Thứ năm 25/04/2024 12:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Khảo sát “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023”

22:04 | 15/04/2023

(Xây dựng) – Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long vừa triển khai kế hoạch khảo sát “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023”. Theo kế hoạch năm 2023, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long sẽ khảo sát 14 điểm du lịch tại 6 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bến Tre, An Giang, để bình chọn “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023”.

Khảo sát “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023”
Ông Trần Việt Phường - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát biểu khảo sát Khu di tích ao Bà Om và Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha.

Đoàn khảo sát “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023” do ông Trần Việt Phường - Trưởng đoàn đã đến Khu di tích danh lam thắng cảnh quốc gia ao Bà Om và Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha (tỉnh Trà Vinh).

Ông Đinh Quốc Cường - Phó Ban quản lý di tích tỉnh Trà Vinh thông tin cho biết: Ao Bà Om là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng Trà Vinh và là “thắng cảnh miền Tây”, năm 1994, được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng ao Bà Om là “Di tích quốc gia thuộc loại hình danh lam thắng cảnh”.

Ao Bà Om là điểm du lịch có cảnh quan thiên nhiên thật đẹp, tọa lạc tại khóm 4, phường 8, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, với diện tích hơn 188.919m2, gồm 3 phần chính: Ao, bờ ao và rừng cây cổ thụ bao quanh. Vị trí trung tâm danh thắng là ao nước ngọt có hình vuông, mỗi cạnh khoảng 300m, nên ao Bà Om còn gọi là ao Vuông. Bao quanh ao Bà Om là khu rừng nguyên sinh được bảo tồn với gần 500 cây dầu cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Những gốc cây cổ thụ hình dạng kỳ lạ du thích rất thích thú. Dưới tán cây là một lối đi quanh mát rượi, ngoằn ngoèo, nhiều đồi dốc nên nhiều người dân nơi đay còn gọi là “Đà Lạt giữa đồng bằng”.

Khảo sát “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023”
Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây.

Ao Bà Om cùng chùa Âng, một ngôi chùa Khmer cổ nhất Trà Vinh và Bảo tàng Văn hóa Khmer đã tạo nên quần thể được xác định là địa điểm du lịch hàng đầu trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Trà Vinh. Hàng năm, Khu di tích ao Bà Om đã thu hút hơn 200.000 lượt khách, trong đó có hàng ngàn khách nước ngoài.

Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha (đường Chu Văn An, ấp Long Bình, phường 4, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) có diện tích hơn 54.196m2. Tại đây, du khách được trải nghiệm những sản phẩm dịch vụ đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa của Trà Vinh, như: Ẩm thực dân gian, nhà hàng sinh thái, các trò chơi dân gian, công viên nước, cà phê sân vườn… là một trong những điểm đến hàng đầu của tỉnh Trà Vinh.

Hàng năm, Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha đã thu hút hơn 150.000 lượt khách trong và ngoài nước, đến tham quan, vui chơi giải trí và thưởng thức ẩm thực với nhiều món ngon đặc trung của tỉnh Trà Vinh và miệt vườn sông nước Cửu Long. Tuy nhiên, theo bà Kha Huỳnh Ái Hiền - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Kha (Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha) thì Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha chỉ mới khởi động. “Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha những năm qua là điểm đến hấp dẫn đối với du khách của Trà Vinh. Đây là điểm du lịch đã và đang thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Mặc dù vậy nhưng mục tiêu của Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha vẫn còn phía trước. Đó là phấn đầu trở thành điểm du lịch sinh thái kiểu mẫu trong lòng thành phố Trà Vinh, kết hợp quảng bá văn hóa đặc trưng của tỉnh Trà Vinh. Hàng năm, thu hút khoảng 200.000 lượt khách trong và ngoài nước đến vui chơi, giải trí. Để đạt kỳ vọng này, Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha đang nỗ lực đầu tư, nâng cấp các dịch vụ, cải tạo cảnh quan, chỉnh trang điểm du lịch đảm bảo môi trường luôn xanh-sạch, thân thiện, an toàn. Chúng tôi tin rằng cần phải cung cấp dịch vụ chất lượng, sáng tạo và cạnh tranh cho khách hàng, đó là cách tốt nhất để sản phẩm dịch vụ của chúng tôi đứng vững trong lòng khách hàng”, bà Kha Huỳnh Ái Hiền chia sẻ.

Ông Trần Việt Phường - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá cao Khu di tích ao Bà Om và Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha. Ông Trần Việt Phường cho biết sẽ đề xuất với Hội đồng bình chọn “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023”. Đồng thời, đề nghị các điểm du lịch này: “Cần phải xác định việc thẩm định, xét “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long” là góp phần tích cực xây dựng thương hiệu, góp phần tích cực quảng bá, xúc tiến nên làm cho cán bộ, nhân viên biết để phát huy cái hay và khắc phục hạn những hạn chế. Cần quan tâm đến bộ máy tổ chức, nhân sự, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, quan tâm đến công nghệ mới.

Khu di tích ao Bà Om và Điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu đã đề ra. Đó là đầu tư nâng cấp, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư, thực hiện phương châm “An toàn-thân thiện-chất lượng”; Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, đẩy mạnh hợp tác. Chú ý xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, đặc thù của tỉnh Trà Vinh”.

Tại Đồng Tháp, Đoàn Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long do ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long làm Trưởng đoàn đã đến khảo sát Khu di tích Gò Tháp và Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng.

Ban quản lý Khu di tích Gò Tháp cho biết Khu di tích Gò Tháp có diện tích 289ha, tọa lạc tại ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây được xem là nơi hội tụ của nhiều giá trị lớn về văn hóa, khảo cổ và lịch sử xa xưa nhất của “vùng đất Sen hồng”.

Gò Tháp Mười là gò cao và lớn nhất trong quần thể các gò ở Khu di tích Gò Tháp. Di tích khảo cổ học Gò Tháp được các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện và công bố vào khoảng những năm cuối của thế kỷ XIX, với tên gọi Prasat Pream Loven (Chùa Năm Gian). Đây là địa điểm còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học gắn với nền văn hóa Óc Eo. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại địa điểm này nhiều loại hình di tích, như di tích cư trú, mộ táng, kiến trúc… phân bố trên địa bàn rộng, đặc biệt, tại khu vực này đã phát hiện được tượng thần Vishnu, Shiva bằng đá sa thạch, có khắc hoa văn và minh văn…

Trong lòng Gò, qua những lần khai quật đã phát hiện được một di tích kiến trúc khảo cổ và hai tượng thần Vishnu (đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013 và năm 2015). Các nhà khảo cổ đã xác định di tích kiến trúc này là đền thần Vishnu, được xây dựng từ thế kỷ thứ II. Trên gò từng có một ngôi Tháp Cổ Tự được xây dựng vào thời vua Thiệu Trị (1841-1847).

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây là đại bản doanh của nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều trong thời kỳ đầu chống Pháp(1864 – 1886). Đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều được xây dựng năm 1958, thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Đến năm 1991, đền được sửa chữa và thờ thêm Thiên hộ Võ Duy Dương, vì địa điểm này cũng từng là đại bản doanh mà Thiên hộ Võ Duy Dương đã chiêu mộ nghĩa quân chống lại thực dân Pháp…

Hàng năm, tại Di tích Gò Tháp tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của bà Chúa Xứ - ngày 15 tháng 3 (Âm lịch) và hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều - ngày 15 tháng 11 (Âm lịch). Trong lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh và trình diễn dân gian thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân sở tại và du khách thập phương. Hiện tại, nơi đây là một trong những điểm đến du lịch của tỉnh Đồng Tháp.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có chủ trương thống nhất cho tổ chức xây dựng công trình Đền thờ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều và các công trình liên quan bằng nguồn vốn xã hội hóa do bà Võ Ngọc Sương tài trợ…

Khảo sát “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023”
Đoàn khảo sát tham quan ao sen Khu di tích Gò Tháp.

Ông Trần Văn Năm - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Gò Tháp cho biết, hiện tại Khu di tích Gò Tháp có nhiều dịch vụ du lịch như: Các ao sen, ao súng, nhà dừng chân, khu mua sắm, xe đạp đôi, trò chơi dân gian… Năm 2022, Khu di tích Gò Tháp đã thu hút 867.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng Gò Tháp theo định vị Đề án phát triển du lịch “Vương quốc Sen, văn hóa tâm linh, thiền học” gắn kết từ các yếu văn hóa bản địa. Phát triển các tour, tuyến du lịch gắn kết với các điểm đến lân cận, tuyến dường, như: Gò Tháp-Xẻo Quít, Gò Tháp-Tràm Chim, Gò Tháp với các điềm du lịch Đồng sen Tháp Mười. Xây dựng không gia Sen hướng đến bộ sưu tập Sen tại Khu di tích Gò Tháp. Phát triển mô hình dịch vụ du lịch tham quan, trải nghiệm tại Khu di tích Gò Tháp.

Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, tọa lạc thuộc ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, có tổng diện tích 1.550ha, trong đó, có hơn 2ha dành cho dịch vụ du lịch. Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng được du khách xem như nơi dừng chân bình yên, lắng nhịp thời gian và trải lòng với thiên nhiên, thư giãn sau thời gian tất bật cho cuộc sống.

Điểm dừng chân đầu tiên của Gáo Giồng là một căn nhà thoáng rộng được xây dựng và trang trí từ gỗ tre, một loại cây có sức sống bền bỉ, vững chắc như sức sống và tinh thần của người dân nơi đây. Tại đây du khách được thưởng thức hạt sen rang và tách trà cỏ bắc làm ấm lòng sau một khoảng đường dài đến Gáo Giồng. Hương vị đặc trưng của trà và vị thơm lừng của hạt sen giúp du khách trút hết mệt mõi và bắt đầu chuyến khám phá thú vị. Du khách có thể lên đài quan sát cao 18m để ngắm toàn cảnh rừng của Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng hay đi ghe chèo vào nơi trú ngụ các loại chim sinh sống để khám phá thế giới chim muôn…

Bà Lê Ngọc Kiều Oanh - Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Gáo Giồng thông tin cho biết: Năm 2022 tuy còn ảnh hưởng nhiều dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn đón được hơn 41.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. “Gáo Giồng có nhiều cảnh quan thiên nhiên đặc sắc cùng với tài nguyên thiên nhiên phong phú, vườn chim cò rộng hơn 40ha, kết hợp với con người thân thiện là những lợi thế để phát triển du lịch trở thành kinh tế quan trọng, sản phẩm tiêu biểu nhất là du lịch sinh thái theo mùa, du lịch sông nước… Hiện tại, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng có con đường tre dài 3km và sắp tới chúng tôi sẽ trồng tre thêm 2km nữa, đồng thời dành 68ha để trồng 140 giống tre để hình thành bộ sưu tập tre. Kỳ vọng không xa, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng có đường tre đẹp nhất và bộ sưu tập tre có một không hai để du khách tham quan trải nghiệm và check-in”, bà Lê Ngọc Kiều Oanh chia sẻ.

Khảo sát “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023”
Đường tre Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng.

Khu du lịch sinh thái Gò Tháp đã được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long”. Nay Đoàn Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến khảo sát, thẩm định để tái công nhận Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng là “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023”.

Sau khi khảo sát, ông Lê Thanh Phong - Phó Chut tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng: Khu di tích Gò Tháp là Di tích quốc gia đặc biệt, sản phẩm rất độc đáo, hàm lượng văn hóa chất lượng cao, chưa bê tông hóa, chinh phục được du khách. Tài nguyên du lịch rất độc đáo, cảnh quan môi trường sạch, đẹp. Thiên nhiên hoang sơ rất hay, du khách đến đây rất cảm động. Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng đã là “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long” có môi trường, thiên nhiên, cảnh quang mát mẻ, đường tre rất đẹp, đi khắp Đồng bằng sông Cửu Long chưa thấy đường tre nào đẹp như vậy. Đường sông cũng rất đẹp, chim muôn đông đúc, sinh thái môi trường rất tốt. Đoàn sẽ ghi nhận và đề nghị Hội đồng bình chọn Khu di tích Gò Tháp và tái công nhận Khu du lịch sinh thái Gáo Gồng là “Điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023”.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load