(Xây dựng) - Đó là ý kiến đóng góp của TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khi nói về phát triển của đô thị Huế.
Thành nội là một trong những di sản chính của Huế cần phải được bảo tồn và phát triển và cần phải hiểu một cách tích cực thì trong bảo tồn có phát triển và ngược lại. |
Theo TS. Đặng Việt Dũng, đô thị di sản là một cấu trúc đô thị hình thành qua nhiều giai đoạn phát triển, có bản sắc văn hóa, có ý tưởng quy hoạch ban đầu, có cơ chế phát huy giá trị di sản như là một động lực kinh tế. Đô thị di sản là sự kết hợp tự nhiên, hợp lý giữa cảnh quan văn hóa, là cấu trúc sống động với sự tích tụ đầy đủ nhịp điệu cuộc sống quá khứ, hiện tại và tương lai.
Có hai tiêu chí cơ bản để xác định đô thị di sản đó là đô thị có các di sản gắn với quá trình phát triển của đô thị được công nhận. Kinh tế di sản gắn với du lịch trong cơ cấu kinh tế của đô thị đó. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đô thị di sản đó là chính sách phát huy giá trị di sản gắn với tăng trưởng kinh tế. Năng lực quản lý của chính quyền, sự hiểu biết về di sản và cách phát huy giá trị di sản và môi trường.
Đối với tỉnh Thừa Thiên- Huế là vùng đất có nhiều di sản tự nhiên độc đáo, có giá trị tiêu biểu nổi bật trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Quần thể Di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được gìn giữ, tôn tạo, mang dấu ấn của Cố đô lịch sử. Huế được công nhận là thành phố Festival của Việt Nam, thành phố văn hóa, du lịch ASEAN, hiện đang hướng tới thành phố vườn, đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”.
Tuy nhiên, nhiều khu vực là một thành tố của đô thị di sản Huế lại ngủ quên trong khung cảnh hoang vắng. Không gian phát triển đô thị mới của Thừa Thiên Huế chưa có điều kiện gắn kết với không gian đô thị di sản truyền thống, chưa hình thành khu vực đô thị mới năng động hòa hợp với đô thị di sản, thiếu sự gắn kết khu vực các đô thị mới với đô thị trung tâm như một tổng thể. Vì vậy, một thời gian dài, thị trường bất động sản ở Thừa Thiên Huế gần như bị đóng băng, số lượng những dự án đầu tư bất động sản có quy mô lớn còn khiêm tốn; chưa tạo được một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đem lại nguồn thu, động lực tăng trưởng cho địa phương.
Bài toán làm thế nào để Huế vừa phát triển mạnh mẽ vừa không bị xé nát bởi những dự án bất động sản thô bạo, vừa bảo tồn và phát huy được giá trị đô thị di sản Huế, vừa tạo thế mở rộng phát triển thành phố Huế trở thành một trong 6 đô thị cấp quốc gia, một đô thị di sản – văn hóa - sinh thái - cảnh quan - thân thiện môi trường và thông minh theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị đang cần lời giải từ phía các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, và những người yêu Huế.
Đây là một bài toán khó không dễ tìm ra lời giải tối ưu, bởi bảo tồn và phát triển luôn là hai mặt mâu thuẫn mà những người giải nó đều phải chấp nhận sự rủi ro. Nhưng nếu hiểu một cách tích cực thì trong bảo tồn có phát triển và ngược lại. Bảo tồn tạo động lực cho sự phát triển, bảo tồn di sản nhằm đảm bảo di sản sống với dòng chảy của thời gian. Bảo tồn tích cực là đưa giá trị di sản phục vụ cuộc sống hiện tại và tương lai của con người. Phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sông hiện đại nhưng không thiếu sự soi chiếu của lịch sử, sự tiếp nối quá khứ.
Trên tinh thần đó, TS. Đặng Việt Dũng đưa ra một số giải pháp đề xuất. Đó là cần xác định các giá trị cốt lõi của đô thị Huế bao gồm giá trị di sản kiến trúc cô đô là những công trình kiến trúc được trải qua thử thách về thời gian, được chiêm nghiệm, đánh giá, đa dạng về thể loại, tinh xảo và có giá trị thẩm mỹ cao, đại diện cho các phong cách kiến trúc khác nhau như các công trình di tích chính trong khu vực Ðại Nội (Hoàng thành) và các công trình văn hóa, khu phố cổ Gia Hội, Chi Lăng, Bao Vinh.
Các giá trị cảnh quan thiên nhiên là sông Hương, núi Ngự, đầm phá Tam Giang… các giá trị di sản phi vật thể như phong cách sống của người dân, phong tục tập quán, văn hóa, lễ hội. Các giá trị cốt lõi tạo nên đô thị di sản Huế cần được định hình, khoang vùng và bảo vệ nghiêm ngặt bằng các qui định cụ thể. Khu vực không gian cảnh quan đặc biệt của Huế dọc hai bờ sông Hương, ít nhất từ khu vực lăng Gia Long về cửa biển Thuận An cần thực hiện quản lý không gian cây xanh, công viên, mặt nước và hệ thống công trình kiến trúc cảnh quan hai bên bờ chặt chẽ.
Cần tổ chức quy hoạch theo hướng cân bằng tài nguyên thiên nhiên và đầu tư xây dựng, quản lý đô thị theo hướng nguồn tài nguyên tạo ra giá trị di sản là hữu hạn, phát triển đô thị theo hướng kết nối và gia tăng giá trị di sản quá khứ, hiện tại và tương lai. Thực hiện việc hồi sinh di sản theo hướng tạo điều kiện tối ưu để đô thị di sản tiếp tục tồn tại, đồng thời tích hợp thêm các giá trị mới nhằm thỏa mãn nhu cầu hiện tại và có khả năng chuyển giao cho thế hệ mai sau.
Để hồi sinh di sản cần tu bổ tôn tạo để duy trì và phát huy tối đa chức năng ban đầu. Tạo thêm công năng mới phù hợp với nhu cầu và xu hướng phát triển bền vững. Tạo không gian văn hóa, điểm nhấn đô thị mới để đô thị tăng thêm sinh khí. Làm cho các yếu tố bị lãnh quên trở nên hấp dẫn. Biến đổi đô thị di sản từ dạng tài nguyên văn hóa sang các sản phẩm du lịch có thương hiệu.
Hồi sinh di sản chính là động lực quan trọng tạo nên sức sống cho đô thị di sản, tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế. Hồi sinh di sản cũng tạo nên lực hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản, tạo nên làn sóng đầu tư mới, đồng thời nhờ đó bộ mặt đô thị Huế sẽ có những thay đổi mạnh mẽ trong tương lai.
Nguyễn Nam (Thực hiện)
Theo