Thứ bảy 21/12/2024 18:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam như thế nào?

15:08 | 05/10/2024

(Xây dựng) - Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam như thế nào?
Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, Thành phố Hà Nội và kết thúc tại ga Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa)

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự án đã rút ngắn chiều dài tuyến khoảng 4km so với phương án trình năm 2019 với chiều dài tuyến chính sau rà soát khoảng 1.541km.

Tuyến đường sắt tốc độ cao bố trí 23 ga hành khách theo nguyên tắc: Phù hợp với hiện trạng, quy hoạch phát triển của địa phương; đặt tại khu vực trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương, tiếp cận khu vực trung tâm đô thị, khu vực quy hoạch có tiềm năng tạo ra không gian phát triển mới, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất (từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh có 19 đô thị có quy mô 500.000 dân trở lên với 2 đô thị đặc biệt và 17 đô thị loại I); bảo đảm khả năng kết nối tốt với hệ thống giao công cộng; bảo đảm khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện.

Từ đó, hầu hết nhà ga được xác định nằm ở ngoại ô thay vì trung tâm của đô thị. Hướng tuyến cũng phải cố gắng tránh các khu vực dân cư đông đúc, giảm ảnh hưởng đến các công trình hiện hữu để thuận lợi trong khâu giải phóng mặt bằng; hạn chế cắt qua các khu vực nhạy cảm về môi trường, các khu di tích, danh lam thắng cảnh...

Với 23 ga hành khách dọc theo 20 tỉnh thành, sẽ có một số tỉnh có tới 02 ga khách như Hà Tĩnh (ga Hà Tĩnh và Vũng Áng), Bình Định (ga Bồng Sơn và Diêu Trì), Bình Thuận (ga Phan Rí và Mương Mán). 02 ga nối tiếp có cự li xa nhau nhất là ga Thanh Hóa và Vinh (130km), 02 ga có cự li gần nhau nhất là Phủ Lý và Nam Định (23km).

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam như thế nào?
Danh sách 23 ga hành khách của đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. (Ảnh: BCTKT)

Về mặt kiến trúc và công năng, các ga hành khách sẽ được phân thành 3 loại.

Loại 1 là các ga lớn, gồm 2 ga đầu cuối Ngọc Hồi (Hà Nội), Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh) và 3 ga ở giữa Vinh (Nghệ An), Đà Nẵng và Diên Khánh (Khánh Hòa).

Loại 2 gồm ga Phủ Lý, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Vũng Áng, Đồng Hới, Đông Hà, Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Bồng Sơn, Diêu Trì, Tuy Hòa, Tháp Chàm, Phan Rí, Mương Mán (17 ga).

Loại 3 là ga Long Thành. Đây là ga đặc biệt nhất với thiết kế ngầm, nằm trong sân bay Long Thành.

Tư vấn đề xuất thiết kế kiến trúc của mỗi nhà ga tại mỗi tỉnh thành là một thực thể riêng lẻ, nhưng vẫn có sự đồng bộ, hài hòa với toàn tuyến.

Theo Bộ Giao thông vận tải, xác định vị trí nhà ga và hướng tuyến là việc rất tốn thời gian. Tư vấn lập dự án phải làm việc với chính quyền 20 tỉnh thành để chốt vị trí nhà ga và hướng tuyến, đảm bảo phù hợp với quy hoạch địa phương và "thẳng nhất có thể" theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tiến Hào

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load