(Xây dựng) – Ngày 31/3 tại Hà Nội, Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc khóa VI, nhiệm kỳ 2022-2027, tổng kết nhiệm kỳ khóa V (2017-2021) và đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới. Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. |
Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những công dân, tổ chức Việt Nam tự nguyện thành lập hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và quản lý đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật trên phạm vi cả nước.
Báo cáo tại Đại hội, TS. Trần Hồng Mai – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội khóa V cho biết: Trong nhiệm kỳ vừa qua, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, hoạt động của Hội đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhìn lại thời gian công tác vừa qua, Hội đánh giá kết quả hoạt động nhiệm kỳ V (2017-2021) và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ VI (2022-2027). Cụ thể, ngay sau Đại hội lần thứ V, Ban Thường vụ Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam đã tập trung hoàn thiện về mặt tổ chức của Hội, đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Ban Thường vụ và Ban Thường trực của Hội, thành lập các bộ phận trực thuộc: Văn phòng, Ban Khoa học công nghệ và tư vấn phản biện, Trung tâm Đào tạo và tư vấn đầu tư xây dựng; đồng thời ban hành các Quyết định bổ nhiệm các thành viên giữ chức vụ các bộ phận trực thuộc Hội.
Thực hiện chức năng tư vấn phản biện xã hội, Hội đã tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo các cơ chế, chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước; Chủ trì soạn thảo văn bản góp ý về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 32/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; góp ý bằng văn bản dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức thành công hội nghị trao đổi thông tin, tham vấn chuyên môn, những vấn đề từ thực tế thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế và quản lý xây dựng tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam… Phối hợp với Tổng Công ty LICOGI-CTCP tổ chức hội thảo “Diễn đàn thực tiễn và kinh nghiệm quản lý dự án đầu tư xây dựng của Tổng Công ty LICOGI.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều khóa tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới trong quản lý hoạt động xây dựng theo đề nghị của một số Bộ, UBND cấp tỉnh, chủ đầu tư và Hiệp hội nghề nghiệp cho hàng ngàn cán bộ tham dự.
TS. Trần Hồng Mai – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội khóa V phát biểu tại Đại hội. |
Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ VI (2022-2027), Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam tiếp tục hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ nhiệm kỳ VI, hoàn thiện các quy chế, xây dựng Chương trình hành động cụ thể theo Phương hướng hoạt động nhiệm kỳ mới đã được Đại hội thông qua. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Tổ chuyên gia tham vấn thực hiện Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng; góp ý và tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách, hệ thống công cụ, tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và hệ thống chỉ tiêu, định mức kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị, phát triển đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản… làm cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng. Chủ động kiến nghị, góp ý về chuyên môn một số công việc theo kế hoạch đến hết năm 2022 cho Tổ chuyên gia tư vấn Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình…
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết: Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam đã thể hiện rõ nét vai trò phản biện của tổ chức xã hội nghề nghiệp, đã có những đóng góp quan trọng, rất thiết thực trong công tác xây dựng thể chế, pháp luật trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng, đặc biệt là lĩnh vực quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng, góp phần xây dựng hoàn thiện Hệ thống cơ chế chính sách và các công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng cho phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chi phí trong quá trình triển khai, thực hiện các dự án, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công.
Ngành Xây dựng bên cạnh việc phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chung, còn áp lực rất lớn trong việc chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng. Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm về quản lý kinh tế ngành Xây dựng trong những năm tới. Đó là: Hoàn thiện thể chế theo hướng đơn giản, giảm bớt các thủ tục trong đầu tư xây dựng; tăng cường đẩy mạnh phân cấp trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng cùng với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước. Rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập tại các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế xây dựng, kinh tế đô thị thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng để kiến nghị, đề xuất giải pháp, các nội dung cần sửa đổi bổ sung để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tháo gỡ khó khăn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Tiếp tục hoàn thiện các công cụ để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thường xuyên rà soát, bổ sung các định mức mới, định mức không còn phù hợp. Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các quy định về hợp đồng theo hướng phù hợp với điều kiện của Việt Nam, giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn…
Trong tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn nhiều khó khăn, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh mong muốn trong nhiệm kỳ tới, Hội sẽ phát huy hơn nữa vai trò tập hợp, tạo sự đoàn kết, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả để góp phần vào việc phát triển kinh tế đất nước.
Quang cảnh Đại hội. |
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Kinh tế xây dựng Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2022-2027 đã tiến hành bầu cử Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra của Hội theo nguyên tắc dân chủ bằng hình thức giơ tay.
Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành khóa VI, nhiệm kỳ 2022-2027 gồm 71 đồng chí, tăng 15 đồng chí so với nhiệm kỳ trước (số Ủy viên Ban Chấp hành khóa V, nhiệm kỳ 2017-2021 là 56 đồng chí). Đại hội thống nhất bầu Ban Thường trực gồm 7 đồng chí; Ban Thường vụ gồm 15 đồng chí, Ban Kiểm tra gồm 3 đồng chí và thông qua Nghị quyết Đại hội với 100% đại biểu tán thành.
Tuệ Minh
Theo