Bị can Nguyễn Đại Dương, chủ cũ của vũ trường New Century cùng bố vợ bị cáo buộc có vai trò chủ mưu, chỉ đạo điều hành, là người thực hiện tội phạm vụ án bán rẻ 43 ha "đất vàng" ở Bình Dương.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV và các đơn vị liên quan.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 21 bị can về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định theo khoản 3, điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong số 21 bị can nói trên, có ông Trần Văn Nam - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; Trần Thanh Liêm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Phạm Văn Cành, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương; Nguyễn Thanh Trúc, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương... Ngoài ra, trong vụ án còn có nhiều bị can khác là lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Bình Dương và các công ty.
Theo kết luận điều tra, thông qua bố vợ của mình là Nguyễn Văn Minh (66 tuổi, Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3/2), bị can Nguyễn Đại Dương (56 tuổi), chủ cũ của vũ trường New Century biết Tổng Công ty 3/2 có khu đất 43 ha. Do đó, bị can Dương đã thống nhất thành lập pháp nhân Công ty Âu Lạc và giao cho Nguyễn Quốc Hùng làm Tổng Giám đốc.
Sau đó, Hùng là người đại diện theo pháp luật cho Công ty Âu Lạc ký hợp đồng hợp tác với Tổng Công ty 3/2 để thành lập liên doanh Công ty Tân Phú để mua khu đất 43 ha của Tổng Công ty 3/2 với giá là 570.000 đồng/m2.
Nguyễn Đại Dương tại phiên tòa hồi tháng 9/2009. |
Kết luận điều tra cho biết, mặc dù Nguyễn Đại Dương không đứng tên trong nhóm cổ đông sáng lập, góp vốn thành lập Công ty Âu Lạc, nhưng kết quả điều tra và lời khai của các cổ đông sáng lập gồm: Nguyễn Quốc Hùng, Huỳnh Trung Nam, Dương Đình Tâm thể hiện, Nguyễn Đại Dương thông qua ông Nguyễn Nam Thanh (Công ty Ford Thủ Đô), bà Nguyễn Quỳnh Châu (em gái Dương), bà Nguyễn Thục Anh (vợ Dương) và bà Nguyễn Thị Phong Lan (mẹ Dương) chuyển số tiền 24,2 tỷ đồng để góp vốn vào Công ty Âu Lạc. Điều này thể hiện việc Nguyễn Đại Dương nhờ ông Dương Đình Tâm đứng tên hộ 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc. Trong quá trình nhờ Dương Đình Tân đứng tên, Nguyễn Đại Dương đã cho ông Tâm 4 tỷ đồng vào năm 2015 và 500 triệu đồng vào năm 2017.
Vào năm 2016, sau khi Công ty Âu Lạc đã sử dụng tiền góp vốn của các cổ đông để góp 60 tỷ đồng/140 tỷ đồng tại Công ty Tân Phú. Mặc dù Tổng Công ty 3/2 chưa chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú và chưa xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, nhưng Nguyễn Đại Dương đã trực tiếp đàm phán, thỏa thuận với bà Đặng Thị Kim Oanh với giá 350 tỷ đồng và cam kết nếu không thực hiện sẽ bồi thường 800 tỷ đồng. Bà Oanh từng làm Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TPHCM (gọi tắt là Công ty Kim Oanh) vào thời điểm 28/3/2014.
Nguyễn Đại Dương đã giao cho Nguyễn Quốc Hùng, đại diện cho Công ty Âu Lạc ký hợp đồng hứa mua hứa bán với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (Công ty này từng góp vốn với tỷ lệ rất cao, có thời điểm lên tới 99% vào Công ty Kim Oanh) với nội dung như trên.
Để tạo điều kiện cho Công ty Âu Lạc do Nguyễn Đại Dương điều hành thực hiện hợp đồng với phía bà Đặng Thị Kim Oanh và nhận tiền thanh toán cho Tổng Công ty 3/2, ngày 8/12/2016, Nguyễn Văn Minh đại diện cho Tổng Công ty 3/2 đã ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng. Mặc dù theo công văn của Tỉnh ủy Bình Dương ngày 29/7/2016, thì Tổng Công ty 3/2 phải bàn giao khu đất 43 ha về Công ty Impco (100% vốn nhà nước).
Bị can Nguyễn Văn Minh còn giao cán bộ dưới quyền hoàn tất thủ tục đăng ký biến động khu đất 43 ha sang Công ty Tân Phú và giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu đất 43 ha này cho Công ty Tân Phú (mặc dù Công ty Tân Phú mới thanh toán 140 tỷ đồng/hơn 250 tỷ đồng cho Tổng Công ty 3/2).
Đồng thời, bị can Nguyễn Văn Minh còn giao Trần Nguyên Vũ, đại diện cho Tổng Công ty 3/2 ký hợp đồng chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng Công ty 3/2 tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc và ký biên bản xác nhận hoàn tất việc chuyển nhượng vốn góp mặc dù Công ty Âu Lạc chưa thanh toán tiền...
Khu 43 ha "đất vàng" tại Bình Dương. (Ảnh: Trung Kiên). |
Như vậy, bị can Nguyễn Đại Dương giữ vai trò xuyên suốt trong quá trình thành lập pháp nhân Công ty Âu Lạc, ký hợp đồng hợp tác với Tổng Công ty 3/2 để mua khu đất 43 ha với giá 570.000 đồng/m2; đàm phán với bà Đặng Thị Kim Oanh để bán lại dự án Khu dân cư - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43 ha bằng cách thông đồng với Nguyễn Văn Minh (bố vợ) để Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú, sau đó chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc.
Hành vi của Nguyễn Đại Dương đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
"Quá trình điều tra xác định, bị can Nguyễn Đại Dương cùng với bị can Nguyễn Văn Minh có vai trò chủ mưu, chỉ đạo điều hành, là người thực hiện tội phạm, gây thất thoát tài sản nhà nước số tiền hơn 302 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Đại Dương không thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội và động cơ vụ lợi của bản thân", kết luận điều tra viết.
Theo Nguyễn Dương/Dantri.com.vn