(Xây dựng) - Phong là gió, thủy là nước, từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông, từ một thôn xóm nhỏ bé hay một đại đô thị, con người đều tìm đến ngọn gió lành và dòng nước trong, đó là nguyên lý phong thủy cơ bản nhất để tạo nên cuộc sống yên lành, hạnh phúc và bền vững.
Sơ đồ Thăng Long đời Hồng Đức.
Cần phục hồi dòng chảy dài 240km
Môi trường sống của Hà Nội, Thủ đô của cả nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn đến hệ thống phong thủy của Thăng Long đầy hào khí khi xưa bị triệt phá nặng nề. Mặc dù Hà Nội ngày một phát triển với nhiều nhà cao tầng mọc lên, dân số tăng lên, nhưng trên 85% diện tích mặt nước sông hồ đã bị lấp, tất cả các con sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu, sông Tích, sông Đáy… đều bị tắc nghẽn. Thăng Long khi xưa là một đô thị sông nước, nhưng Hà Nội ngày nay là một TP khát nước. Khắp nơi đầy rác rưởi và xác súc vật, ngay cả Hồ Tây rộng mênh mông cũng đầy rác và cá chết.
Nhìn vào sơ đồ Thăng Long đời Hồng Đức, sông Tô Lịch đoạn từ sông Hồng vào gặp sông Thiên Phù đã bị lấp, Bến Hàm Tân (BHT) trung tâm buôn bán nơi giao thương sầm uất nhất vùng Chợ Bưởi của Thăng Long xưa không còn dấu tích.
Để dọn dẹp hết những đống rác rưởi đó, không thể có biện pháp nào hơn là khôi phục sức sống của các dòng sông, giúp cho nước chảy, khí động, gió thổi, sinh khí tràn đầy và cây cối tốt tươi, con người khỏe mạnh, sức sống tràn trề và xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Đó cũng là biện pháp duy nhất để khôi phục hệ thống phong thủy, để đất nước phát triển theo quy luật.
Tôi đặt nhiều hy vọng vào khả năng phục hồi dòng sông Đáy có tổng chiều dài 240km bắt nguồn từ cửa sông làng Hát Môn huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đi qua cầu Phùng, qua các huyện phía Tây TP, đến Phủ Lý, Ninh Bình, Nam Định rồi đi ra biển. Nếu dòng sông này được khôi phục, các mối nối với sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và các ao hồ được lập lại và nếu trên quãng đường này xuất hiện nhiều hồ điều hòa để tích trữ nước vào mùa mưa và cung cấp nước sạch vào mùa khô, thì các thảm họa về môi trường sẽ không còn.
Giả thiết khôi phục hành trình
Khác với cuộc di đô đơn giản từ Phong Châu về Cổ Loa thành của An Dương Vương, rồi từ Cổ Loa thành dời về Đại La, rồi lại từ Đại La rút về Hoa Lư để bảo toàn lực lượng… Cuộc di đô trở lại Đại La để lập nên Kinh đô Thăng Long của vua Lý Thái Tổ năm 1010 là một cuộc di đô lớn, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong lịch sử. Nhà Hà Nội học quá cố Nguyễn Vinh Phúc có công khởi xướng cuộc khảo sát từ dịp Lễ hội 1.000 năm Thăng Long 2010. Chúng tôi đã so sánh với những biến cố lớn suốt 1.000 năm qua, để hình thành một giả thiết khôi phục hành trình đó.
Tôi cho rằng, chỉ có cách lập được dự án lớn, diện nghiên cứu tổng hợp, bao gồm quy hoạch lãnh thổ và quy hoạch thủy lợi mới mong mang đến kết quả triệt để: Dự án phục hồi sông Đáy và sông Nhuệ, bao gồm toàn bộ lãnh thổ Hà Nội, Nam Hà, Phủ Lý, Ninh Bình, Nam Định đi ra biển sẽ đáp ứng được câu hỏi lớn nói trên.
Căn cứ vào sơ đồ thành Thăng Long thời Hồng Đức để triển khai thực hiện, cho thấy: Đoạn sông Tô Lịch từ phố chợ Gạo đến đường Quán Thánh, Thụy Khuê, đến bến Hàm Tân, chợ Bưởi nối với sông Thiên Phù đã bị lấp không thể khôi phục được nữa. Nhưng đoạn tiếp theo từ đầu đường Hoàng Quốc Việt đi xuống phía Tây Nam qua Đình Ứng Thiên để nối với sông Đáy, sông Nhuệ thì vẫn còn. Khó nhất là quy hoạch Hà Nội mở rộng nơi cuối đường Lê Văn Lương kéo dài (địa phận Q.Hà Đông) có một số công trình cao tầng của khu chung cư mới xây dựng đè lên một đoạn sông Đáy đã bị lấp trước khi đoạn sông này vòng sau đê qua Đình Do Lộ P.Yên Nghĩa để ra cầu Mai Lĩnh trên QL6 nối Hà Nội - Hòa Bình. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu có thể có nhiều gợi mở.
Ngày nay, Hoàng thành Thăng Long chỉ còn một chút nơi Điện Kính Thiên, nhưng dấu tích nơi nhà vua đặt chân lên cửa thành Đại La (cửa Bảo Khánh) vẫn còn, nơi đây vẫn có thể dựng lại bến thuyền sông Tô Lịch ở Đình Ứng Thiên phố Láng Hạ và đi xuôi xuống sông Nhuệ, sông Đáy.
Mặt khác, từ Phủ Lý, không thể qua sông Châu Giang ra sông Hồng được nữa và ở Hà Nội đoạn đầu nguồn Tô Lịch đã bị lấp nên phải sử dụng lộ trình đi theo sông Nhuệ và sông Đáy nối với sông Tô Lịch ở vùng Thanh Liệt, Thanh Trì. Thêm nữa, ở sông Nhuệ ở phía cuối đường Lê Văn Lương bị tắc có thể thay bằng đoạn sông đào. Từ đây, sông Đáy và sông Nhuệ tiếp tục đi về Phủ Lý, có thể cung cấp rau sạch, trái cây với những hình ảnh trên bến dưới thuyền phục vụ dân sinh và du lịch đồng quê, sẽ xuất hiện nhiều điểm dân cư du lịch xanh, hiền hòa thịnh vượng.
Qua đây, có hai câu hỏi cần được sớm trả lời: Thứ nhất, tổ chức nghiên cứu đồng bộ trên nguyên tắc quy hoạch lãnh thổ, bao gồm các đoạn sông cần nắn lại, các khu dân cư cần cải tạo, các hồ điều hòa để tích trữ nước trong mùa mưa… để tạo nên một thế cân bằng hoàn chỉnh.
Thứ hai, hình thành một dự án đầy sức thuyết phục được Nhà nước thông qua và có đề xuất vay vốn gửi đến Quỹ Bảo vệ môi trường của châu Âu do bà Thủ tướng nước Đức Markel quyết định. Được biết, bà Markel rất có thiện cảm với việc giúp Việt Nam khôi phục các dòng sông, đã có những kết quả nghiên cứu giữa các chuyên gia CHLB Đức và Việt Nam về dự án cân bằng nước ở nhiều địa phương Việt Nam trong tập tài liệu có tên IWRM Research Viet Nam do GS.TS người Đức Harro Stolpe ký ngày 18/02/2013. Quỹ cho vay ưu đãi có thể đến vài chục tỷ EURO, nếu Dự án khôi phục sông Đáy cần đến 5 tỷ EURO là hoàn toàn khả thi.
Phong là gió, thủy là nước. Gió lành và nước sạch là hai thành phần tiên quyết để tạo ra môi trường sống trong sạch và lành mạnh. Khai thông phục hồi lộ trình từ Thăng Long trở lại Hoa Lư về bản chất là phục hồi môi trường sống trong sạch vốn có khi xưa.
KTS Trần Thanh Vân
Theo