Thứ năm 26/12/2024 02:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị: “Nhà hát Opera Hà Nội là sự cộng thêm cho sự phát triển của Thủ đô”

08:05 | 19/07/2022

Là một kiến trúc sư nổi tiếng tại Việt Nam và từng là thành viên của Hội Kiến trúc sư Pháp, Hồ Thiệu Trị được biết đến nhiều nhất tại Việt Nam với dự án tu bổ Nhà hát Lớn Hà Nội. Dưới đây là những nhìn nhận và chia sẻ của ông về quy hoạch xây dựng Nhà hát Opera tại khu vực Hồ Tây.

kien truc su ho thieu tri nha hat opera ha noi la su cong them cho su phat trien cua thu do
Ông Hồ Thiệu Trị là kiến trúc sư nổi tiếng ở Việt Nam, từng là thành viên của Hội Kiến trúc sư Pháp

Có khá nhiều công trình kiến trúc trên thế giới trước khi ra đời gặp phải phản ứng, thậm chí là phê phán, nhưng sau đó lại thành công rực rỡ. Ông nghĩ sao về điều này?

Một công trình mới theo quan điểm của tôi, mọi người đừng vội phê phán về nghệ thuật hay kiến trúc, bởi tất cả chỉ là quan điểm cá nhân. Mỗi công trình đều có tiếng nói riêng, đều có linh hồn, và đó là nơi gửi gắm tâm huyết, tài năng, sức sáng tạo của người kiến trúc sư, nhằm tạo nên dấu ấn không chỉ cho vùng đất, cho đất nước, mà có khi là cho cả thế giới sau này.

Ví dụ, Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao hay Nhà hát con sò ở Sydney. Nếu ai quan tâm tới kiến trúc thì đều biết bảo tàng Bilbao từng bị phê phán, nhiều người không hiểu vì sao phải làm một công trình tốn kém như vậy. Hay nhà hát Con Sò ban đầu chỉ là những nét vẽ đơn sơ, nhưng để thành hình thì đó là cả quá trình rất dài từ nghiên cứu kết cấu, ánh sáng...

Công trình này ban đầu bị phê phán, nhưng sau đó trở thành biểu tượng, và mọi người lại nói: "Ồ tôi đã hiểu cái quan điểm, ý đồ của kiến trúc sư rồi".

Một công trình khác mà cả thế giới đều biết đén là tháp Eiffel, trước đây được xây để dùng cho triển lãm quốc tế ở Paris, dự định xây xong sẽ phá bỏ. Trước khi xây, nhiều người nói đó là sự điên rồ, xây xong lại muốn bỏ đi, họ ví đây là "một kết cấu thép như con khủng long" giữa một thành phố toàn công trình đá.

Ngày nay, nó thu hút biết bao nhiêu du khách, hiệu quả kinh tế là vô cùng, trở thành hiện tượng của cả thành phố, của cả nước Pháp. Rõ ràng, những kiến trúc sư như ông Eiffel đã thể hiện tầm nhìn đi trước thời đại rất nhiều và đặc biệt họ giữ được sự kiên quyết để tạo nên các tác phẩm của mình. Nếu không có họ, sẽ chẳng có những công trình biểu tượng, và cũng không có sự phát triển.

Vậy đấy, chúng ta thường chưa thể hiểu hết ý đồ của kiến trúc sư khi công trình bắt đầu hình thành, cho nên thực tế một công trình thường sẽ gặp nhiều ý kiến khác nhau thủa ban đầu. Kể cả khi đưa công trình ra hội đồng xét duyệt, thì quan điểm của mỗi thành viên cũng đã khác nhau. Cho nên, phản ứng trái chiều là điều không thể tránh khỏi. Nhưng những giá trị của sự sáng tạo, độc đáo và cô đọng sẽ là những giá trị vĩnh cửu.

Có nhiều ý kiến cho rằng đây chưa phải là thời điểm để đầu tư xây dựng một công trình văn hoá tầm cỡ như Nhà hát Opera Hà Nội, khi mà nền kinh tế đất nước chưa đủ mạnh như các nước phát triển. Ông nghĩ sao về điều này?

Sự phát triển của một đất nước thường được đánh giá qua kinh tế, thương mại. Tuy nhiên xu hướng phát triển bây giờ còn phải đồng bộ với văn hóa, với tư duy, và với nghệ thuật. Đây là yếu tố mà chúng ta thường nghĩ không cần thiết làm ngay, hay không cần làm trong thời điểm khó khăn của đất nước. Có thể thấy, tư duy của con người không thể thay đổi trong một sớm một chiều, văn hóa cũng vậy, càng cần dày công mới có thể bồi đắp.

Có thể nói, sự phát triển về văn hóa, tư tưởng, suy nghĩ của con người là rất quan trọng, đôi khi được đặt lên hàng đầu trong sự phát triển chung của đất nước. Chẳng hạn một ví dụ, nước Pháp nơi tôi sống thời gian khá lâu. Sự phát triển văn hóa của Pháp, châu Âu và các nước tiên tiến khác trên thế giới đã được đầu tư ngay từ bước đầu chứ không phải tới bây giờ họ mới phát triển. Đó là yếu tố sâu sắc, khiêm tốn mà lâu dài. Đó là yếu tố tối cần cho sự phát triển của một đất nước.

Cho nên, không thể nói phát triển văn hóa nghệ thuật đặt ra ngày hôm nay là có thể thực hiện được ngay. Sự phát triển về văn hoá phải tiềm tàng trong tư duy, giáo dục, phong cách sống mỗi người. Soi chiếu vào công trình Nhà hát Opera Hà Nội, đây rõ ràng không phải là công trình gây khó khăn trong kinh tế, gây khó khăn cho sự phát triển mà là sự cộng thêm cho sự phát triển của Thủ đô. Giá trị cộng thêm ở đây là văn hóa nghệ thuật, và sức hấp dẫn du lịch từ một tác phẩm đẹp. Đó là sự phát triển mang tính chất đồng bộ mà đất nước luôn cần.

kien truc su ho thieu tri nha hat opera ha noi la su cong them cho su phat trien cua thu do

Từng bị chỉ trích và yêu cầu dỡ bỏ, tháp Eiffel ngày nay trở thành biểu tượng của Paris, Pháp, đón hàng triệu khách mỗi năm.

Nhà hát Opera Hà Nội với một mái vòm như lớp sóng Hồ Tây, và bao quanh là cả một không gian văn hóa nghệ thuật đậm sắc màu văn hoá. Với một công trình như vậy, ông có cảm nhận gì?

Có thể thấy, đây thực sự là một công trình có ý nghĩa, nơi tôi có thể cảm nhận một sự đồng điệu về giấc mơ, về cảm hứng, và cả sự chân thành của kiến trúc sư trong việc mong muốn tạo ra một công trình đầy tính nghệ thuật và văn hoá tại khu vực Hồ Tây. Từ những nét vẽ mộc mạc cho đến hình ảnh Hồ Tây, đó là những hình ảnh rất đẹp được gom vào một công trình đầy cảm xúc. Nếu công trình này là một con đường, thì đó chính là đường đi đúng, là một tấm gương mà mọi kiến trúc sư đam mê đều mơ ước mình có thể làm được.

Với tôi, công trình này là một yếu tố rất cần thiết cho đất nước Việt Nam, trong giai đoạn này. Và dĩ nhiên về sau nữa, một công trình hàm chứa sự mới mẻ, sự gắn bó kiến trúc và cả những giá trị ẩn chứa lớp văn hóa trừu tượng, lịch sử sâu đậm, đó chính là điều mà đất nước luôn luôn cần.

Với cá nhân ông, kiến trúc sư Renzo Piano - người thiết kế nhà hát Opera Hà Nội là người như thế nào?

Đối với kiến trúc sư Renzo Piano, tôi có một sự kính trọng sâu sắc. Ở Pháp, thỉnh thoảng tôi cũng gặp ông. Tôi thực sự tôn trọng ông như một kiến trúc sư tài hoa và có nhiều cống hiến trong ngành kiến trúc.

Tôi luôn đánh giá cao Renzo Piano, và thiết kế nhà hát Opera Hà Nội đã thể hiện tầm nhìn xa của ông. Tôi mong một ngày nào đó được tận mắt thấy công trình này trở thành một biểu tượng văn hóa cho thành phố Hà Nội. Tôi nghĩ công trình Nhà hát Hồ Tây của kiến trúc sư Renzo Piano sẽ là một trong những công trình biểu tượng cho văn hoá nghệ thuật của thủ đô, góp phần tích cực vào sự phát triển du lịch văn hóa của Hà Nội và đất nước Việt Nam.

kien truc su ho thieu tri nha hat opera ha noi la su cong them cho su phat trien cua thu do
Nhà hát Opera Hà Nội được thiết kế bởi kiến trúc sư lừng danh người Italy - Renzo Piano.

Ông nhận định thế nào khi một công trình văn hoá tầm cỡ như nhà hát Opera Hà Nội được đầu tư theo xu hướng Xanh, với rất nhiều cây xanh được trồng bao quanh và giữ nguyên các không gian tâm linh vốn có khu vực Hồ Tây?

Xu hướng mà kiến trúc thế giới bây giờ là bảo vệ môi trường và bền vững, với từ khoá "kiến trúc xanh", "không gian xanh". Thành phố Hà Nội cũng chủ trương quy hoạch và xây dựng theo xu hướng Xanh, giữ nền cây xanh và giữ lại không gian truyền thống. Có thể thấy, Nhà hát Opera Hà Nội đã đi đúng con đường phát triển của thời đại.

Thêm vào đó, thủ đô Hà Nội đã có chất văn hóa hàng nghìn năm, nghìn đời để lại. Việc lựa chọn địa điểm xây nhà hát trên mặt nước thanh tao của khu vực Hồ Tây, tôi đánh giá là có sự nghiên cứu sâu sắc. Đây thực sự là một điểm chói sáng của công trình này.

Theo Thanhtra.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load