(Xây dựng) - Là đơn vị quan trọng về tham mưu, đề xuất giúp Bộ Xây dựng trong công tác xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý lĩnh vực sản xuất VLXD, Viện Vật liệu xây dựng xác định rõ xu hướng sản xuất VLXD phát triển bền vững trong tương lai là rất cấp thiết. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức.
Vận chuyển và trộn tro bay với sét “Dự án sản xuất thử nghiệm Hoàn thiện công nghệ sử dụng tro bay thay thế đất sét trong sản xuất clinker xi măng” do PGS.TS Lương Đức Long chủ trì thực hiện. |
Cấp thiết nhưng nhiều khó khăn, thách thức
Trong những năm qua, ngành VLXD đã loại bỏ, chuyển đổi cơ bản công nghệ cũ, lạc hậu. Các dự án sản xuất VLXD được đầu tư mới theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa ngày càng cao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng… sản xuất ra nhiều sản phẩm VLXD xanh, thân thiện với môi trường. Nhiều quốc gia đang nâng tỷ lệ các công trình xanh, sử dụng các VLXD xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, do đó hoạt động sản xuất VLXD cũng không thể nằm ngoài xu hướng phát triển này.
ThS Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Trung tâm Thiết bị, Môi trường & An toàn lao động (Viện VLXD) cho biết: Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất VLXD thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường: lập và được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, cấp phép xả thải, quan trắc môi trường định kỳ; thủ tục khai thác sử dụng nước, cải tạo phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường... Các cơ sở đã quan tâm, chú trọng xây dựng và thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đối với nước thải và khí thải.
Một số DN sản xuất xi măng đã có hoạt động đồng xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại như: Nhà máy xi măng INSEE (Holcim cũ), Công ty Xi măng Nghi Sơn, Công ty Xi măng FiCO Tây Ninh, Công ty Xi măng Bình Phước - Hà Tiên 1...). Đồng xử lý chất thải mang lại nhiều lợi ích, là một trong những phương pháp xử lý triệt để, hiệu quả. Nhiều đơn vị sản xuất VLXD cũng đã sử dụng chất thải làm nguyên liệu, giảm tiêu thụ tài nguyên.
Tuy vậy, công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD còn một số hạn chế như: Thủ tục xin cấp phép đồng xử lý chất thải phức tạp, chi phí cao về quan trắc môi trường trong giai đoạn vận hành nên chưa khuyến khích được các đơn vị tham gia.
Một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, chưa thực hiện việc xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; một số cơ sở giám sát môi trường định kỳ không đúng, không đủ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; nhiều cơ sở sản xuất VLXD có quy mô vừa và nhỏ chưa có bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách về môi trường. Thực trạng này gây khó khăn cho công tác thực thi các quy định về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất VLXD.
Một số quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thi công xây dựng, hoạt động của dự án như đánh giá tác động môi trường, kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, quan trắc môi trường định kỳ, quan trắc môi trường tự động, cấp phép xả thải… thay đổi nhanh nên cũng gây không ít khó khăn trong quá trình áp dụng của DN.
Các cơ chế chính sách cụ thể khuyến khích DN sản xuất VLXD chuyển đổi công nghệ sản xuất từ thủ công sang tiên tiến hiện đại chưa được xây dựng hoàn thiện, cụ thể như các nguồn vốn vay ưu đãi, giảm thuế phí bảo vệ môi trường, giảm lãi suất tiền vay, hỗ trợ khác... Hệ thống văn bản chính sách chưa thích ứng nhanh với phát triển thực tiễn nhằm khuyến khích các DN đầu tư sản xuất trong nước sử dụng chất thải làm nguyên liệu hạn chế việc khai thác khoáng sản, phát triển các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường.
Trình độ công nghệ, năng lực tài chính, khả năng quản lý ở nhiều cơ sở sản xuất VLXD còn hạn chế, sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, phát sinh nhiều chất thải trong quá trình sản xuất nhưng chưa có đủ nguồn lực để đổi mới công nghệ sản xuất, tăng đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Các cơ sở sản xuất khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư cải tiến công nghệ, lắp đặt thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện, đầu tư các thiết bị, công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường…
Giải pháp hướng tới phát triển bền vững
Hướng tới xu hướng sản xuất VLXD bảo vệ môi trường phát triển bền vững, có chiều sâu… nhiều cơ quan, đơn vị, DN đã chủ động xây dựng cho mình những chiến lược, giải pháp phát triển cụ thể.
Viện Vật liệu xây dựng cũng không nằm ngoài xu hướng tích cực này. PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng chia sẻ: Để thực hiện hiệu quả chính sách pháp luật về môi trường, cần tích hợp, tăng cường chia sẻ số liệu môi trường giữa cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và cơ quan quản lý ngành để nâng cao quá trình giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất VLXD.
Thực hiện công tác quy hoạch, thu hút, sắp xếp các cơ sở sản xuất VLXD vào trong các khu, cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom, xử lý chất thải, quan trắc, giám sát công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các đơn vị sản xuất sử dụng phế thải, chất thải làm nguyên, nhiên liệu, sản xuất các sản phẩm xanh, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm thân thiện với môi trường.
Xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất phục vụ cho việc thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư và đánh giá, xếp hạng tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất trong giai đoạn hoạt động.
PGS.TS Lê Trung Thành cũng cho biết: Là một trong những đơn vị quan trọng hỗ trợ Bộ Xây dựng trong công tác xây dựng các cơ chế chính sách quản lý lĩnh vực sản xuất VLXD, trong giai đoạn vừa qua, Viện Vật liệu xây dựng đã nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển VLXD thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, trong đó các nội dung bảo vệ môi trường (quản lý sử dụng tài nguyên khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả; đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý các chất thải trước khi thải ra môi trường; tăng cường kiểm soát chặt chẽ nồng độ khí thải, nồng độ bụi, chất thải rắn, nước thải ra môi trường, …) trong quá trình sản xuất VLXD là một trong những quan điểm chủ đạo về phát triển VLXD trong thời gian tới.
Viện Vật liệu xây dựng cũng là đơn vị đánh giá việc tuân thủ, thực hiện các văn bản, các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng chất thải làm nguyên, nhiên liệu, đóng góp vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng định hướng phát triển và bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD.
Đồng thời, Viện cũng luôn gắn kết với các đơn vị, phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước cùng nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới, xử lý chất thải, hướng tới công nghệ xanh, phát triển bền vững.
Viện VLXD đã nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển VLXD thời kỳ 2021-2030 định hướng 2050, các nội dung bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất VLXD là một trong những quan điểm chủ đạo về phát triển VLXD trong thời gian tới. |
Thiên Trường
Theo