Thứ sáu 26/04/2024 06:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Khó phân cấp quản lý bảo trì Quốc lộ vì vướng nhiều luật

10:30 | 21/05/2021

(Xây dựng) – Việc phân cấp quản lý, bảo trì Quốc lộ cho các địa phương gặp không ít khó khăn, vướng mắc về pháp luật quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Giao thông đường bộ…

kho phan cap quan ly bao tri quoc lo vi vuong nhieu luat
Ảnh minh họa.

Vướng Luật Ngân sách Nhà nước

Theo quy định của Luật Ngân sách Ngân sách Nhà nước, chi phí quản lý bảo trì quốc lộ thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách trung ương; hằng năm Bộ Tài chính giao dự toán chi quản lý, bảo trì cho Bộ Giao thông Vận tải là đơn vị dự toán cấp I quy định tại Khoản 9 Điều 4 Luật Ngân sách Nhà nước.

Do đó, khi phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ công tác quản lý, bảo trì Quốc lộ thì Bộ Giao thông Vận tải không giao lại dự toán chi quản lý, bảo trì Quốc lộ cho UBND cấp tỉnh vì UBND cấp tỉnh không phải là đơn vị dự toán cấp dưới của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo Điều 9, Luật Ngân sách Nhà nước: “Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách câp đó bảo đảm”; “Không dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ chi của cấp khác”. Do đó, trường hợp chuyển quốc lộ thành đường địa phương và giao cho địa phương quản lý, thì cũng không thể dùng ngân sách trung ương để quản lý, bảo trì.

Hiện nay, trong số 52 tỉnh tham gia quản lý Quốc lộ, phần lớn ngân sách địa phương đang được Trung ương hỗ trợ, bổ sung (trừ Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng và một số ít các tỉnh khác).

Như vậy, việc phân cấp cho các tỉnh quản lý bảo trì Quốc lộ bằng vốn ngân sách Trung ương hoặc chuyển toàn bộ Quốc lộ cho các tỉnh quản lý sẽ vướng mắc do quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Còn theo Điều 12, Điều 19 Luật Quản lý sử dụng tài sản công thì Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm giao một cơ quan trực thuộc Bộ trực tiếp quản lý tài sản công. Theo Điều 5 Nghị định số 33/2019/NĐ-CP về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ có quy định “Cơ quan được giao tài sản kết cấu hạ tầng giao thông ở trung ương là cơ quan giúp Bộ Giao thông Vận tải thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành Đường bộ”.

Các Điều 7, Điều 8 và Điều 10 Nghị định số 33/2019/NĐ-CP cũng đồng thời quy định: Cơ quan được giao tài sản công và tài sản là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện lập, quản lý, lưu trữ đầy đủ hồ sơ quản lý tài sản công về hạ tầng đường bộ, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, thực hiện công tác kế toán, báo cáo tình hình tăng giảm tài sản công và quy định cơ quan được giao tài sản hạ tầng đường bộ tổ chức thực hiện bảo trì tài sản đường bộ theo dự toán giao.

Như vậy theo quy định này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan được Bộ Giao thông Vận tải giao tài sản hạ tầng Quốc lộ và cao tốc của Bộ Giao thông Vận tải, và Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm đầu mối thực hiện quản lý tài sản kết cấu hạ tầng Quốc lộ, tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa (bảo trì Quốc lộ).

Theo quy định của Điều 48 Luật Giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý bảo trì hệ thống quốc lộ do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện; trách nhiệm quản lý, bảo trì đường tỉnh, đường đô thị do UBND cấp tỉnh thực hiện; UBND cấp tỉnh quy định việc quản lý, bảo trì đường huyện, đường xã…

Các hạn chế trong thực tế

Bên cạnh các vướng mắc về mặt pháp luật hiện hành, còn có các vướng mắc khác như: Trong khi không giao được vốn trung ương cho các địa phương bảo trì được Quốc lộ, nếu Quốc hội chuyển thẳng ngân sách trung ương về UBND cấp tỉnh để bảo trì Quốc lộ, khi đó dự toán kinh phí bảo trì hằng năm sẽ do Hội đồng nhân dân từng tỉnh quyết định; sẽ dẫn đến chậm giải ngân, không thống nhất triển khai bảo trì sửa chữa các đoạn đi qua từng tỉnh của một Quốc lộ dẫn đến các hậu quả thiếu đồng bộ, chất lượng vận tải giảm.

Tạo nên sự thiếu đồng bộ trong quản lý, bảo trì về quy mô sửa chữa, việc bảo đảm chất lượng, thời điểm thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng trên cùng một tuyến đường do các địa phương khác nhau quản lý, thực hiện bảo trì khi không có đầu mối quản lý thống nhất.

Gây khó khăn cho hoạt động vận tải trên Quốc lộ và giảm khả năng liên kết giữa các tỉnh, vùng, miền, không giảm chi phí vận tải, logistics mà có thể dẫn tới làm tăng thêm chi phí này do sự thiếu đồng bộ về quy mô, chất lượng Quốc lộ, phát sinh thêm nhiều thủ tục tại các địa phương khi xây dựng các công trình thiết yếu dạng tuyến (điện, cáp quang viễn thông, cấp, thoát nước) đi dọc đường Quốc lộ.

Việc quản lý điều hành giao thông khó khăn hơn hiện nay, dẫn đến nhiều bất cập trong các công tác chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiểm soát tải trọng xe, công bố tải trọng, khổ giới hạn đường bộ, cấp giấy phép xe siêu trường, siêu trọng lưu thông trên hệ thống Quốc lộ.

Khó khăn trong việc thu thập, quản lý và lưu trữ hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý, lập quy hoạch mạng lưới đường Quốc lộ, lập các dự án đầu tư xây dựng công trình; Hệ thống cơ sở dữ liệu về đường bộ phân tán, thiếu tập trung; giảm hiệu quả công tác thu thập, cập nhật, công bố và khai thác dữ liệu đường bộ, dữ liệu hạ tầng./.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load