, hoang sơ. Khi giao thừa Tết Nguyên đán Tân Mão chỉ còn vài ngày nữa là đến, khi giá lạnh rát mặt, buốt như kim châm ở các đầu ngón tay, chúng tôi có mặt ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì ấy.
Ngọn lửa bập bùng tấu lên, trong âm thanh rộn rã, chũm chọe, phèng phèng, trang phục truyền thống của người Dao “quần chẹt” bung nở sắc màu. Tết nhảy đã bắt đầu. Suốt 3 ngày 3 đêm, các túi rết tay nải đựng vô số tranh thờ quý báu được mở, thịt lợn, thịt gà, bánh nếp được bày ra lá huối giữa nhà, các đêm - ngày nhảy múa triền miên, thế giới chập chờn, hư ảo.
Trang phục truyền thống của người Dao “quần chẹt”, cách bài trí tranh thờ và một hoạt động trong Tết nhảy của người Dao tại Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng |
Nguồn mạch linh thiêng
Riêng tư một chút: Nếu tôi thật sự có một quê hương, thì quê tôi chính là dãy núi Ba Vì. Trước, nhà tôi ở ngay sát sạt dưới chân núi. Nơi cuống rốn sơ sinh của tôi còn nợ nần chôn ở đó. Nơi đã mười mấy năm, ngày nào tôi cũng nhìn mây với những con đường nhờ trắng, vắt vẻo, kéo tít hút lên đỉnh trời. Nơi mà mới tập đi tôi đã phải leo đồi, vượt núi với mẹ.
Bây giờ, tôi trở lại dự một cái Tết nhảy, cảnh và người đều (vẻ như) đã khác xưa nhiều lắm. Xe bon bon vào tận cái sân nhà ông Triệu Đức Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Ba Vì của người Dao, người “đăng cai” Tết nhảy. Bà tôi đã mất, tóc mẹ tôi đã bạc, nhưng bà vẫn nhận ra những người bạn học người Dao của mình. Xưa, bản Dao không có trường, ai có chữ phải hạ sơn xuống Ba Trại học với trẻ người Mường, người Kinh ven suối Bài Văn.
Cô Triệu Thị Lan học với mẹ tôi nhiều năm, giờ là vợ của đồng chí Triệu Phú Đức - Chủ tịch UBND xã Ba Vì. Thế hệ mẹ tôi, nhiều bạn trai cùng lứa mê nhan sắc cô Lan “Mán” lắm, nhưng không ai dám ngỏ lời hay cưới hỏi gì, bởi bấy giờ, bản Dao trên chon von sườn núi như là của “người rừng” kia là một cái gì đáng sợ lắm. Bây giờ, người Dao đã khác nhiều. Xã có khoảng 200 hộ thì hơn 80 hộ tham gia hành nghề thuốc nam, họ mặc trang phục đỏ và chàm truyền thống, đi hầu khắp các tỉnh, bán thuốc gia truyền chữa “bách bệnh”.
“Hiện đại” thế, nhưng, trong cái mạch ngầm sâu thẳm, trong những ngày đêm lang thang khắp rừng để hái và sao tẩm các bài thuốc nam bí truyền, trong những dịp như Lễ cấp sắc và Tết nhảy kỳ bí kia, thế giới tâm linh của người Dao “quần chẹt” trên Tản Viên Sơn vẫn ăm ắp huyền thoại, vẫn sững sờ với bao điều bất ngờ và quyến rũ. Bây giờ, Hà Nội mở rộng, bà con người “Dao quần chẹt”, những hàng xóm thương mến của tôi, đã là công dân thủ đô. Cô Lan ôm choàng lấy mẹ con tôi, rồi rơm rớm nước mắt trong mỗi đận miên man hồi tưởng...
Lửa bập bùng, cảnh múa chuông, múa kiếm, múa rùa, tiếng nhạc mơ màng, nguyên thủy, các điệu nhảy giản đơn, hồn nhiên mà hoang dã. Cứ hai nhịp nhảy lại một nhịp bày cỗ. Thịt lợn “thả lã” trên đất rừng bản Yên Sơn chặt từng súc, bày ra lá chuối, và rượu men lá thật lành. Những bức tranh thờ tuyệt mỹ, vừa bí hiểm, vừa dữ dằn được dỡ ra khỏi tay nải. Người Dao bao đời phiêu bạt trong các cánh rừng với lối hỏa canh (đốt rừng lấy đất canh tác), du canh du cư, nên đồ thờ của họ cũng đóng gói để “di động”. Tranh đỏ rực, các vị thần mặt đỏ, râu dài, khi dữ tợn, khi hiền từ. Ông thầy mo diện những bộ trang phục nghiêm cẩn, rực rỡ, thêu thùa uốn lượn với các gương mặt người và linh vật rờn rợn... 12 bài hát lần lượt được ê a diễn tấu, mô tả quy trình vượt biển di cư của tổ tiên người Dao, cầu mong chư vị thần linh phù hộ.
Thầy mo xúng xính trang phục và dụng cụ hành lễ bước ra sân, ông ta cầm tù và rúc rền vang, mời Ngọc Hoàng xuống chứng kiến Tết nhảy. Các bức tranh treo đỏ đòng đọc bốn bức vách đã biến ngôi nhà thành một cái sân khấu dập dờn ánh lửa hóa vàng. Lời già làng Triệu Tuấn Cao như thả thêm vào đêm non cao tịch mịch đang ngày càng hiếm hoi của thủ đô Hà Nội những xúc cảm hoang sơ nhất: Tổ tiên người Dao chúng tôi từ phương Bắc vượt biển vào đất này, đường đi ngàn vạn gian lao, con cu ly (thuộc họ khỉ) báo gió bão ở trước mũi thuyền bỗng ôm mặt khóc tu tu như người.
Tất cả 12 dòng họ vượt biển cùng kinh sợ. Đúng như điềm báo, trận cuồng phong dâng nước biển ngút ngàn. Nhỏ nhoi trước đại dương điên loạn, tổ tiên người Dao chỉ còn biết cầu khấn thần linh che chở, “chúng con hứa sẽ dâng lễ vật, sẽ hát ca nhảy múa làm tết lễ tạ ơn đời đời kiếp kiếp”. Trời yên bể lặng. Từ bấy, với các họ Dương, Lý, Bàn, Lăng, Triệu... (12 họ người Dao), Tết nhảy trở thành một nghi lễ thấm đẫm niềm tự hào, chất kiêu hùng và lòng tri ân với tổ tiên, với đất trời.
Từ ngày mắt chỉ nhìn được ra đến chái nhà…
Bà con Yên Sơn tự hào lắm, rằng cả Hà Nội chỉ mình người Dao có Tết nhảy, “ăn” to hơn cả Tết Nguyên đán, rinh rượp suốt ba ngày ba đêm. Thế là theo nếp sống văn hóa mới đấy. Chứ như trước đây, mỗi nhà trong bản đăng cai làm Tết nhảy, thì cứ là chuẩn bị 10 năm chưa đủ tiền, đủ lợn, bò, gà mà giết mổ. Người nào chưa được tổ chức vui cho cả bản một lần, thì ao ước, thèm muốn và tủi phận lắm. Có người “làm” xong, nợ nần, khánh kiệt cho đến suốt đời.
Tết nhảy của người Dao Ba Vì. Ảnh: Đ.D.H |
Không “biểu diễn”, không điệu đà, cũng không phải là tổ chức linh đình rồi ăn cơm trên lá chuối, nhảy múa bên bếp lửa, vung kiếm vung chuông... cho nó giống ông bà tổ tiên - mà tôi cảm nhận được niềm thành kính, sự đắm say thật sự của mỗi người Dao trong Tết nhảy. Tiếng hát của họ nhẹ bẫng, tiếng hò hú, thanh la não bạt, cả điệu nhạc “tự chế” của họ thô sơ và đơn điệu lắm, bước nhảy của họ giản dị, lặp đi lặp lại vài động tác ai cũng làm được; nhưng cũng chính vì sự thành kính một cách hồn nhiên đó, mà Tết nhảy càng lung linh, huyền thoại hơn.
Những người đàn ông mặc áo đỏ vàng, thêu rồng phượng và các linh vật oai dũng, dữ dằn, mũ mão cân đai chỉnh tề như binh tướng nhà trời trịnh trọng ra trước sân. Tiếng tù và rúc lên giữa bao la núi rừng, ông thầy cúng kính cẩn mời Ngọc Hoàng xuống dự Tết nhảy. Có gì thật hoang sơ, nguyên thủy. Có lẽ vì thế mà ngồi trong căn bếp, thúc mãi những gộc củi lớn vào lửa đỏ, bà cụ Phùng Thị Tiến (người Dao, ngoài 80 tuổi) trở nên hoài niệm thật nhiều. Bà từ Cao Phong, Hòa Bình vượt sông Đà về núi Ba Vì này làm vợ ông Lý Kim Sinh từ trước những năm 1960.
Bấy giờ, “như con chim lạc ngàn, đổ gốc ăn ngọn”, “lam lũ chạy theo núi rừng, đói nghèo bám chặt vào lưng” (tiếng hát của người Dao), bà Tiến đẻ 10 đứa con, đói rạc đói rài, bán hết cả nhẫn, khuyên, vòng tay, vòng cổ bằng bạc để nuôi con.
Xưa, bà con nặng nề tập tục, phá rừng, du canh du cư, bao lần Nhà nước vận động hạ sơn để bảo vệ Vườn quốc gia, cứ dựng nhà dụ xuống núi được vài hôm, nhớ đại ngàn là họ lại lếch thếch... thượng sơn. Bây giờ, cuộc sống ở chân núi Ba Vì đã bén rễ xanh cây, kinh tế khá giả, bản sắc văn hóa độc đáo của mình được tôn vinh, Tết nhảy “ăn” to mà hội cũng càng vui, bà con mừng lắm.
Có được cái mạch ngầm tâm linh ấy rồi, thì dù ở chung nhà lầu, đi chung xe hơi hoặc lướt trên chuyến phi cơ thời hội nhập với các dân tộc khác, bà con người Dao Ba Vì vẫn ngẩng cao đầu mình là những đứa con đích thực của núi rừng thiêng liêng, của Non Tản kỳ bí; và, bản sắc ấy luôn là một giá trị đầy kiêu hãnh.
Đỗ Doãn Hoàng (LĐ)
Theo baoxaydung.com.vn