Thứ hai 02/12/2024 03:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

HoREA kiến nghị “khẩn” Ngân hàng Nhà nước xin lùi Thông tư 08 thêm 1 năm

14:38 | 01/10/2023

(Xây dựng) – HoREA vừa có kiến nghị “khẩn” đề nghị Ngân hàng Nhà nước lùi thời hạn áp dụng quy định “các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn” thêm 1 năm.

HoREA kiến nghị “khẩn” Ngân hàng Nhà nước xin lùi Thông tư 08 thêm 1 năm
HoREA kiến nghị “khẩn” Ngân hàng Nhà nước xin lùi Thông tư 08 thêm 1 năm nhằm để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng.

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản “khẩn” đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2020/TT-NHNN đề nghị gia hạn thêm 12 tháng thời điểm áp dụng quy định “các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn” nên áp dụng “kể từ ngày 01/10/2024” thay vì áp dụng “kể từ ngày 01/10/2023”.

HoREA cho biết, sự thay đổi này nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng được sử dụng hợp lý nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân, mà vẫn không gây “rủi ro” về an toàn cho hệ thống tín dụng, để thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ “về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” giao cho Ngân hàng Nhà nước “điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, kiến nghị này cũng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…; Tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên các dự án bất động sản nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch…” và Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08/07/2023 của Chính phủ tại giao Ngân hàng Nhà nước “thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”.

Theo HoREA, kiến nghị “khẩn” này được đưa ra khi Hiệp hội nhận thấy, Điều 1 Thông tư 08/2020/TT-NHNN ngày 14/08/2020 sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 16 Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định lộ trình đến ngày 01/10/2023 thì các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn. Nhưng, bối cảnh của nền kinh tế nước ta hiện nay đã thay đổi rất khác so với bối cảnh lúc ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN năm 2020 và đang đứng trước các thách thức rất lớn, từ tác động của “các cơn gió ngược” tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội nước ta, trong đó có lĩnh vực bất động sản do phát sinh những nhân tố khách quan, bất ngờ, không thể dự đoán được tại thời điểm ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN ngày 14/08/2020.

Hiệp hội nhận thấy, chỉ cần các ngân hàng thương mại xem xét “nới tay” một chút cho doanh nghiệp được vay tín dụng “để bù đắp tài chính” có dự án đầu tư bảo đảm tính khả thi hoặc có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”) của các thửa đất đã nhận chuyển nhượng trong dự án đã nhận chuyển nhượng trong dự án và doanh nghiệp chấp nhận “thị giá” của các “sổ đỏ” này do ngân hàng thương mại định giá giá trị tài sản thế chấp thì sẽ giúp cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% của năm 2023 vì cho đến ngày 15/09/2023 thì Ngân hàng Nhà nước cho biết kết quả tăng trưởng tín dụng mới đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 5,56% so với cuối năm 2022, còn gần 1 triệu tỷ đồng có thể bơm vào nền kinh tế.

HoREA kiến nghị “khẩn” Ngân hàng Nhà nước xin lùi Thông tư 08 thêm 1 năm
Các ngân hàng thương mại xem xét “nới tay” một chút cho doanh nghiệp được vay tín dụng “để bù đắp tài chính” sẽ giúp cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo và đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2020/TT-NHNN theo hướng gia hạn thêm 12 tháng thời điểm áp dụng quy định “các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn” áp dụng từ ngày 01/10/2024, thay vì áp dụng từ ngày 01/10/2023, để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng được sử dụng hợp lý nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn.

Theo đó, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 16 Thông tư 22/2019/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Thông tư 08/2020/TT-NHNN), như sau: “5. Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình sau đây: a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2021: 40%; b) Từ ngày 01 tháng 10 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022: 37%; c) Từ ngày 01 tháng 10 năm 2022 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2023: 34%; d) Từ ngày 01 tháng 10 năm 2023 2024: 30%”.

Lê Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load