(Xây dựng) - Tháng Chạp mưa phùn, bầu trời âm u trong màn sương trắng đục, không gian như co hẹp lại. Ngày ngắn lại mà đêm cũng chẳng dài thêm. Năm cũ sắp hết, chuẩn bị đón một cái Tết cận kề.
Trong làng, người lớn, trẻ con đều tất bật. Ngoài đồng, trong vườn và trong mỗi gia đình toát lên một âm thanh mùi vị thật đặc biệt rất khó diễn tả, đó là hương tháng Chạp.
Tờ mờ sáng, bọn trẻ chúng tôi chưa ra khỏi chăn, đã nghe tiếng ẽo ẹt của cái che kéo mía đầu làng. Mùi thơm của mật mía ngọt lừ, bay theo ngọn gió, luồn lách qua bờ cây, ngọn cỏ. Hương mật đặc quánh lại, trong cơn gió lạnh, len lỏi, trườn qua tấm chăn mỏng vào tận giường. Không ai bảo ai, chúng tôi tung chăn ngồi dậy, bất chấp trời rét, chạy ùa ra chỗ kéo che. Lò nấu mật rừng rực than hồng. Chảo mật từ màu trắng đục của nước mía đang chuyển sang màu vàng. Mấy bác canh chảo lấy gáo múc nước mật đổ ra bát. Anh em chúng tôi vừa thổi, vừa húp. Ôi chao! Nước mật thơm ngon, quyến rũ vô cùng.
Trong vườn, hương táo chín nồng nàn. Dạo này, mẹ bận nhiều việc, không hái kịp. Dưới gốc, táo rụng một lớp quả dày, sau vài ngày, táo lên men, bốc mùi thơm nồng nàn như men rượu. Giàn trầu không được bà che lớp lá chuối khô, vẫn tỏa mùi thơm hăng hắc, cay cay quen thuộc. Trong sân, khoai từ, khoai vạc, dỡ về chưa bán kịp, chất từng khóm nhỏ. Có củ khi thu hoạch bị lưỡi cuốc làm cho gãy, bốc mùi nhừa nhựa. Mùa này mẹ lấy củ sắn, củ khoai vạc hay dong riềng cạo lớp vỏ lụa bên ngoài thả vào chảo mật. Khi chín vớt ra ăn, thứ đặc sản đó chắc chỉ có quê tôi mới có. Củ gừng tươi thái mỏng xâu chuỗi, thả vào chảo mật, trở thành kẹo gừng vừa cay, vừa ngọt. Sau này, tôi ăn nhiều thứ kẹo nhưng chưa có loại nào ngọt ngào như thế. Mùi vị món ăn tuy đơn giản nhưng khắc sâu trong tâm trí những người con xa quê.
Cơn gió bấc thoảng qua, một mùi vị quen thuộc đủ làm cho quê hương sống dậy trong lòng. Có đêm, tôi thao thức không ngủ, khi bắt gặp đâu đó một hình bóng thân thương. Ngoài đồng, đang chuẩn bị cày cấy vụ đông xuân. Mùi gốc rạ thối quyện với mùi bùn đất sền sệt, cứ quanh quẩn trong từng thửa ruộng. Luống mạ tỏa ra mùi hương lúa non ngòn ngọt. Những mùi vị ấy quấn quýt lấy nhau, tạo cảm giác gần gũi, thân thương đến lạ. Luống cải, mẹ để giống, trổ hoa vàng rực góc vườn. Chắc hoa cải cũng có mùi thơm nhưng trong không gian có nhiều mùi thơm nổi trội nên tôi không nhận ra chăng? Chỉ thấy từng đàn ong đậu rồi bay trên vạt hoa, hai chân sau vàng khè những nhụy. Khi bọn ong bay đi, tạo nên những vệt dài như vệt nắng trong không gian, trông ấm áp lạ thường.
Tranh thủ những ngày hiếm hoi có nắng, cha đem gói bột hương ra phơi lại. Mùi trầm, mùi ngũ vị, mùi bột hương chưa thắp nhưng tỏa ra ngào ngạt. Tấm giấy chuẩn bị quấn hương trở nên trắng hơn trong sắc vàng của nắng hanh và gió bấc. Không gian như được ủ một lớp hương, làm cho tâm hồn thư thái, trong những ngày bộn bề công việc.
Đêm tháng Chạp không yên tĩnh, ta có thể lắng nghe được bước thời gian đi khe khẽ, nhưng dứt khoát. Tiếng trời đất trở mình, tiếng chồi cây tách vỏ nhè nhẹ, thầm thì. Tiếng thở hổn hển của gió, trong thời khắc giao mùa, tạo nên âm thanh rộn rực. Người người ít ngủ bởi tháng củ mật chăng, hay mọi người bị cuốn theo nhịp bước, chuyển động của đất trời? Cha mẹ cũng âm thầm chạy đua với thời gian bằng đôi tay, đôi chân không ngơi nghỉ. Tôi nằm nghe, trong cơn gió bấc, hình như có tiếng người chuyện trò thì thầm từ xa vẳng lại. Những gia đình có người thân đi xa, đêm đêm, trông ngóng người thân trở về. Một tiếng chó sủa xa là lắng tai nghe ngóng. Nghe tiếng lá rơi khẽ ngoài vườn cũng thao thức chờ đón tiếng gọi cửa.
Trong thâm tâm mọi người, vừa mong thời gian trôi chậm lại để hoàn thành nốt phần công việc, vừa mong thời gian trôi nhanh, để được đoàn tụ người thân sau một năm trời xa cách.
Trời chưa sáng đã nghe tiếng bước chân rậm rịch của người đi chợ. Trong màn sương mờ đục, dòng người gồng gánh như trôi đi trên đường. Phiên chợ làng nhộn nhịp họp sớm tan lâu, giai đoạn này, mọi người không còn khái niệm về thời gian buổi trưa hay buổi chiều nữa. Hàng hóa chủ yếu phục vụ cho cái tết đã cận kề. Công việc bộn bề nhưng không nhốn nháo. Tất cả được hình thành trong tiềm thức mỗi người như một lập trình định sẵn.
Thời gian trôi về cuối tháng, không gian dường như hẹp lại. Mọi người tất bật lo tết. Không khí gia đình ấm cúng hẳn ra. Mẹ chặt tàu lá chuối phơi ngoài hiên cho héo, để gói bánh, có mùi thơm ngòn ngọt. Sợi trúc cha chẻ phơi ngoài sân cũng tỏa ra vị đặc trưng thơm thảo của núi rừng. Trên cành cây chưa thấy mầm non nhú lộc mà đã nghe phảng phất của mùi vị hoa trái. Trong màn đêm xôn xao tiếng cựa quậy của sự hồi sinh. Việc đồng áng đã lo xong, bây giờ mọi người chuyên tâm lo tết. Người đi công tác hay đi làm ăn xa đã về đầy đủ. Trên các nghĩa trang hương trầm tỏa khói. Người sống quây quần bên nhau, họ cũng không quên được những người đã khuất. Lời thì thầm, thành kính, quyện theo khói hương bay vào nơi linh thiêng, cầu mong cho cuộc sống an bình, hạnh phúc.
Bấy lâu nay bộn bề bao công việc, sáng nay, chợt nhìn cây đào trước ngõ, mấy ngày trước cành trụi lá, hôm nay, đã lấm tấm đơm hoa. Trên cao, làn gió mang hơi ấm của mùa Xuân; bầu trời cao rộng hơn. Thi thoảng, một vài cánh én chợt chao nghiêng, làm cho màn sương mù tách ra một khoảng ánh sáng lớn. Trong gia đình mỗi người xích lại gần nhau hơn. Hơi ấm của bếp lửa nấu bánh, của sự đoàn tụ gia đình. Mùi hương trầm quện vào nhiều thứ mùi nữa tạo nên mùi vị đặc biệt, gần gũi, ấm áp.
Mùi vị này đã không ngừng lớn lên theo năm tháng, và theo người đi xa muôn nơi, để đến khi chạm khẽ vào làn gió heo may, lòng lại xốn xang nhớ về quê cũ. Người đi xa tóc đã hoa râm, cũng giống như đứa trẻ ở làng, đang đếm ngược thời gian để chờ đến tết. Tiếng cười nói rộn ràng, trong giờ phút đoàn tụ, chuẩn bị đón chào một năm mới, tạo nên mùi hương tháng Chạp - hương vị ấm áp tình thân.
Trần Lan
Theo