Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) được thành lập theo Nghị định số 97/NĐ-CP ngày 10/12/1993 của Thủ tướng Chính phủ; mục tiêu phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội là trở thành một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và từng bước tiến tới trình độ của các trường đại học chất lượng cao trên thế giới.
Từ năm 1998 đến tháng 9/2008, ĐHQGHN đã tiến hành lập quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chung, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc, xem xét thêm điều chỉnh QHC do tư vấn Hoa kỳ HOK thực hiện năm 2004 và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Từ năm 2004 đến tháng 9/2008 ĐHQGHN đã tiến hành lập và đã được phê duyệt 8 quy hoạch chi tiết trong tổng số 13 dự án thành phần, lập và phê duyệt 4 dự án đầu tư xây dựng của 4 dự án thành phần, tiến hành giai đoạn đầu tư, thi công xây lắp một số công trình của các dự án thành phần QG-HN05, QG-HN06…
Ngày 30/9/2008, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1404/2008/QĐ-TTg về việc chuyển chủ đầu tư Dự án ĐTXD ĐHQGHN tại Hoà Lạc từ ĐHQGHN sang Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng đã có chủ trương xin phép Thủ tướng Chính phủ cho phép lập điều chỉnh quy hoạch chung Khu ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Bộ Xây Dựng giao Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị nông thôn -Bộ Xây dựng phối hợp với Ban quản lý ĐHQG HN, tập thể lãnh đạo ĐHQGHN rà soát, thống nhất các nội dung của đồ án, xin ý kiến các Bộ ngành Trung ương thông qua đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc.
Phạm vi, quy mô đất đai và thời hạn quy hoạch
Phạm vi quy hoạch
- Phía Bắc cách đường sân bay Hòa Lạc khoảng 1000m;
- Phía Nam giáp đường Láng - Hòa Lạc kéo dài (bao gồm cả hành lang bảo vệ và cây xanh cách ly khoảng 150m);
- Phía Đông giáp đường 21A (bao gồm cả hành lang bảo vệ và cây xanh cách ly khoảng 150m);
- Phía Tây giáp núi Thằn Lằn.
Quy mô lập quy hoạch điều chỉnh
Quy mô nghiên cứu lập điều chỉnh QHC xây dựng ĐHQGHN là khoảng 1130ha, bao gồm:
- Khu vực dự án xây dựng ĐHQGHN: 1000ha.
- Khu vực cây xanh dọc Ql 21 và đường Láng Hòa Lạc: khoảng 130ha.
Thời hạn lập quy hoạch
- Giai đoạn lập quy hoạch đợt đầu đến năm 2015.
- Giai đoạn lập quy hoạch dài hạn đến năm 2020.
- Tầm nhìn đến năm 2050.
Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2020 và tầm nhìn 2050
ĐHQGHN với sứ mệnh đã được Đảng và Nhà nước giao là trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ tiêu biểu cho trí tuệ và văn hóa Việt Nam; đóng vai trò nòng cốt và đầu tầu đổi mới trong hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng cao yêu cầu phát triển của đất nước; là trung tâm giao lưu quốc tế về khoa học, giáo dục, văn hóa của cả nước. Hiện nay ĐHQGHN đã xây dựng thành công và phát huy thế mạnh của một đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực với nhiều đơn vị trực thuộc, gồm nhiều trường đại học, nhiều viện và trung tâm nghiên cứu, đào tạo thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn, kinh tế, công nghệ, ngoại ngữ, giáo dục, luật với cơ cấu tổ chức mở, liên thông, liên kết hữu cơ, có khả năng phát huy tính chuyên môn hóa theo thế mạnh độc đáo của từng đơn vị, sử dụng hiệu quả các nguồn lực chung; tích hợp được sự giao thoa của các trí tuệ liên ngành. ĐHQGHN đã và đang được đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng như đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở học liệu... đủ sức thực hiện nhiệm vụ tăng đồng thời quy mô và chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản và phát triển công nghệ mũi nhọn; có điều kiện mở rộng và phát triển các khoa học liên ngành, liên lĩnh vực.
ĐHQGHN hiện có 6 trường đại học thành viên, trong thời gian tới, một số khoa trực thuộc của ĐHQGHN sẽ phát triển thành trường đại học thành viên và một số khoa/trường đại học mới được thành lập như Trường/ khoa Y- Dược, Chính sách công, Văn hóa - Nghệ thuật, Đô thị học, các viện nghiên cứu….
Ngoài loại hình đào tạo truyền thống (đào tạo do ĐHQGHN cấp bằng cho các hệ đại học chính quy, vừa làm vừa học, sau đại học, các khóa tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng), thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục và phát huy tất cả các nguồn lực đáp ứng yêu cầu đa dạng của xã hội, ĐHQGHN cần triển khai thêm và tính đến các hệ, các loại hình đào tạo mới (so với năm 2002) như: Liên kết đào tạo quốc tế (ĐHQGHN cùng cấp bằng, hoặc trường ĐH nước ngoài cấp bằng); Đào tạo đạt chuẩn quốc tế; Đào tạo bằng kép, ngành kép, Đào tạo theo tín chỉ; Đào tạo sinh viên nước ngoài; Đào tạo học sinh THPT chuyên và thực hành sư phạm; Các khóa đào tạo nâng cao; Đào tạo giáo dục quốc phòng - an ninh cho các trường đại học khác ngoài ĐHQGHN.
ĐHQGHN tại Hòa Lạc đã được nghiên cứu quy hoạch xây dựng theo mô hình Khu đại học tiến tiến. Mô hình này đã được xây dựng và áp dụng thành công tại 1 số nước đang phát triển và có chính sách quan tâm đổi mới nền giáo dục đào tạo. Khu “Quảng Châu đại học thành” của Trung Quốc là ví dụ tốt nhất về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Tương lai ĐHQGHN, tại Hòa Lạc sẽ là một khuôn viên đại học của thế kỷ XXI với tiêu chuẩn quốc tế cao, thu hút các giáo viên và sinh viên từ khắp nơi trên thế giới, phản ánh bản sắc văn hóa xã hội Việt Nam và tính bền vững về môi trường và kinh tế.
Bối cảnh và mối liên hệ vùng
ĐHQGHN liên kết trong tổng thể không gian Thủ đô Hà Nội mở rộng
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng đang được Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP Hà Nội nghiên cứu. Từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng Hà Nội trở thành 1 trong những thành phố xanh, phát triển bền vững. Xây dựng Thủ đô Hà Nội theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh (như Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn) dựa trên các yếu tố của đô thị thế kỷ XXI, đó là: Sự kết nối mạng đa cực, đa trung tâm, đa tầng bậc; Giữ gìn các bản sắc văn hóa và làng nghề truyền thống; Giữ gìn cảnh quan ao hồ và sông ngòi tự nhiên kết hợp vành đai xanh; Phát triển kinh tế tri thức và kết nối đô thị hạt nhân với các đô thị vệ tinh bằng các kết nối nhanh thông qua hệ thống giao thông công cộng nhanh, hệ thống viễn thông và các hạ tầng kỹ thuật khác.
Khu vực Hòa Lạc được dự kiến xây dựng theo mô hình đô thị khoa học - đô thị vệ tinh lớn nhất phía Tây Hà Nội, quy mô 70-75 vạn dân. ĐHQGHN cùng với khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là hạt nhân chính phát triển đô thị Hòa Lạc và gắn kết với chuỗi đô thị mới phía Tây Hà Nội là Hòa Lạc - Sơn Tây - Xuân Mai. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc bên cạnh ĐHQGHN tại Hòa Lạc sẽ tạo điều kiện thuận lợi giao lưu giữa Khu công nghệ cao này với các trường đại học và viện nghiên cứu liên quan đến công nghệ và các tiến bộ KHNC khác.
Đô thị Hòa Lạc được kết nối với đô thị hạt nhân Hà Nội và các đô thị vệ tinh khác của Hà Nội như Sơn Tây, Xuân Mai thông qua đường Láng - Hòa Lạc, trục Thăng Long, tuyến QL 21, đường Hồ Chí Minh và hệ thống giao thông công cộng tốc độ cao dọc QL21 và đường Láng - Hòa Lạc.
Phương án phát triển giao thông công cộng cao tốc dọc theo QL21 và đường Láng - Hòa Lạc kết nối đô thị Hòa Lạc với các đô thị khác trong vùng, với các công trình đầu mối lớn như sân bay, nhà ga .v.v… có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển ĐHQGHN. Sẽ giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường do khói bụi của các phương tiện giao thông đối với không gian đại học. Đồng thời tạo điều kiện thuận về giao thông đi lại cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp tìm vị trí và quỹ đất hợp lý để bố trí nhà ga cho hệ thống giao thông này để không ảnh hưởng đến công năng của khu đại học.
Liên kết với đô thị Hòa Lạc
Đô thị Hòa Lạc trong tương lai sẽ trở thành đô thị vệ tinh lớn nhất phía Tây Hà Nội, đô thị “thông minh”, thành phố khoa học, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến bậc nhất của Việt Nam, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời đô thị Hòa Lạc cũng là đô thị du lịch xen lẫn với không gian xanh khu vực Ba Vì - Đồng Mô, làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
ĐHQGHN nằm tại giao cắt của QL21 và đường Láng - Hòa Lạc, cùng với khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu đô thị Đông Xuân sẽ là trung tâm của không gian đô thị Hòa Lạc trong tương lai.
Mô hình không gian ĐHQGHN sẽ không đóng kín như mô hình đại học trước đây, mà được mở liên kết với các hoạt động bên ngoài khuôn viên trường. Các cơ sở vật chất phục vụ cho ĐHQGHN có thể được chia sẻ với cộng đồng xung quanh như: Trung tâm thể thao, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật, Trung tâm thương mại, Trung tâm nghiên cứu khoa học, Thư viện, giao thông công cộng, công viên, các khu bảo tồn cảnh quan mặt nước, đồi núi..v..v…
Liên kết với các chức năng liền kề xung quanh khuôn viên ĐHQGHN
Giao thông liên kết ĐHQGHN với các khu chức năng khác trong đô thị Hòa Lạc chủ yếu thông qua tuyến đường Láng - Hòa Lạc và QL21 (đã có thỏa thuận về đấu nối hướng tuyến với Bộ Giao thông Vận tải). Các lối ra vào ĐHQGHN nên được xây dựng bổ sung theo thời gian để phù hợp với sự gia tăng sinh viên. Cần thiết mở thêm các lối ra vào khu trường sẽ được tính đến các mối liên hệ với khu vực lân cận, đặc biệt là khu vực phía Bắc và phía Tây của ĐHQGHN.
Liên kết về đào tạo - nghiên cứu khoa học giữa ĐHQGHN với khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ được hỗ trợ về giao thông nối kết liên thông qua tuyến QL21 & trục Đông Tây theo quy hoạch.
Các chức năng trên tuyến QL21 sẽ được ưu tiên phục vụ hoạt động chung của đô thị Hòa Lạc, đặc biệt là khu đất 130 ha dọc QL21 và đường Láng - Hòa Lạc. Quỹ đất này nằm xung quanh hàng rào của ĐHQGHN nên các giải pháp về sử dụng đất vừa phục vụ ĐHQGHN vừa phục vụ hoạt động chung của đô thị Hòa Lạc nhưng không cho phép ảnh hưởng đến môi trường giáo dục.
Định hướng phát triển không gian
Giữ nguyên Ý tưởng xây dựng ĐHQGHN đã được nghiên cứu trong QHC năm 2004 do C--ty tư vấn HOK nghiên cứu, là sự gắn kết các công năng của khu trường thông qua hình ảnh tượng trưng “khối óc, trái tim, và bàn tay”. Ý tưởng này được cụ thể hóa bằng các quan điểm thiết kế như: Sử dụng tiêu chuẩn quốc tế về không gian, chất lượng, cơ sở hạ tầng và thiết bị; Bố trí mặt bằng sử dụng đất và các công trình hiệu quả cao hỗ trợ tốt cho những nhiệm vụ đào tạo; Xây dựng khuôn viên đại học đẹp, ấn tượng và mang đậm bản sắc riêng; Tạo ra một cộng đồng hỗ trợ việc trao đổi tri thức và xã hội cần thiết cho sinh hoạt trong nhà trường; Đề xuất kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương; Tạo lập môi trường bền vững.
Theo đề án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng ĐHQGHN nhằm mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2015 di chuyển 100% số sinh viên và cán bộ công nhân viên của ĐHQGHN từ nội thành tới khu vực Hòa Lạc. Và giai đoạn đến năm 2020 đáp ứng yêu cầu đào tạo quy mô 6 vạn sinh viên.
Quy hoạch chung năm 2009 tính toán quy mô đào tạo tối đa có thể dung nạp tại khuôn viên ĐHQGHN tại Hòa lạc là 10 vạn sinh viên. Đến năm 2020 dung nạp 6 vạn sinh viên. Do đặc thù về sử dụng quỹ đất, các đơn vị thành viên của ĐHQGHN khi di chuyển từ trung tâm về Hòa Lạc sẽ phân tán dàn trải trên khuôn viên 1.000ha. Quỹ đất dự trữ (trước mắt bố trí trồng cây xanh) sẽ không tập trung mà phân tán theo khuôn viên các dự án thành phần. Vì vậy kế hoạch thực hiện đầu tư xây dựng sẽ có những đặc thù khác với khu vực phát triển đô thị. Hệ thống hạ tầng khung, công trình kỹ thuật đầu mối, quỹ đất dành cho công trình công cộng sử dụng chung, bộ phận quản lý hành chính sẽ được chuẩn bị đủ cho quy mô 10 vạn sinh viên. Các hạ tầng kỹ thuật nội bộ, hạng mục công trình đào tạo, nghiên cứu và ký túc xá sẽ dự kiến xây dựng theo nhu cầu sử dụng. Dự kiến phân thành 3 giai đoạn xây dựng chính:
Giai đoạn 1: Từ nay đến năm 2015 di chuyển 100% số CBCNV và sinh viên từ nội thành đến khu vực Hòa Lạc.
Giai đoạn 2: Từ năm 2015 - 2020 đáp ứng cơ sở vật chất trường lớp để ĐHQGHN đón nhận 6 vạn sinh viên nhập học.
Giai đoạn 3: Ngoài năm 2020, tùy thuộc nhu cầu thực tiễn tại thời điểm để tiếp tục xây dựng bổ sung.
Theo baoxaydung.com.vn