(Xây dựng) – Sáng 2/12, phiên khai mạc Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2024 đã được diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham dự của gần 100 diễn giả, chuyên gia hàng đầu đến từ các khu vực châu Á, đại diện các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tham quan các gian triển lãm giải pháp công nghệ trưng bày tại Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024” không chỉ là một sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, mà còn là diễn đàn lớn để Hà Nội và các địa phương khác tại Việt Nam và quốc tế cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải pháp chuyển đổi số và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, hướng đến một tương lai đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Với chủ đề xuyên suốt: “Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững”, Hội nghị lần này không chỉ gắn với ba mục tiêu chiến lược mà còn phản ánh những trụ cột chính trong tầm nhìn chiến lược, “tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu” trong phát triển của Thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương trong khu vực.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Sự kiện hôm nay chính là cơ hội để các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu cùng nhau thảo luận, xây dựng những giải pháp đột phá trong các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh, năng lượng sạch, và môi trường bền vững…
“Những kinh nghiệm và bài học thực tiễn được chia sẻ tại hội nghị sẽ là động lực quan trọng để Hà Nội và các địa phương trong khu vực nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các đô thị xanh, thông minh và phát triển bền vững”, ông Hà Minh Hải khẳng định.
Trao đổi về thực trạng phát triển đô thị thông minh tại Viêt Nam, đại diện Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết: Từ năm 2016, việc phát triển đô thị thông minh đã được đề cập tại Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, trong đó nhấn mạnh “ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh”. Từ đó, các địa phương và đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bắc Ninh đã ban hành các đề án/chương trình/kế hoạch phát triển đô thị thông minh.
Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương duy trì sự kết nối thường xuyên trong triển khai các chương trình, kế hoạch nghiên cứu về phát triển đô thì thông minh. Bên cạnh đó, đã nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014, trong đó bổ sung quy định về việc khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị sinh thái, đô thị thông minh, quy định về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng đô thị thông minh.
Bộ Xây dựng đã hoàn thiện việc xây dựng “Danh mục hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành xây dựng phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam”; ban hành “Hướng dẫn tổ chức thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh”; hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu tiêu chí đánh giá các đô thị thông minh tại Việt Nam và đang dự thảo hướng dẫn áp dụng bộ tiêu chí.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại Hội nghị. |
Chia sẻ về quá trình triển khai thành phố thông minh của Thủ đô, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết: Hà Nội sẽ có mục tiêu và tầm nhìn rõ ràng về việc phát triển Thủ đô hài hòa, theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Xanh - Thông minh - Hiện đại” vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mau chóng hoàn thiện các cơ chế chính sách, kết hợp quy hoạch, quy chế và quy chuẩn trong xây dựng thành phố thông minh bền vững. Xây dựng nền tảng chính quyền số minh bạch, hiệu quả và nền tảng hạ tầng thông tin đô thị thông minh. Đi cùng với đó là tăng cường đào tạo và tuyển dụng đủ nhân lực cần thiết, chất lượng cao.
Quá trình xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội sẽ ưu tiên các vấn đề như: Giao thông đô thị, Bảo tồn và phát triển di sản, văn hoá, du lịch và Bảo vệ môi trường nước, không khí. Để giải quyết được các ưu tiên này, Đề án “Xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” sẽ đề ra các giải pháp trọng tâm cho từng ngành, từng lĩnh vực.
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị. |
Tại phiên khai mạc của Hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp về phát triển thành phố thông minh đã có những chia sẻ liên quan đến thực trạng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam và Tiêu chí đánh giá đô thị thông minh bền vững; Ứng dụng AI và khai phá dữ liệu lớn phục vụ phát triển thành phố thông minh; AI và dữ liệu lớn: Nền tảng chiến lược cho đô thị thông minh, kinh tế số và phát triển bền vững… Bên cạnh đó là kinh nghiệm đến từ Thành phố Hồ Chí Minh hay Malaysia trong việc xây dựng thành phố thông minh, thúc đẩy nền kinh tế số, phát triển bền vững.
Hội nghị Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam – châu Á 2024 được diễn ra trong 02 ngày (02 – 03/12/2024) gồm phiên khai mạc, 07 hội thảo chuyên đề, Lễ trao giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2024; Lễ trao giải thưởng sáng tạo tương lai (VietFuture).
Với tinh thần “hành động vì tương lai xanh và phát triển bền vững, vì con người trong hệ sinh thái”, Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024 sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đồng thời mang lại nhiều giá trị thiết thực không chỉ cho Hà Nội mà còn cho cả khu vực.
Tiến Hào
Theo