(Xây dựng) - Tiếp nối các kỳ hội thảo trước đã được tổ chức thành công, sáng 10/11, tại Đà Nẵng, Hội thảo quốc tế “Ứng dụng công nghệ mới trong công trình xanh lần thứ 8” (ATiGB 2023) do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng đăng cai tổ chức. Đây là hội thảo quốc tế được Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật tổ chức thường niên từ năm 2016 đến nay với sự tham gia của các nhà khoa học, nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên, doanh nhân đến từ nhiều tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp khác nhau.
PGS.TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Phát biểu tại phiên khai mạc, PGS.TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật - Trường Đại học Đà Nẵng chia sẻ: Hiện tại, chúng ta đang ở trong bối cảnh của Cuộc cách mạng 4.0 với trọng tâm chính là chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng. Vì vậy với chủ đề lần này tuy không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Muốn thiết lập một hệ thống xanh và bền vững, chúng ta phải tạo ra một hệ thống thông minh từ A đến Z, từ ý tưởng đến khảo sát, thiết kế, sản xuất, xây dựng, quản lý và khai thác và tất nhiên phải có những ứng dụng về công nghệ số… Đồng thời, chúng ta phải thay đổi các thể chế, các chính sách để đồng bộ trong việc thực hiện. Quy hoạch một hệ thống tiêu chuẩn, quy trình và chương trình đào tạo của các ngành. Các trường đại học của chúng ta phải tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số. Trong khuôn khổ hội nghị, chúng ta không thể giải quyết một cách chi tiết tất cả các vấn đề nêu trên cũng như giải quyết hết những tồn tại hiện nay. Tuy nhiên qua Hội thảo này mong muốn của chúng tôi sẽ được chia sẻ thông qua các thảo luận về Nghiên cứu tiết kiệm năng lượng và sản xuất thiết bị xanh, bền vững với môi trường. Nghiên cứu giải pháp thiết kế, quy hoạch kiến trúc xanh, thông minh cho công trình. Nghiên cứu thiết kế và chế tạo bằng công nghệ cơ khí chính xác…
Hội thảo ATiGB 2023 đã nhận được 126 bài báo khoa học, trong đó dự kiến sẽ công bố 18 bài báo trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Đà Nẵng; 16 bài báo trên Kỷ yếu hội nghị có ISBN và 57 bài báo trên Kỷ yếu xuất bản trên IEEE, Nhà xuất bản uy tín của Hoa Kỳ. Tại Hội thảo, sau phiên toàn thể, các đại biểu sẽ tham dự 06 tiểu ban chuyên môn với sự tham gia báo cáo của các nhà khoa học, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ, phát triển xanh và bền vững.
Tham luận của nhà khoa học tại Hội thảo. |
Hội thảo ATiGB 2023 thật sự là cơ hội tốt để các nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia trong nước và ngoài nước có điều kiện gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những thông tin liên quan đến công trình xanh và các công nghệ mới được ứng dụng trong lĩnh vực này, công bố và giới thiệu những kết quả nghiên cứu có liên quan; hướng đến mục tiêu cùng chung sức xây dựng và phát triển xanh, bền vững của đất nước.
Trong 8 năm qua, tên gọi Hội thảo quốc tế “Ứng dụng công nghệ mới trong công trình xanh” đã trở thành quen thuộc với các nhà khoa học tại Việt Nam Nam và các nước trong khu vực. Thuật ngữ Công trình xanh - Green Buildings được hiểu theo nghĩa rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực không chỉ giới hạn là các công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi – thủy điện mà còn là một khu đô thị xanh, khu công nghiệp xanh với các thiết bị, tiện nghi, phương tiện, năng lượng xanh trong quy hoạch, môi trường xanh. Không những vậy, năm nay các nhà khoa học cũng đã có nhiều về lĩnh vực máy học, trí tuệ nhân tạo trong công trình xanh, bảo vệ môi trường.
Ngọc Long
Theo