Thứ năm 25/04/2024 09:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với kỹ thuật xây dựng

00:00 | 02/12/2020

(Xây dựng) – Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng là một vấn đề then chốt để nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước ngành Xây dựng. Đây là những quy định pháp luật về mặt kỹ thuật để các cơ quan chuyên môn xây dựng thẩm định, kiểm tra chất lượng công trình xây dựng. Đồng thời góp phần giúp cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng minh bạch và hiệu quả.

he thong tieu chuan quy chuan ky thuat xay dung gop phan nang cao hieu qua cong tac quan ly nha nuoc doi voi ky thuat xay dung
Trước những yêu cầu và thách thức trong tình hình mới, ngành Xây dựng cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng.

Ngày 09/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 198/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng. Để thực hiện Đề án này, Bộ Xây dựng đã thành lập Ban chỉ đạo Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng. Trong đó, 2 nhiệm vụ quan trọng, có tính căn bản là lập danh mục hệ thống quy chuẩn kỹ thuật xây dựng tới năm 2025 và lập quy hoạch hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng tới năm 2030.

Việc hoàn thiện Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng là phương pháp để giám sát trên thực tế việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Đây là một trong những công cụ hỗ trợ đáng kể, được thể hiện rõ nhất ở tính công khai, minh bạch các thủ tục, từ đó giảm hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, công dân khi thực hiện các thủ tục trong lĩnh vực xây dựng, giúp người đứng đầu cơ quan, đơn vị thi công dễ dàng giám sát, kiểm tra và định hướng chỉ đạo kịp thời khi phát sinh vướng mắc, triển khai công việc và quản lý hồ sơ công việc một cách khoa học, rút ngắn thời gian xử lý các các thủ tục, đúng thời gian, từng bước cải tiến phương thức làm việc khi giải quyết các thủ tục theo yêu cầu.

Nhìn tổng thể các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng hiện nay ở Việt Nam đã bao phủ đa phần các lĩnh vực của ngành xây dựng, tạo cơ sở phục vụ tốt cho thực tế sản xuất và cơ bản kiểm soát được quá trình thiết kế thi công công trình xây dựng. Tuy nhiên, mức bao phủ còn mỏng và có nhiều chỗ còn tạo khoảng hở do chưa đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn để đáp ứng cho nhu cầu phát triển và hội nhập.

Ngoài ra, cũng có khá nhiều bất cập về quy mô bao quát bố cục cũng như nội dung chi tiết và hình thức áp dụng. Do vậy để góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật xây dựng hội nhập quốc tế, đảm bảo an toàn cho công trình, con người, xã hội, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam cần được hoàn thiện, đổi mới đảm bảo sự thống nhất về quản lý Nhà nước và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động xây dựng. Cần xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng để tránh trùng lắp, phân định rõ theo chức năng, nhiệm vụ. Góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành xây dựng, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Xây dựng, cần tập trung rà soát tổng thể hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, tạo điều kiện cho việc áp dụng các công nghệ xây dựng mới, tiên tiến, phù hợp với các yêu cầu chất lượng công trình xây dựng, góp phần tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển. Đồng thời đảm bảo tiết kiệm tài nguyên đất đai, tiết kiệm thời gian trong thiết kế, thi công công trình; loại bỏ các thủ tục hành chính không liên quan đến kỹ thuật giúp rút ngắn thời gian lập dự án…

Trước sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, theo các chuyên gia, nhằm đáp ứng tốt hơn mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng cần phải được quy hoạch khoa học, bám sát thực tiễn, sao cho không thừa, không thiếu, không chồng chéo, đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý nhà nước và các hoạt động trong xây dựng.

Hoàn thiện quy trình phổ biến thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng và nhanh nhất cho mọi đối tượng tham gia hoạt động xây dựng. Bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Trước những yêu cầu và thách thức trong tình hình mới, ngành Xây dựng cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về xây dựng. Đổi mới tư duy trong công tác tham mưu hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật về xây dựng, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đủ sức điều chỉnh được các hoạt động xây dựng trong thực tiễn, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Mặt khác, việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng góp phần nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng, hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn áp dụng, đề ra yêu cầu đối với các công việc như: Lập dự án, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, khởi công xây dựng công trình... để bảo đảm cho việc xây dựng công trình tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp với yêu cầu sử dụng và đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, an toàn, phòng chống cháy, nổ, bảo vệ cảnh quan và môi trường. Các nguyên tắc, nội dung quản lý, các chỉ tiêu và cơ sở xác định chi phí đầu tư xây dựng công trình phải được sửa đổi theo hướng phải được tính đúng, tính đủ theo từng công trình cụ thể, phù hợp với giai đoạn thực hiện, bước thiết kế, thời gian xây dựng và mặt bằng giá thị trường. Quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước kết hợp với việc đáp ứng các yêu cầu khách quan của thị trường, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các chủ thể tham gia thông qua các quy định của hợp đồng xây dựng.

Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng sẽ góp phần giúp các chủ thể có cơ sở tiếp thu áp dụng, tiến tới làm chủ các tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng tiên tiến một cách nhanh nhất, tạo đà cho các phát minh, sáng chế trong lĩnh vực khoa học công nghệ xây dựng trong nước phát triển. Có như vậy thì hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng mới được nâng cao và đáp ứng yêu cầu ngày càng phát triển của xã hội.

Như Ý - Văn Thế

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load