(Xây dựng) – Mặc dù được biết đến với loại vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, nhưng việc sử dụng gạch không nung tại nhiều địa phương, kể cả Thủ đô Hà Nội vẫn vướng nhiều khó khăn. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó nổi bật là yếu tố thiếu vốn đầu tư cùng với chi phí vận chuyển cao nên ảnh hưởng đến việc phát triển gạch không nung tại nhiều công trình xây dựng.
Sử dụng gạch xây không nung tại các công trình xây dựng để bảo vệ môi trường.
Theo thống kê, ngành xây dựng tại Việt Nam đang tăng trưởng trung bình 8%/ năm 2015, nhu cầu gạch xây dựng của Việt Nam phát triển khá nhanh nhưng hiện ngành này vẫn đang sử dụng tới 80% gạch nung truyền thống. Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), sau hơn bốn năm thực hiện Chương trình theo Quyết định số 567/QÐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung, tổng công suất thiết kế vào ba loại sản phẩm chính, gồm: gạch xi-măng cốt liệu, gạch bê-tông khí chưng áp (AAC) và gạch bê-tông bọt đạt 6 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC), trong đó có 13 nhà máy sản xuất AAC, 17 nhà máy sản xuất bê-tông bọt, hơn 1.000 dây chuyền sản xuất gạch xi-măng cốt liệu công suất hơn 10 triệu viên QTC/năm và một số chủng loại vật liệu xây không nung khác.
Thống kê là như thế, nhưng theo khảo sát tại một số địa phương khu vực Tây Bắc thì việc sử dụng gạch không nung tại một số công trình xây dựng còn ít, nhiều huyệncòn chưa một lần sử dụng một viên gạch nào vì không có nhà máy, đường giao thông xa như tại các huyện Mường Tè (Lai Châu), Mường Nhé (Điện Biên)…
Để tạo điều kiện cho phát triển vật liệu không nung ở nước ta, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm hạn chế việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung. Việc triển khai dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, nhằm cắt giảm tỷ lệ tăng hằng năm mức phát thải khí nhà kính bằng cách giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đất màu để làm gạch, thông qua việc tăng cường sản xuất, mua bán và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam.
Ghi nhận tại tỉnh Điện Biên, từ năm 2015 trở đi tất cả các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh bắt buộc phải sử dụng vật liệu gạch không nung. Tại khu vực thành phố Điện Biên Phủ phải sử dụng vật liệu xây dựng gạch không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 65% và khoảng 81% vào năm 2020. Tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh phải sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung trong các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và sau năm 2015 phải đạt từ 50% trở lên. Đây là tín hiệu vui đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh có thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, để tiêu thụ sản phẩm gạch không nung các ngành chức năng cần có cơ chế giám sát các chủ đầu tư, các nhà thầu về tỷ lệ sử dụng gạch không nung theo tỷ lệ quy định. Nhà sản xuất cũng cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm nâng cao nhận thức của mọi người về chất lượng cũng như tác dụng của việc sử dụng gạch không nung. Bởi hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ chủ đầu tư, nhân dân vẫn có tâm lý dùng gạch truyền thống.
Tại tỉnh Bắc Kạn, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chưa có nhà máy sản xuất gạch không nung đủ tiêu chuẩn. Ghi nhận tại một số huyện, thị xã chỉ có khoảng 20 cơ sở sản xuất tư nhân phát triển tự phát, quy mô hộ gia đình đang hoạt động sản xuất gạch không nung theo hình thức thủ công, với sản lượng nhỏ, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xây dựng của các hộ gia đình.
Tình hình tiêu thụ gạch đất sét nung vẫn diễn ra phổ biến tại các công trình xây dựng; người tiêu dùng chưa quen dùng vật liệu xây không nung; trọng lượng viên gạch xây không nung còn cao; các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến chất lượng sản phẩm, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình và cơ chế chính sách hỗ trợ cho việc đầu tư phát triển vật liệu xây không nung chậm được ban hành. Vì vậy, việc sản xuất và phát triển vật liệu xây không nung gặp nhiều khó khăn, những lợi ích của việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung chưa được phát huy và chưa khuyến khích được việc đầu tư phát triển loại vật liệu này.
Tại tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Thái Lực, Trưởng phòng Kinh tế (Sở Xây dựng Lai Châu) cho biết: Tại địa bàn tỉnh Lai Châu, việc đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung rất dàn trải, do diện tích rộng, công trình nhỏ lẻ dàn trải tại nhiều vùng sâu, vùng xa. Do vậy việc phát triển gạch không nung trên này gặp nhiều khó khăn, ngoài ra hiện nay nhu cầu sử dụng gạch cho xây dựng đã chững lại. Hiện tại Lai Châu đã có nhà máy sản xuất nhỏ đóng tại huyện Than Uyên, mặc dù nhà máy đã cho ra sản phẩm để Sở làm báo giá, thí nghiệm đánh giá chất lượng nhưng sản lượng sản xuất chưa nhiều. Còn tại Lai Châu cũng đã có nhà máy, với công xuất khoảng 8-10 triệu viên/năm, tuy nhiên đến nay dây truyền của nhà máy vẫn chưa lắp đặt xong.
Ông Lực cũng cho biết: Mặc dù chỉ có hai nhà máy, nhưng theo đánh giá của Sở Xây dựng thì với sản lượng như thế cũng đã đủ phục vụ nhu cầu cho các công trình xây dựng. Bên cạnh đó, đến nay các công trình xây dựng công, các trụ sở Nhà nước đều đã xây dựng xong cơ bản. Do vậy nhu cầu sử dụng gạch không nung chỉ phục vụ các công trình nhỏ lẻ và nhà dân.
Ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mỗi năm các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam sẽ thải ra khoảng 30-40 triệu tấn tro xỉ. Xuất phát từ vấn đề trên, Bộ Xây dựng đã tham mưu với Chính phủ ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg về phát triển vật liệu xây không nung để từng bước thay thế vật liệu đất sét nung. Với các chỉ tiêu đến năm 2015 đạt 15-20%, đến năm 2020 đạt 30-40% tỷ lệ vật liệu xây không nung và hàng năm sử dụng 15-20 triệu tấn phế thải tro xỉ nhiệt điện, lò cao để sử dụng làm nguyên liệu gạch xây không nung. Tiết kiệm được 100 ha đất nông nghiệp, hàng trăm ha diện tích đất phế thải phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện. Tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các lò sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng hóa thạch…để tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung thân thiện môi trường.
Vũ Chiến
Theo