Thứ ba 05/11/2024 05:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Hưng Yên: Cần công tâm khi xét xử tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất đai

18:38 | 29/06/2022

(Xây dựng) – Giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng hợp pháp, nhưng gần 10 năm sau người bán vẫn “ôm” đất không chịu bàn giao cho người mua. Trải qua nhiều vòng xét xử, hòa giải đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Hy vọng tới đây, phiên xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên sẽ giải quyết khách quan, công tâm, dứt điểm vụ việc tưởng chừng đã rất rõ ràng này.

hung yen can cong tam khi xet xu tranh chap hop dong chuyen nhuong dat dai
Khu đất tranh chấp giữa ông Chiến và bà Nhâm.

Hợp đồng chuyển nhượng đúng luật không được công nhận

Theo tài liệu có được, ông Lê Văn Chiến nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà Hà Thị Nhâm, diện tích 269,0m2 thửa đất số 48, tờ bản đồ 17, tại thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên với số tiền 400 triệu đồng. Các bên tiến hành ký hợp đồng mua bán tại Văn phòng Công chứng Kim Động được Công chứng viên Lê Ngọc Chẩn ký công chứng ngày 14/3/2013.

Đến năm 2014, bà Hà Thị Nhâm không bàn giao đất cho ông Lê Văn Chiến nên ông Chiến khởi kiện ra tòa và được Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu thụ lý vụ án. Đến năm 2017, Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu đã ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 01/2017/QĐST-DS ngày 24/01/2017 với nội dung bà Nhâm có trách nhiệm trả lại cho vợ chồng ông Chiến số tiền 355 triệu đồng gốc và lãi 180 triệu đồng lãi, tổng 535 triệu đồng, chia 4 đợt. Trường hợp bà Nhâm không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì sẽ bàn giao tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho ông Chiến đúng như nội dung thỏa thuận trong thủ tục chuyển nhượng.

Năm 2019, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội kháng nghị Giám đốc thẩm theo Quyết định Giám đốc thẩm số 37/2019/DS-GĐT ngày 26/9/2019, tuyên hủy Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 01/2017/QĐST-DS ngày 24/01/2017 và giao hồ sơ yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Đến ngày 08/12/2021, Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu ra quyết định xét xử số 16/2021/DS-ST, tuyên “bác yêu cầu khởi kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (năm 2013) của ông Lê Văn Chiến đối với bà Hà Thị Nhâm. Đồng thời, tuyên Hợp đồng chuyển nhượng 269m2 đất giữa ông Chiến và bà Nhâm vô hiệu. Buộc ông Chiến phải trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nhâm.

Không đồng ý với Quyết định xét xử của Tòa án nhân dân Khoái Châu, ông Chiến tiếp tục làm đơn kháng cáo, sắp tới Tòa án phúc thẩm sẽ tiến hành xét xử.

Cần phải nói rõ hơn trong vụ án này, khi xét xử tại tòa bà Nhâm và 1 số đương sự có khai báo thêm 1 tình tiết khiến vụ án nhùng nhằng mãi không có hồi kết. Theo đó, bà Nhâm đứng ra bảo lãnh để ông Chiến cho ông Nguyễn Duy Quảng (người nhà bà Nhâm) vay 400 triệu đồng, do ông Quảng không có tài sản thế chấp nên bà Nhâm dùng sổ đỏ của bà để bảo lãnh bằng cách ký Hợp đồng chuyển nhượng 269m2 đất giữa ông Chiến và bà Nhâm.

Theo ông Chiến, việc mua bán đã được ký hợp đồng rõ ràng, công chứng đúng quy trình pháp luật, không có lý do gì tòa án lại tuyên hợp đồng vô hiệu. Phía bị đơn không có tài liệu gì chứng minh việc vay mượn giữa tôi và ông Quảng, tại tòa án tôi cũng đã trình bày rõ nhưng tòa bác đơn khởi kiện của tôi, tuyên hợp đồng vô hiệu là chưa thỏa đáng. Thậm chí, tòa đã công nhận hòa giải thành công và yêu cầu bà Nhâm trả tiền tôi nhưng bà Nhâm chưa thực hiện đúng cam kết tại tòa.

Tuyên vô hiệu trái luật?

Để phân tích vụ việc dưới góc độ pháp lý, phóng viên liên hệ với 1 vị luật sư của đoàn luật sư Thành phố Hà Nội và nhận được phân tích như sau: “Xét dưới góc độ pháp lý, Hợp đồng chuyển nhượng nhà đất giữa ông Lê Văn Chiến với gia đình bà Hà Thị Nhâm đã được công chứng và đã được đăng ký sang tên theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp có tranh chấp phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng, bà Nhâm có quyền khởi kiện tranh chấp hợp đồng trong thời gian là 02 (hai) năm theo quy định tại Điều 427 Bộ luật Dân sự 2005 điều chỉnh quan hệ giao dịch giữa hai bên. Tuy nhiên, việc bà Nhâm không khởi kiện gì về việc cho rằng hợp đồng vô hiệu. Ngược lại, ông Chiến bị xâm phạm quyền lợi do bà Nhâm không bàn giao nhà đất theo thỏa thuận, nên năm 2014 ông Chiến khởi kiện trong thời hiệu luật định.

Quá trình giải quyết vụ kiện, bà Nhâm đã thỏa thuận thành công với ông Chiến về hướng giải quyết tranh chấp là hoàn lại tiền trong thời gian nhất định, nếu không buộc phải bàn giao nhà đất theo Hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng năm 2013. Việc thỏa thuận này là hoàn toàn phù hợp pháp luật, không bị lừa dối hay ép buộc gì và đã được Tòa án ra quyết định công nhận. Việc kháng nghị quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự dẫn tới kéo dài vụ kiện, việc xuất hiện ông Quảng là người vay tiền mà không có chứng cứ chứng minh, không có giấy tờ gì mà chỉ dựa vào lời khai là không thỏa đáng, làm ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của ông Chiến và không đảm bảo sự công bằng, khách quan.

Hơn nữa, thời hiệu yêu cầu Tòa án khởi kiện tuyên bố giao dịch vô hiệu theo Điều 135 Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng quy định bà Nhâm chỉ có quyền khởi kiện trong thời gian 02 (hai) năm, kể từ ngày giao dịch dân sự (hợp đồng) được xác lập. Do đó, năm 2017, bà Nhâm mới có đơn yêu cầu xem xét giao dịch vô hiệu, khi đó hết thời hiệu khởi kiện, việc Tòa án vẫn chấp nhận kháng nghị và hủy bỏ sự thỏa thuận của các đương sự làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông Chiến, gây ra vụ án kéo dài gần 10 năm và trái với những nguyên tắc cơ bản quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự hiện hành; vi phạm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự theo Điều 5 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2004 và Điều 5 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015”.

Qua đó có thể thấy, vụ việc tuy nhỏ, hồ sơ khá rõ nhưng mỗi cấp xét xử lại có phán quyết khác nhau dẫn tới kiện tụng kéo dài, quyền lợi chính đáng của người dân bị ảnh hưởng. Tới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên sẽ xét xử theo thủ tục phúc thẩm vụ án dân sự này. Thiết nghĩ, cần 1 sự phán quyết công tâm, khách quan, đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân từ những vị thẩm phán có tâm, có tầm.

Đỗ Quang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load