(Xây dựng) - Để tránh việc lợi dụng xuất khẩu cát xây dựng khai thác từ tự nhiên trong nước thông qua hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, Tổng cục Hải quan yêu cầu một số đơn vị hải quan địa phương đảm bảo công tác giám sát hải quan đối với mặt hàng cát kinh doanh tạm nhập tái xuất.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Theo đó, khi làm thủ tục hải quan đối với mặt hàng cát sông tự nhiên kinh doanh tạm nhập tái xuất ngoài việc thực hiện các quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố quán triệt thực hiện các quy định về giám sát hải quan, cũng như đảm bảo sự phối hợp giữa các chi cục hải quan.
Về công tác giám sát hải quan, mặt hàng cát kinh doanh tạm nhập tái xuất phải được chuyên chở trong phương tiện có thể niêm phong hải quan. Trường hợp phương tiện chứa hàng không có nắp thì phải phủ bạt kín để đảm bảo niêm phong hải quan.
Phương tiện vận chuyển cát tạm nhập tái xuất phải niêm phong bằng seal định vị để chi cục hải quan làm thủ tục giám sát trong suốt quá trình vận chuyển.
Hàng hóa tạm nhập phải tái xuất ngay. Trường hợp chưa tái xuất ngay thì phải lưu giữ tại khu vực chịu sự giám sát hải quan tại cửa khẩu tạm nhập hoặc cửa khẩu tái xuất theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 82 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính. Chi cục hải quan cửa khẩu tạm nhập hoặc chi cục hải quan cửa khẩu tái xuất bố trí cán bộ công chức tổ chức giám sát đảm bảo không để lợi dụng đưa cát có nguồn gốc trong nước vào xuất khẩu.
Hàng hóa không được phép thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải trong quá trình vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất. Việc thay đổi phương tiện vận tải chỉ được thực hiện tại cửa khẩu nhập, cửa khẩu xuất và dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn cụ thể về công tác phối hợp giữa các chi cục hải quan.
Khánh Diệp
Theo