Thứ năm 18/04/2024 11:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Khu vực Hồ Tây là một trong những trung tâm của Hà Nội

10:33 | 23/08/2022

(Xây dựng) – Liên quan đến Đồ án quy hoạch chi tiết trung tâm bán đảo Quảng An tỷ lệ 1/500 (khu vực Hồ Tây, Hà Nội), các chuyên gia hiện vẫn đang đóng góp nhiều ý kiến.

khu vuc ho tay la mot trong nhung trung tam cua ha noi

Quy hoạch khu vực Hồ Tây được nghiên cứu từ rất lâu

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã có 7 lần được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng (QHCXD) và 4 lần điều chỉnh địa giới.

Trong các quyết định phê duyệt QHCXD Thủ đô Hà Nội đã xác định: Ngoài khu vực Ba Đình, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội còn có trung tâm là khu vực Hồ Tây.

QHCXD Thủ đô Hà Nội phê duyệt năm 1992 lần đầu tiên xác định cần phát huy giá trị của các khu vực Hồ Tây và đưa ra một yêu cầu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên của khu vực, không để xâm phạm hoặc làm sai phạm đến cảnh quan.

Cụ thể hóa quy hoạch chung năm 1992, Hà Nội triển khai quy hoạch khu phố cổ, quy hoạch khu vực Hồ Gươm và quy hoạch khu vực Hồ Tây và bán đảo Quảng An. Theo đó, khu vực Hồ Tây và bán đảo Quảng An đã xác định được rõ chức năng là trung tâm văn hóa, công cộng và đưa ra yêu cầu phục vụ cho du lịch, khai thác cảnh quan…

Ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh: Như vậy, từ năm 1994, vấn đề quy hoạch khu vực Hồ Tây đã được đặt ra. Quy hoạch chú trọng khu vực bán đảo Quảng An và khu vực ven phía tây Hồ Tây, đồng thời xác định hình thành 2 trục không gian chính. Một là trục không gian ở phía tây Hồ Tây và điểm xuất phát từ vành đai 3 (Công viên Hòa Bình) và một trục ở bán đảo Quảng An (sau này là đường Đặng Thai Mai).

QHCXD Thủ đô Hà Nội phê duyệt năm 1998 một lần nữa nhấn mạnh thêm về vai trò của khu vực bán đảo Hồ Tây và khu vực Hồ Tây: Khu vực Hồ Tây có trục không gian nối từ phía tây Hồ Tây (tức từ Công viên Hòa Bình - đó là trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, thậm chí có cả các cơ quan Trung ương cũng gần đây) giao cắt với trục Cổ Loa, Đặng Thai Mai, bán đảo Quảng An để tạo thành một trục không gian Thăng Long Hà Nội truyền thống nhưng hiện đại.

Quy hoạch năm 1998 cũng đã tạo ra một điểm nhấn của giao điểm này đó là khu vực Đầm Trị - khu vực gắn kết với các di tích lịch sử xung quanh.

Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới, tại QHCXD Thủ đô Hà Nội được phê duyệt năm 2011, một trung tâm dịch vụ, văn hóa, thương mại nằm ở phía Tây Hồ Tây và đặc biệt khu vực bán đảo Hồ Tây đã được xác định. Quy hoạch năm 2011 đã xác định rõ khu vực bán đảo Hồ Tây sẽ có một nhà hát hoặc một bảo tàng thích hợp.

Cụ thể hóa quy hoạch chung, Hà Nội đã triển khai nghiên cứu và phê duyệt quy hoạch phân khu A6 khu vực Hồ Tây, bán đảo Hồ Tây. Đây là quy hoạch tương đồng với quy hoạch năm 1994 (tức sau gần hơn 20 năm).

Trong quy hoạch phân khu A6 khẳng định rõ vị trí giao điểm giữa trục tây Hồ Tây và trục Cổ Loa là một nhà hát đa năng, xác định rõ vị trí các công trình phải bảo tồn, tôn tạo và đặc biệt có thể thể hiện lại các ý tưởng, các cảnh quan xung quanh. Quy hoạch chi tiết trung tâm bán đảo Quảng An nhằm cụ thể hóa quy hoạch phân khu.

Ông Đào Ngọc Nghiêm nhận định: Lần này Hà Nội mạnh dạn đặt ra một công trình mới. Thứ nhất, có thể nói đây là kế thừa định hướng rất chuẩn xác và đúng hướng từ quy hoạch năm 1992. Thứ hai, Hà Nội đã rút kinh nghiệm các bài học để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là mặt nước ở đây. Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng - kỹ thuật để thu hút cộng đồng dân cư, bạn bè nước ngoài vào trung tâm mới, nhằm giảm áp lực cho nội đô lịch sử của TP Hà Nội.

“Qua tất cả những điều trên, dù có trái chiều nhau đi chăng nữa, phải khẳng định rằng một nhà hát đa năng ở vị trí Đầm Trị là hợp lý. Vị trí này phải được thiết kế xứng tầm là công trình văn hóa Thủ đô nhưng vẫn phải tôn trọng cảnh quan thiên nhiên, tôn trọng các di tích lịch sử, đặc biệt kế thừa các công trình kiến trúc đã để lại dấu ấn của Hà Nội suốt từ quy hoạch bán đảo Hồ Tây từ năm 1994 đến nay” - ông Đào Ngọc Nghiêm nhận định.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là phải tuyên truyền để Nhân dân thấy rõ rằng phát triển của Hà Nội không chỉ bó hẹp trong khu vực nội đô lịch sử, ở những khu vực chúng ta thường quan tâm như hồ Hoàn Kiếm, Ba Đình hay phố cổ mà phải phát triển xa hơn và Hồ Tây cũng là khu vực có tiềm năng rất lớn về văn hóa.

Vấn đề mấu chốt nhất để tránh những ý kiến trái chiều với nhau là phải tiếp cận được tổng thể, thấy được mục tiêu phát huy, khai thác giá trị văn hóa rất phong phú, rất đa năng của khu vực này.

Đặc biệt, tạo động lực mới để tiếp tục phát huy những định hướng mà Hà Nội đã đặt ra từ gần 30 năm nay. Đây là một tiềm lực rất lớn để chúng ta phát triển Hà Nội hướng tới năm 2030 trở thành thành phố xanh, văn minh, văn hiến, hiện đại.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp

Cũng liên quan đến đồ án QHCT trung tâm bán đảo Quảng An, mới đây Hội KTS Việt Nam cũng đã đưa ra những căn cứ cho thấy đồ án được triển khai đúng quy trình và quy định của pháp luật.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Phan Đăng Sơn một lần nữa nhận định: Khi lập hệ thống quy hoạch của Hà Nội, chúng ta đã huy động lực lượng chuyên môn của các thời kỳ cũng rất bài bản. Vì vậy, nói quy hoạch này không có chất lượng là không có cơ sở.

Thứ hai, hệ thống quy hoạch này đã được các văn bản của Chính phủ và thành phố phê duyệt thành hệ thống rất chặt chẽ về mặt pháp lý. Chúng ta phải tuân thủ các quy định pháp luật đã thống nhất.

Thứ ba là yếu tố mà hiện nay cộng đồng có rất nhiều ý kiến ví dụ như tuyến giao thông hợp lý hay chưa? Theo quan điểm của Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, TP Hà Nội, quận Tây Hồ cũng cần phải lắng nghe thông tin, tiếp nhận một cách có chọn lọc và phải chú ý, rà soát lại từ đầu đến cuối một cách nghiêm túc, để tiếp nhận những cái hay và cái tốt vào trong trường hợp này...

Tiếp nhận các ý kiến đóng góp cho đồ án, đại diện lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết: Với tinh thần cầu thị lắng nghe nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, UBND Quận và đơn vị tham gia nghiên cứu quy hoạch vẫn đang ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của các tổ chức, Nhân dân. Trên cơ sở đó, quận sẽ làm việc với đơn vị lập quy hoạch, căn cứ quy định pháp luật, căn cứ các tiêu chuẩn quy hoạch, để thực hiện những điều chỉnh phù hợp và hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt.

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load