Chủ nhật 03/11/2024 05:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Hòa Bình: Dự án khu du lịch sinh thái Thác Thăng Thiên xây dựng không phép, chồng lấn nhiều hecta đất trồng rừng

23:05 | 02/03/2022

(Xây dựng) – Qua thanh tra 10 dự án trồng rừng trên địa bàn, Thanh tra tỉnh Hòa Bình đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, vi phạm về đất đai, đầu tư, xây dựng và thực hiện nghĩa vụ tài chính của các Sở, ngành, chủ đầu tư…

hoa binh du an khu du lich sinh thai thac thang thien xay dung khong phep chong lan nhieu hecta dat trong rung
Bên trong khu du lịch Thác Thăng Thiên.

Ngoài các dự án thương mại chậm tiến độ, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng tồn tại nhiều dự án “ma” không có trên địa bàn, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chưa đủ cơ sở pháp lý, không đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản. Không chỉ vậy, hàng loạt các dự án “khủng” đã và đang xây dựng không phép, chồng lấn hàng trăm hecta đất trồng rừng…

Cụ thể, Kết luận thanh tra số 05 của UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ rõ những sai phạm về việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với một số dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh.

Trong đó việc hàng chục doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án đã xảy ra việc chồng lấn đất ở của người dân; đất rừng và rừng phòng hộ; xây dựng không phép; chậm tiến độ thực hiện dự án, chưa thực hiện đền bù…

Điển hình như: Dự án trồng rừng phòng hộ kết hợp du lịch sinh thái tại xóm Rãnh, xóm Phủ, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) do Công ty cổ phần năng lượng xanh Hòa Bình thực hiện chậm tiến độ trên diện tích 126,8ha. Theo báo cáo, công ty đã nộp hồ sơ xin thẩm định nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, để dự án công viên rừng Hòa Bình thuộc dự án trồng rừng phòng hộ kết hợp du lịch sinh thái và chuyển mục đích sử dụng rừng diện tích 19,968ha để đầu tư hạ tầng, phát triển du lịch theo báo cáo mục tiêu dự án ban đầu.

Dự án trồng rừng và phát triển rừng tại xã Tây Phong (Cao Phong), xã Mỹ Hòa, xã Quy Hậu - nay là thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) do Công ty cổ phần Lâm Quế thực hiện mới chỉ sử dụng một phần diện tích được giao, do đất của dự án đang chồng lấn vào đất ở, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và việc bảo chiếm của các hộ dân.

Dự án trồng rừng nguyên liệu, khoanh nuôi, tái sinh bảo vệ rừng tại xã Tân Minh (Đà Bắc) do Công ty cổ phần Phú Thịnh chậm triển khai các nội dung đầu tư tại các xóm: Mít, Diều Bồ, Ênh, Tát, Diều Luông do một phần UBND tỉnh giao đất chồng lấn vào đất rừng của các hộ dân… Dự án trồng rừng nguyên liệu tại các xã: Trung Thành, Mường Chiềng, Tân Minh (Đà Bắc) do Công ty TNHH MTV D&G Hòa Bình làm chủ đầu tư chậm tiến độ theo các nội dung đầu tư tại 2 xã Trung Thanh, Mường Chiềng và một số xóm tại xã Tân Minh, do một phần diện tích đã giao cho công ty chồng lấn vào diện tích đất rừng của các hộ dân.

Dự án trồng rừng nguyên liệu tại 10 xã thuộc huyện Cao Phong do Công ty TNHH MTV D&G Hòa Bình làm chủ đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ký hợp đồng thuê đất tại xã Bắc Phong, do có tranh chấp với Công ty cổ phần thủy điện Văn Hồng xây dựng thủy điện Suối Tráng, xã Bắc Phong với diện tích đất được giao 570,44 ha; chậm triển khai tại các xã: Nam Phong, Dũng Phong, Thung Nai, Thu Phong.

Dự án trồng rừng nguyên liệu giấy tại xóm Hào Phong, xã Hào Lý - nay là Tú Lý (Đà Bắc) do Công ty cổ phần thương mại Lương Sơn thực hiện mới chỉ sử dụng một phần diện tích được giao, hiện có khoảng 91 ha của 17 hộ đang trồng cây, chủ đầu tư chưa thực hiện bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích trên…

Đáng chú ý, dự án trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn và khai thác du lịch sinh thái thác Thăng Thiên, xóm Gò Bùi, xã Mông Hóa do Công ty cổ phần du lịch thương mại Thành Thắng thực hiện dự án xây dựng không phép và chồng lấn vào đất của Vườn Quốc gia Ba Vì.

Tìm hiểu được biết, dự án trên được UBND tỉnh cho phép lập dự án tại Văn bản số 185 ngày 13/02/2003. Mục tiêu của dự án là trông rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn và khai thác du lịch sinh thái thác Thăng Thiên trên diện tích cho thuê là 1.482.000 m2 đất các loại tại xã Dân Hòa và xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (nay là thành phố Hòa Bình) theo Quyết định số 2235 ngày 10/12/2003 và được UBND tỉnh Hòa Bình cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng (CNQSD) đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ngày 15/01/2004, cấp lại ngày 08/8/2018, 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với diện tích 519.000 m2 và 963.000m2.

Đến thời điểm kiểm tra, việc thực hiện dự án công ty cơ bản thực hiện đầu tư các nội dung được phê duyệt như trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn và khai thác du lịch sinh thái.

Tại Kết luận nêu rõ: Dự án trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn và khai thác du lịch sinh thái Thác Thăng Thiên tại xóm Gò Bùi, xã Mông Hóa do Công ty Du lịch Thành Thắng thực hiện đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng trên đất khi chưa có giấy phép xây dựng và ranh giới đất có một phần chồng lấn vào đất Vườn Quốc gia Ba Vì với diện tích khoảng 36,12ha thuộc quy hoạch đất rừng đặc dụng.

Từ những vi phạm nêu trên, thanh tra tỉnh Hòa Bình kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hòa Bình rà soát lại hiện trạng sử dụng đất, đối chiếu với bản đồ quy hoạch 03 loại rừng giai đoạn 2017-2025 hướng đến 2030 đối với dự án trên và các dự án khác.

Đồng thời kiểm điểm đối với chủ đầu tư, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra những vi phạm nêu trên, báo cáo về thanh tra tỉnh trước ngày 15/5/2022.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

Ánh Dương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load