(Xây dựng) – Sắp tới, Hội Kiến trúc sư Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo “Quy tắc ứng xử nghề nghiệp – Một bước tiến bộ trong hành nghề của giới Kiến trúc sư Việt Nam”. Đây là một hoạt động đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục (CPD) để các Kiến trúc sư hành nghề nâng cao kiến thức, tích điểm CPD hàng năm, phục vụ cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Kiến trúc.
Tháng 3/2021, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã phát hành cuốn sách Đáp án 280 câu hỏi và hướng dẫn phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. |
Trước đó, ngày 12/01/2021, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã ban hành “Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến trúc sư hành nghề”. Bộ quy tắc gồm 21 quy tắc, có hiệu lực ngay từ ngày ban hành.
Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Kiến trúc sư hành nghề là cơ sở để xây dựng các giá trị chuẩn mực và văn hoá hành nghề kiến trúc; thực hiện việc xem xét xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc.
Về sứ mệnh của nghề kiến trúc, quy tắc 1, đề cập: Nghề kiến trúc có sứ mệnh tạo lập môi trường hoạt động của con người, tạo dựng nền kiến trúc Việt Nam nhân văn, hiện đại đậm đà bản sắc, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Về đạo đức hành nghề kiến trúc, quy tắc 2 đề cập: Kiến trúc sư hành nghề bằng tính chuyên nghiệp, liêm chính, sáng tạo, khách quan và tận tâm, cùng với ý thức tôn trọng thầy, người đi trước và đồng nghiệp; có nghĩa vụ bảo vệ thanh danh nghề kiến trúc. Đạo đức hành nghề là cơ sở chuẩn mực cho mọi ứng xử nghề nghiệp của Kiến trúc sư hành nghề.
Theo các quy tắc 3, 4, 5 và 6, Kiến trúc sư phải tuân thủ Hiến pháp, luật và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hành nghề; trân trọng và bảo vệ di sản và môi trường; có trách nhiệm với cộng đồng…
Bộ quy tắc đồng thời quy định đối với bản thân, KTS Kiến trúc sư có trách nhiệm hành nghề trung thực, khoa học, sáng tạo…; Học tập để phát triển nghề nghiệp liên tục; không ngừng nâng cao kiến thức, năng lực và kỹ năng hành nghề; Trách nhiệm với tổ chức nơi mình hành nghề và đảm bảo hành nghề hợp pháp.
Đối với khách hàng, các quy tắc đề cập đến việc thực hiện hợp đồng, ứng xử với khách hàng. Đặc biệt, ở quy tắc 13, Kiến trúc sư có quyền từ chối và có trách nhiệm từ chối những yêu cầu của khách hàng không phù hợp với quy định pháp luật, quy định chuyên môn, quy tắc ứng xử nghề nghiệp và truyền thống văn hóa, hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích của các bên liên quan.
Đối với đồng nghiệp, bộ quy tắc đề cập đến sự tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp; Trách nhiệm với nhân viên dưới quyền và cộng sự; Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả và cả sự cạnh tranh trong hành nghề.
Quy tắc ứng xử nghề nghiệp áp dụng đối với các Kiến trúc sư hành nghề và các tổ chức hành nghề kiến trúc tại Việt Nam. Hội Kiến trúc sư Việt Nam có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn thực hiện, theo dõi và tiếp nhận thông tin về việc chấp hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của cá nhân và tổ chức hành nghề kiến trúc.
Đáng chú ý là bộ quy tắc cũng đề cập đến việc xử lý vi phạm (quy tắc 20). Theo đó, thông tin phản ánh các vi phạm tới Hội Kiến trúc sư Việt Nam sẽ được xem xét, nếu đủ điều kiện để thụ lý, Hội sẽ yêu cầu người bị phát hiện vi phạm giải trình. Sau 30 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu người bị phát hiện vi phạm không có hoặc không đủ bằng chứng giải trình thì Hội Kiến trúc sư Việt Nam sẽ thông báo tới các cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề xem xét xử lý theo quy định.
Theo đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam, sở dĩ bộ Quy tắc được đánh giá là một bước tiến bộ trong hành nghề của giới Kiến trúc sư Việt Nam bởi theo luât Kiến trúc được Quốc hội thông qua năm 2019, lần đầu tiên Nhà nước giao cho một tổ chức xã hội nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc là Hội Kiến trúc sư Việt Nam xây dựng, ban hành một số Quy định pháp luật về quản lý hành nghề.
Lần đầu tiên, sứ mệnh của nghề kiến trúc và đạo đức hành nghề kiến trúc được xác định rõ ràng bằng văn bản chính thức của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, được pháp luật công nhận.
Và cũng là lần đầu tiên giới Kiến trúc sư hành nghề Việt Nam có một Bộ quy tắc về ứng xử hành nghề để cùng nhau thực hiện theo những chuẩn mực văn minh, đúng pháp luật.
Tại Hội thảo nói trên, giới nghề sẽ cùng trao đổi, làm rõ các nội dung của bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp, đồng thời, giới thiệu tổng quan về việc triển khai Luật Kiến trúc và Nghị định 85/2020/NĐ – CP liên quan đến các nội dung hành nghề kiến trúc, chứng chỉ hành nghề kiến trúc và phát triển nghề nghiệp liên tục.
Cũng trong tháng 3/2021, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã phát hành cuốn sách Đáp án 280 câu hỏi và hướng dẫn phục vụ sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
Với 280 câu hỏi trong 4 lĩnh vực: Kinh nghiệm nghề nghiệp; kiến thức pháp luật; kiến thức chuyên môn; quy tắc ứng xử nghề nghiệp vào cuộc sống, Ban soạn thảo cuốn sách hướng đến phương pháp tư duy, phân tích để chọn đáp án đúng, phù hợp với cách làm việc của nghề kiến trúc, hạn chế cách học thuộc lòng và những tiêu cực trong quá trình tổ chức sát hạch.
Quý Anh
Theo