Thứ ba 05/11/2024 07:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Chủ tịch SACA Lê Viết Hải: Hoàn thiện pháp lý bất động sản, phục hồi đón nhà đầu tư quốc tế

10:03 | 17/02/2023

(Xây dựng) - Tại Hội nghị “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng 17/2, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch SACA kiến nghị hai giải pháp cần làm ngay, đó là tháo gỡ chính sách và nguồn vốn để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Chủ tịch SACA Lê Viết Hải: Hoàn thiện pháp lý bất động sản, phục hồi đón nhà đầu tư quốc tế
Toàn cảnh Hội nghị.

Nhận diện thực trạng

Theo ông Lê Viết Hải, trong thời gian qua, thị trường bất động sản có nhiều biến động phức tạp. Dư luận có nhiều ý kiến trái chiều nhau. Nhận diện về nguyên nhân, nguy cơ và có kiến nghị ông Hải cho rằng: Những doanh nghiệp bất động sản đã đóng góp rất lớn cho kinh tế chung cả nước. Đặc biệt các chủ đầu tư bất động sản có quy mô hầu hết đều tham gia các dự án bất động sản du lịch lớn. Bất động sản phát triển kéo theo sự phát triển của các ngành liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, có những biến cố không ai có thể lường trước được đã gây đổ vỡ thị trường bất động sản Việt Nam. Thực tế đã xuất hiện những biến cố vô cùng nghiêm trọng và bất ngờ trên thế giới đó là đại dịch Covid-19 và chiến tranh Đông Âu. Hai biến cố này tác động gián tiếp gây bất lợi cho ngành Bất động sản. Chủ đầu tư không thể đưa vào khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch bởi không có khách du lịch quốc tế.

Tình trạng nguồn cung quá lớn so với cầu, gây ra tồn đọng sản phẩm. Tỉ lệ sản phẩm đưa vào khai thác quá thấp và giá khai thác cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều khách sạn, resorts, khu vui chơi giải trí cho đến bây giờ vẫn phải đóng cửa. Bên cạnh đó, việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư và triển khai nhiều dự án thiếu sự tính toán khoa học và có sự điều chỉnh phù hợp khi có biến động.

Trái phiếu huy động thường có lãi suất cao, có khi lên đến hơn 15%/năm. Do đó, doanh nghiệp “chỉ gồng gánh” 2 năm là hết phần vốn đối ứng. Những biến động bất lợi trong nước và quốc tế lên đến 3 năm và nay đã bước sang năm thứ tư.

Đây là nguyên nhân có tính chất bất khả kháng khiến nhiều doanh nghiệp bất ngờ bị rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn, không có nguồn tiền trả lãi và trả gốc. Trên thực tế, doanh nghiệp bất động sản nuôi bộ máy nhân sự rất lớn nhưng trong hệ sinh thái ngành Bất động sản nguồn nhân lực còn lớn hơn rất nhiều, khi khó khăn ập đến không chỉ người lao động tại doanh nghiệp bất động sản sẽ mất việc mà còn kéo theo công ăn việc làm và sự sụp đổ của hàng loạt các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho ngành Bất động sản bao gồm: các công ty sản xuất vật liệu xây dựng, các nhà thầu thi công xây dựng và cả các ngành tài chính, ngân hàng, tư vấn đầu tư, tư vấn thiết kế, quản lý dự án…

Để tháo gỡ những khó khăn cho ngành Bất động sản cũng như xây dựng và vật liệu xây dựng, vị Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và Chủ tịch SACA kiến nghị: Lực lượng xây dựng và vật liệu xây dựng hiện nay đã có vị trí cũng như sự phát triển nhất định, khẳng định được năng lực phát triển ra thị trường nước ngoài với những lợi thế cạnh tranh cao, nếu có chiến lược đúng đắn mang tầm quốc gia, xây dựng.

Cần có chiến lược quốc gia về thị trường bất động sản

“Nếu có chiến lược đúng đắn mang tầm quốc gia, xây dựng nhất định sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong khoảng 20 đến 30 năm tới. Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi nhằm duy trì hoạt động ổn định cho những doanh nghiệp bất động sản và toàn bộ hệ sinh thái của ngành này bao gồm xây dựng và vật liệu xây dựng, một ngành đã có nhiều đóng góp cho quốc gia bằng những công trình làm thay đổi diện mạo đô thị cũng như cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua” – ông Lê Viết Hải chia sẻ.

Chủ tịch SACA Lê Viết Hải: Hoàn thiện pháp lý bất động sản, phục hồi đón nhà đầu tư quốc tế
Ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (SACA).

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có phương án phù hợp để các doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận vốn dễ dàng hơn nhằm trang trải các khoản nợ đến hạn. Hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán với các trái chủ về thời hạn thanh toán các khoản vay để không phải huy động một lượng tiền khổng lồ xử lý các khoản nợ ngay lập tức khi đến hạn, tránh các công ty bất động sản có triển vọng lớn bị lâm nạn do rủi ro thị trường rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài cũng đồng nghĩa với sự thiếu năng lực tự chủ và tiếp tục phụ thuộc vào nước ngoài trong một ngành mà chúng ta đã rất nỗ lực để làm chủ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế khi giảm đáng kể suất đầu tư trong xây dựng.

Chính phủ cũng cần tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án để các dự án đó trở nên “sạch”. Khi kinh tế thế giới hồi phục, chiến tranh kết thúc, hoạt động du lịch trở lại nhộn nhịp thì các bất động sản du lịch sẽ có nguồn thu cao và nguồn lợi đó cần được giữ cho các doanh nghiệp trong nước để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn. Trong thời gian này, chúng ta cần làm tất cả những gì có thể làm được để thu hút du khách quốc tế bao gồm xóa visa cho một số quốc gia, đầu tư quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực ngành, nâng cao chất lượng hạ tầng (cứng và mềm)…

Chính phủ với điều kiện thuận lợi của mình cần đóng vai trò điều tiết thị trường, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp bất động sản, để đảm bảo không còn tình trạng “chỗ thì quá nhiều dự án dẫn đến thừa cung, chỗ thì không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân”.

Chủ tịch SACA Lê Viết Hải: Hoàn thiện pháp lý bất động sản, phục hồi đón nhà đầu tư quốc tế

Chính phủ nên thiết lập cổng thông tin tổng thể đúng nghĩa về quy hoạch, xây dựng và giao dịch bất động sản nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về các dự án đang triển khai và đang xin phép đầu tư tại từng địa phương trên cả nước để nhà đầu tư có được cái nhìn toàn cảnh về thị trường có sự chủ động điều tiết hoạt động đầu tư, phân kỳ triển khai xây dựng cho phù hợp với triển vọng thị trường.

“Vì lợi ích quốc gia, duy trì năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ có những nhận định định hướng phù hợp về nguyên nhân khách quan, đánh giá nguy cơ đổ vỡ và đưa ra giải pháp thiết thực để giải cứu ngành Bất động sản cũng như bảo vệ ngành Xây dựng, Vật liệu xây dựng tránh bị tổn thương và ảnh hưởng nặng nề đến mức không gượng dậy được” – ông Lê Viết Hải nêu quan điểm.

Ninh Nhi (Ghi)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load