(Xây dựng) - Cao Bằng là địa phương có nhiều loại khoáng sản phong phú trữ lượng lớn. Đây là cơ sở tiền đề phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đem lại nguồn thu cho tỉnh. Tuy nhiên, việc khai thác khoáng sản cũng kéo theo nhiều hệ lụy tại địa phương này.
Ảnh minh họa
Năm 2015, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận về công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và việc thực hiện của chính quyền địa phương. Kết luận đã chỉ rõ, tỉnh Cao Bằng đã để cho doanh nghiệp nợ đọng nghĩa vụ tài chính số lượng lớn, với tổng số tiền gần 47 tỷ đồng.
Tuy nhiên cho đến nay, tình trạng thất thu này vẫn chưa có phương án giải quyết, nhiều doanh nghiệp đã nợ thuế nhiều năm, có thời điểm lên đến hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc đưa vào khai thác các mỏ khoáng sản còn đem đến nhiều nguy cơ về tàn phá môi trường, nảy sinh nhiều phức tạp trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Không chỉ các cơ quan chức năng vất vả trong quản lý, mà người dân cũng khổ sở do hoạt động khai thác của doanh nghiệp gây ra.
Mới đây, UBND tỉnh Cao Bằng đã có công văn số 586/UBND-CN gửi Bộ Xây dựng về việc đề nghị góp ý Báo cáo khoanh định khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở đề nghị tại báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng rà soát, đối chiếu khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản để xác định các khu vực chống lấn làm cơ sở cho việc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều chỉnh quy hoạch khoáng sản có liên quan.
Cần tăng cường chỉ đạo việc đẩy nhanh công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng đối với các mỏ được cấp phép khai thác còn hiệu lực để thẩm định phê duyệt làm căn cứ khai thác quản lý tài nguyên khoáng sản và thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản; tổ chức rà soát lại giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản, việc thực hiện việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với các đơn vị chậm triển khai thực hiện để có biện pháp xử lý đúng quy định và phù hợp với tinh hình thực tế tại địa phương.
Ngoài ra, các khu vực khoanh định khu vực cấm và tạm cấm hoạt động khoáng sản liên quan đến khu vực đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Luật di sản văn hóa. Đặc biệt lưu ý đến các khu vực liên quan đến hoạt động du lịch nhằm giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững, hài hòa với các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo Luật du lịch và Quy hoạch tổng thể du lịch tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tuyết Hạnh
Theo