Thứ bảy 20/04/2024 22:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững

10:55 | 17/02/2023

(Xây dựng) – Sáng 17/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Dự Hội nghị còn có lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch & Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường, Tài chính, Công an, Tư pháp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp có Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà phát triển bất động sản lớn, các chuyên gia về tài chính, bất động sản…

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 3 Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy thị trường bất động sản; ban hành nhiều Chỉ thị, Công điện, Kết luận và thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi trong một bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như cạnh tranh chiến lược, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát trên thế giới.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Chúng ta vẫn giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đối ngoại và hội nhập được thúc đẩy, mở rộng, uy tín của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và việc làm lành mạnh các thị trường được được thực hiện tích cực.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội cũng có một số vấn đề nổi lên, trong đó có vấn đề bất động sản, chúng ta đã và đang tìm cách xử lý. Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, không thể tránh được những vấn đề phát sinh, những mâu thuẫn cần giải quyết. Đây là điều tất nhiên vì nước ta đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành trong điều kiện biến động cả bên trong và bên ngoài; quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, trong nội tại vẫn còn nhiều khó khăn, mặt khác lại hội nhập sâu rộng, nền kinh tế có độ mở cao, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn tới bên trong.

Điều quan trọng là phải phát hiện kịp thời, giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, kiên định, kiên trì, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất ý chí, quyết tâm để xử lý các vấn đề phát sinh, các khó khăn, vướng mắc. Chúng ta không hoang mang, dao động, lo sợ trước mọi khó khăn, thách thức, biến động, nhưng đồng thời cũng không say sưa trước những thắng lợi, không lơ là, chủ quan khi tình hình thuận lợi hơn, không đánh mất thời cơ.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường bất động sản, phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, quan điểm điều hành, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp kinh tế thị trường, bảo đảm quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự điều tiết của Nhà nước khi cần thiết, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội đổi lấy tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu điều hành bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Thủ tướng đặt vấn đề, đối với thị trường bất động sản, chúng ta phải tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, phải chăng điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả, cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?

Sau Hội nghị này, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững để tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị.

Sau phát biểu của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã trình bày báo cáo về thực trạng của thị trường bất động sản những khó khăn, vướng mắc và giải pháp. Cụ thể, cuối năm 2022, thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn, dừng triển khai các dự án bất động sản, cắt giảm lao động...

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nêu rõ một số vướng mắc về thể chế, quy định của pháp luật trong triển khai các dự án bất động sản, nhà ở xã hội, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, thực thi pháp luật tại địa phương...

Để tháo gỡ cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đưa ra đề xuất, giải pháp, trong đó tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, bất động sản đảm bảo đồng bộ, khả thi. Trong đó, tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Chứng khoán…

Đồng thời, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây). Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về nguồn vốn tín dụng, Bộ Xây dựng đề xuất điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Hoàn thiện chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở và thị trường. Nới trần (room) tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Ngoài ra có những giải pháp kịp thời để đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững. Tập trung cho các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội. Có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản. Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động huy động vốn (bao gồm phát hành trái phiếu) trên thị trường chứng khoán. Kiểm soát hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể huy động vốn. Giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, tăng cường đấu giá đất; đấu thầu dự án; chấp thuận chủ trương đầu tư; lựa chọn chủ đầu tư nhất là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hành chính liên thông, thủ tục hành chính điện tử cấp độ 4; Khẩn trương hoàn thành việc rà soát thủ tục pháp lý các dự án bất động sản và ban hành kết luận kết quả rà soát pháp lý các dự án.

Tại Hội nghị, ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, ngân hàng, các chuyên gia kinh tế, bất động sản về thực trạng những khó khăn của thị trường và từ đó, đề xuất các giải pháp hiệu quả, thiết thực.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững
Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes.

Đại diện doanh nghiệp đầu tiên phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, từ đó có các biện pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. "Đặc biệt, xin cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo về chủ trương sâu sát để tạo dấu hiệu tích cực cho thị trường", ông Phạm Thiếu Hoa nói.

Ông Phạm Thiếu Hoa phản ánh, thị trường bất động sản hiện nay có những vướng mắc nổi cộm về thủ tục pháp lý, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được… Trong khi đó, bất động sản là lĩnh vực quan trọng liên quan đến nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống của người lao động, đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước…

Hiện nhu cầu sở hữu nhà của người dân còn rất lớn và tương lai còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Tuy vậy, nguồn cung lại quá thấp, chưa đáp ứng được thị trường.

Trong khi đó, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp lại có hạn. Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có những giải pháp kịp thời thì nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ phải đóng cửa, phá sản, nguồn cung trên thị trường đã thiếu lại còn thiếu hơn.

Ông Phạm Thiếu Hoa đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước cùng chung tay, giúp sức nhằm hồi phục thị trường bất động sản, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, Nhà nước, doanh nghiệp. “Tôi tin tưởng rằng với sự quan tâm, sát sao của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ phục hồi và phát triển” – ông Phạm Thiếu Hoa nhấn mạnh.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Công ty GP.INVEST.

Đề xuất giải pháp cho thị trường bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Công ty GP.INVEST đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tùy thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200% đối với tất cả các chủ đầu tư. Bên cạnh đó, đối với bất động sản nói chung, ông Hiệp đề nghị về chính sách tín dụng cần có dự lệnh trước khi ra động lệnh để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp như trong thời gian vừa qua. Về tổng thể, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp chỉ đạo để hạ lãi suất sớm nhất, vì chỉ số CPI cũng như giá trị đồng Việt Nam so với ngoại tệ đều ổn định vì vậy mong Ngân hàng Nhà nước sớm có biện pháp chỉ đạo đồng loạt hạ lãi suất nhiều hơn nữa.

Theo ông Hiệp, cần thiết phải cho gia hạn các trái phiếu này để tháo bớt áp lực dòng tiền thanh toán cho các công ty phát hành và sau đó bên cạnh biện pháp cho hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản của công ty phát hành cần có cơ quan đứng ra đánh giá cụ thể đối với từng doanh nghiệp đang phải chuẩn bị thanh toán trái phiếu mà không cân đối được dòng tiền.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank (VCB).

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank (VCB) cho biết, VCB không có các hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Đối với các phân khúc bất động sản khu công nghiệp, khu chế xuất, đây là phân khúc bất động sản luôn được VCB ưu tiên cấp tín dụng. Đối với lĩnh vực bất động sản khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng và bất động sản văn phòng, cao ốc, trung tâm thương mại, VCB định hướng cấp tín dụng có chọn lọc (tập trung vào các doanh nghiệp uy tín, có kinh nghiệm, có năng lực tài chính và khả năng tổ chức triển khai tốt) và sẽ xem xét điều chỉnh định hướng kịp thời khi thị trường khởi sắc hơn.

Đối với bất động sản đất ở, nhà ở, khách hàng cá nhân, VCB định hướng cấp tín dụng đối với các khách hàng có nhu cầu mua để ở, thu nhập ổn định, minh bạch... VCB định hướng duy trì tài trợ đối với dự án đầu tư thuộc phân khúc bất động sản đất ở, nhà ở đã đáp ứng đầy đủ các thủ tục pháp lý và có mức giá phù hợp với nhu cầu thực của đại đa số người dân.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng lưu ý, đối với các doanh nghiệp bất động sản, tiết giảm chi phí, đưa mặt bằng giá về mức phù hợp với thị trường. Đồng thời, cần thực hiện tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm hướng đến nhu cầu thực, các phân khúc nhà ở thương mại bình dân, nhà ở thu nhập thấp để phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Có 02 khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là: Vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản; Khó khăn về nguồn vốn, trước hết là vốn tín dụng ngân hàng, kế đến là vốn trái phiếu doanh nghiệp, vốn từ thị trường chứng khoán và vốn huy động từ khách hàng. Ông Châu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để doanh nghiệp có các khoản nợ tín dụng sắp đến hạn thì giữ nguyên nhóm nợ, cho phép tái cấu trúc không thành nhóm nợ xấu hơn.

Chỉ cho vay đối với những dự án để điều kiện như dự án có tài sản bảo đảm, dự án có điều kiện pháp lý, dự án có tính khả thi được ngân hàng đánh giá là có khả năng trả nợ.

Đề nghị sớm ban hành Nghị định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, trong đó gia hạn phù hợp thời hạn trái phiếu, rà soát, sửa đổi các nghị định khác chưa phù hợp.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia nêu ra 5 vấn đề trọng tâm khiến thị trường bất động sản gần như đóng băng bất thường.

Nguyên nhân chính phải kể đến: xu hướng chung của thế giới sau hơn 3 năm tăng nóng; vướng mắc pháp lý; nguồn vốn bị thu hẹp hơn; nhiều vụ việc vi phạm cùng lúc, khiến niềm tin của khác hàng, nhà đầu tư bị ảnh hưởng đáng kể; cung – cầu quy luật khiến giá cả chưa hợp lý.

8 nhóm vướng mắc chính phải kể đến: môi trường pháp lý nhiều điểm nghẽn, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn; công tác quy hoạch và thực thi quy hoạch chưa tốt, giải phóng mặt bằng nhiều khó khăn; biến động chi phí đầu tư xây dựng; cơ cấu mất cân đối nghiêm trọng, quan hệ lệch pha cung cầu và giá cả chưa hợp lý (cao so với thu nhập của người dân); nguồn vốn bị thu hẹp, năm 2022 bị ách tắc (vốn trái phiếu, cổ phiếu suy giảm); hoạt động thanh kiểm tra và nỗi lo hình sự hóa diễn ra phổ biến; lạm phát, lãi suất, tỷ giá…

Ở góc nhìn khác, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng để tháo gỡ vướng mắc thì không nhất thiết dùng tiền ngân sách để giải cứu mà sử dụng cơ chế, chính sách, vốn đối ứng để từ đó, thị trường bất động sản cần tiến tới minh bạch hơn.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng với nền kinh tế, tác động nhiều ngành sản xuất. Những năm qua có sự tăng trưởng cao, hiện nay gặp một số khó khăn, trong đó có vướng mắc về nguồn vốn tín dụng. Theo bà Hồng, vốn tín dụng ngân hàng cho bất động sản tăng trưởng khá cao trong những năm qua, riêng bất động sản tăng 24,2%, tỷ trọng dư nợ bất động sản khá cao, trên 60% cho tín dụng nhà ở. Nhu cầu nhà ở này chủ yếu cho phân khúc cao. Thể hiện lệch pha cung cầu cơ cấu sản phẩm. Trên cơ sở đó, cần đánh giá trung thực để có giải pháp tháo gỡ.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn chỉ đạo các tổ chức tín dụng dành vốn cho các dự án bất động sản đủ pháp lý, đảm bảo, cho vay với lãi suất thấp hơn. Bên cạnh đó, lãi suất đang tiếp tục điều hành giảm. Ngoài ra, đối với đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110 nghìn tỷ để phát triển nhà ở xã hội là cần thiết để tăng cung nhà ở xã hội. Nguồn vốn sẽ cân nhắc, tính toán tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ...

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị, đề nghị các cơ quan tiếp thu để hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo phù hợp sau Hội nghị.

Nhấn mạnh những kết quả, thành tựu quan trọng của năm 2022, Thủ tướng nêu rõ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi trong một bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Chúng ta vẫn giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đối ngoại và hội nhập được thúc đẩy, mở rộng, uy tín của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và việc làm lành mạnh các thị trường được thực hiện tích cực.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do chính mình gây ra.

Thủ tướng khẳng định, những kết quả, thành tựu quan trọng trong những năm qua và năm 2022 là nền tảng để chúng ta tự tin, bản lĩnh tiếp tục triển khai các công việc.

Thủ tướng nêu rõ một số vấn đề nổi lên của thị trường bất động sản. Thứ nhất, cơ cấu cung cầu lệch pha, quá tập trung cho các phân khúc cao cấp mà ít quan tâm tới phân khúc trung bình, thu nhập thấp. Thứ hai, giá cả không hợp lý, không phù hợp với thu nhập bình quân đầu người; theo thông tin trên báo chí, phải mất 1 năm thu nhập bình quân đầu người mới mua được 2m2 nhà ở cao cấp.

Thứ ba, phản ứng chính sách của các chủ thể liên quan (cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng) còn chậm. Thứ tư là những vướng mắc về pháp lý. Thứ năm, nguồn vốn còn khó khăn (tín dụng, trái phiếu, các nguồn khác).

Thứ sáu, quy hoạch các dự án, điều chỉnh cơ cấu các dự án còn chậm. Thứ bảy, cán bộ một số nơi, một số lúc còn ngại trách nhiệm, không dám làm. Thứ tám, các doanh nghiệp chưa thực sự linh hoạt, xử lý kịp thời các vướng mắc do chính mình gây ra.

Thủ tướng nhấn mạnh, đã nói là phải làm, đã cam kết phải thực hiện. Tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, bất động sản bình đẳng với các ngành nghề, lĩnh vực khác.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường quản lý Nhà nước, rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, xây dựng quy hoạch, tăng cường giám sát, kiểm tra, giải quyết các vấn đề nổi lên. Các tổ chức ngân hàng, tài chính phải khơi thông dòng vốn, giải quyết các vấn đề tín dụng.

Cụ thể, các ngân hàng tiết giảm chi phí đầu vào, tăng cường chuyển đổi số, giảm lãi suất huy động với sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước; từ đó giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các nhóm nợ, giảm phí, lệ phí…

Các doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình, cơ cấu lại các phân khúc, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh có lãi. Các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường quản lý Nhà nước, rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, xây dựng quy hoạch, tăng cường giám sát, kiểm tra, giải quyết các vấn đề nổi lên.

Các doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do chính mình gây ra do dự báo không sát, phát triển thị trường không tốt, đầu tư vốn không hiệu quả… Cơ cấu lại các phân khúc, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh có lãi nhưng hài hòa.

Các ngân hàng tiết giảm chi phí đầu vào, tăng cường chuyển đổi số, giảm lãi suất huy động với sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước; từ đó giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các nhóm nợ, giảm phí, lệ phí… Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng mới phát triển được.

Chính quyền các cấp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, đẩy nhanh xây dựng các quy hoạch, thực hiện nghiêm quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch kịp thời và điều chỉnh các dự án trên địa bàn phù hợp điều kiện, tình hình địa phương.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng, đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng lựa chọn được sản phẩm tốt, phù hợp, góp phần để thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Sắp tới, Chính phủ sẽ có đề án riêng về phát triển nhà ở, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng hoan nghênh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị đã báo cáo về gói tín dụng cho lĩnh vực này, Chính phủ sẽ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu tổ chức công tác truyền thông hiệu quả, đúng, trúng, kịp thời, đánh giá khách quan, trung thực, đúng bản chất tình hình, tránh các thông tin sai lệch.

Nhấn mạnh tinh thần của Hội nghị là tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng cho biết sau Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết, nhưng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, tinh thần Hội nghị, các chủ thể phải thực hiện ngay các công việc để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Ánh Dương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load