Thứ bảy 02/11/2024 19:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

“Hãy sản xuất thật nhiều xi măng cho Tổ quốc”

14:49 | 10/01/2022

(Xây dựng) - Từ hàng trăm công nhân ngày đầu thành lập, đến nay, ngành Xi măng đã có hàng trăm nghìn cán bộ, công nhân viên lao động đang ngày đêm cống hiến, lao động sáng tạo để sản xuất thật nhiều xi măng cho Tổ quốc như lời Bác hồ căn dặn.

hay san xuat that nhieu xi mang cho to quoc 324177
Bác Hồ về thăm Nhà máy Xi măng Hải Phòng.

Từ đáy bùn nô lệ, bị bóc lột tận cùng

Dưới thời Pháp thuộc, Nhà máy xi măng Hải Phòng là cơ sở duy nhất ở Đông Dương sản xuất xi măng phục vụ chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Ban đầu, Nhà máy chỉ có 100 công nhân; sau số thợ tăng dần đến vài nghìn. Trừ công nhân ở mỏ đá Tràng Kênh (là lao động giản đơn, thợ đá, thợ nung vôi), công nhân xi măng đòi hỏi có trình độ kỹ thuật, lao động cực nhọc, vất vả trong môi trường nhiệt độ cao, tiếng ồn lớn, làm việc theo 2 ca, mỗi ca 12 giờ với chế độ cai ký quản chế kiểu chủ nô phong kiến, bị bóc lột tận cùng, bị đánh đập dã man. Hình ảnh những người công nhân gầy ốm, đội trên đầu thúng clinker ở nhiệt độ cao 200 - 3000C làm đầu bị bong tróc, sẹo lồi lõm; lông mi, lông mày cháy sém; chân tay lở loét, sần sùi như bị phong hủi, đi vào những câu ca ai oán: “Ai làm cho sọ tôi mòn/ Cho chân tôi bỏng, cho thân tôi gầy…”, phản ánh sự dã man, tàn độc của giới chủ Pháp lúc bấy giờ.

Lao động vất cả cực nhọc, lương thấp, thường xuyên bị đánh đập, điều kiện sống thiếu thốn, ở trong những túp lều xiêu vẹo, ăn uống khổ sở.... Nằm ở thành phố cảng Hải Phòng - trung tâm công nghiệp, thương mại của cả nước - nên ý thức cộng đồng giai cấp của công nhân xi măng hình thành sớm. Không chịu được sự cai quản, bóc lột dã man của thực dân, công nhân xi măng liên tục bãi công nhưng quy mô nhỏ, thiếu tổ chức. Họ nhận thức chỉ có con đường duy nhất là đấu tranh mới giảm được nỗi thống khổ. Những năm 1928, 1929, những cuộc bãi công ở nhà máy diễn ra liên tục. Điển hình ngày 22/10/1929, chi bộ xi măng lãnh đạo công nhân Sở lò đấu tranh, đòi chủ đuổi các tên cai vì gây nhiều tội ác với thợ. Dưới thời Pháp thuộc, Nhà máy Xi măng Hải Phòng là cơ sở duy nhất ở Đông Dương sản xuất xi măng phục vụ chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Do máy móc thiết bị còn thô sơ, lạc hậu, điều kiện làm việc nặng nhọc, lại bị áp bức bóc lột nặng nề, nên công nhân xi măng đã anh dũng đấu tranh, từ tự phát sang tự giác, trở thành lực lượng tiên phong cách mạng của Hải Phòng và cả nước.

Đến lực lượng tiên phong trong phong trào cách mạng

Năm 1927, tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội của nhà máy được thành lập; cuối năm 1928, tổ chức công hội đỏ của nhà máy ra đời; cuối năm 1929 “Xích vệ đỏ” được thành lập, là tiền thân của lực lượng vũ trang nhà máy và thành phố.

Ngày 15/8/1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở nhà máy, là một trong các Chi bộ đầu tiên được thành lập ở Hải Phòng cũng như của miền Bắc lúc bấy giờ với số lượng đảng viên là 18 đồng chí. Đồng chí Phạm Văn Phóng là Bí thư đầu tiên. Sự ra đời của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh của công nhân, thợ thuyền của Xi măng Hải Phòng chống giới chủ Pháp.

Cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng chuyển dần từ tự phát sang tự giác, trở thành lực lượng tiên phong cách mạng của Hải Phòng và cả nước. Từ trong máu và nước mắt đau thương của hàng nghìn công nhân xi măng, những trang sử hào hùng oanh liệt được viết lên.

Sau khi thành lập gần 4 tháng, ngày 08/01/1930, Chi bộ Đảng Xi măng Hải Phòng đã lãnh đạo một cuộc bãi công lớn trong toàn nhà máy, với sự tham gia của hơn 2.000 công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, trả lương đúng kỳ, chống đánh đập… Cuộc bãi công đã giành thắng lợi, buộc giới chủ Pháp phải chấp nhận các yêu sách của công nhân.

Tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước, trong giai đoạn 1930 - 1945, Chi bộ Đảng Nhà máy Xi măng Hải Phòng lúc bấy giờ đã lãnh đạo công nhân xi măng nêu cao tinh thần đấu tranh chống đế quốc, bảo vệ cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám và lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thi đua lao động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Một sự kiện đặc biệt, kết thúc 56 năm áp bức bóc lột của thực dân Pháp ở nhà máy, ngày 12/5/1955, nhà máy về tay giai cấp công nhân làm chủ và Đảng bộ Nhà máy Xi măng Hải Phòng được thành lập. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, nước ta chia thành 2 miền. Nhà máy Xi măng Hải Phòng bước vào thời kỳ mới, khôi phục ổn định sản xuất, phục vụ công cuộc tái thiết và phát triển cơ sở hạ tầng cho đất nước.

Vinh dự lớn đến với đội ngũ công nhân xi măng, ngày 30/5/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nhà máy. Người biểu dương thành tích của Nhà máy và nhắc nhở anh chị em công nhân đoàn kết, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, sản xuất thật nhiều xi măng cho Tổ quốc, thực hành tiết kiệm để xây dựng đất nước và từng bước cải thiện đời sống người lao động.

Làm theo lời Bác dạy, các phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa của công nhân xi măng Hải Phòng sớm được phát động. Nhiều anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua nổi tiếng của Hải Phòng và miền Bắc như Nguyễn Hiền Viết, Nguyễn Văn Huyên, Trương Thị Len... Bằng nỗ lực sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hăng say lao động, lực lượng công nhân đông đảo ngày càng trưởng thành, góp phần đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, đặc biệt năm 1962 đội ngũ công nhân nhà máy đã phục hồi thành công 4 lò đứng (ngừng sản xuất từ năm 1958). Những năm sau đó, nhà máy cho ra đời sản phẩm mới như xi măng Pu - zơ - lan phục vụ các công trình dưới mặt đất, xi măng xỉ lò cao phục vụ các công trình chịu nhiệt như khu gang thép Thái Nguyên, xi măng chống ăn mòn sunfat phục vụ các công trình tiếp xúc với nước biển, chủ yếu dành cho Nhà máy Đóng tàu Hải Phòng.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà máy bị tàn phá nặng nề nhưng cũng là thời kỳ oanh liệt nhất, kiên cường nhất. Với lời thề “Tim còn đập, lò còn quay” và “Hãy sản xuất thật nhiều xi măng cho Tổ quốc”, cán bộ công nhân viên xi măng đã nỗ lực ngày đêm lao động sản xuất, vừa chiến đấu. Trải qua những chặng đường gian nan, vất vả, đầy nước mắt nhưng vinh quang, thế hệ công nhân lao động qua các thời kỳ ngày càng trưởng thành cả về chất và lượng.

Khát vọng vươn xa, nghiên cứu công nghệ mới

Khi đất nước toàn thắng, thống nhất, những người thợ ngành Xi măng lại bước vào thời kỳ đẩy mạnh sản xuất, sản xuất thật nhiều xi măng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước. Tinh thần cách mạng, ý chí quả cảm, dám nghĩ, dám làm, lao động sáng tạo từ thế hệ trước, nay tiếp tục được hun đúc, luyện rèn, để thế hệ cán bộ công nhân lao động ngành Xi măng nói chung và Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) nói riêng viết tiếp những trang sử hào hùng; xây dựng ngành Xi măng Việt Nam lớn mạnh, đứng thứ 5 thế giới, công nghệ kỹ thuật hiện đại và đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật có trình độ cao.

Bước vào thời đại công nghệ 4.0, ngành Xi măng đang đứng trước thách thức phải giải quyết bài toán về môi trường, tái cấu trúc toàn diện ngành, đồng thời nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo đưa công nghệ ngành Xi măng phát triển lên tầm cao mới với mục tiêu không phát thải. Đi đầu là VICEM, DN đang tập trung trí tuệ, nguồn lực để xây dựng nền sản xuất xanh, phát triển bền vững, vừa sử dụng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, vừa giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, năng lượng, kiểm soát khí thải, chất thải. Tại VICEM và các đơn vị thành viên, hàng loạt các đề tài nghiên cứu đang được triển khai, ứng dụng như Nghiên cứu sử dụng bùn và rác thải công nghiệp không nguy hại làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế trong sản xuất clinker; dùng bùn thải thay sét; đẩy mạnh sử dụng nhiệt khí thải để phát điện; sử dụng xỉ, tro bay và thạch cao nhân tạo từ chất thải GYPS để làm phụ gia cho sản xuất xi măng; nghiên cứu để sản xuất clinker low carbon nhằm giảm phát thải khí CO2 và bụi...

VICEM thực hiện số hóa dây chuyền sản xuất, trong đó tập trung phục hồi, nâng cấp, hiện đại hóa thiết bị, quản lý và vận hành tự động dây chuyền, tiến tới hình thành các nhà máy xi măng thông minh trong tương lai. Chương trình số hóa sản xuất sẽ được triển khai đồng bộ, liên tục, theo lộ trình từng bước để phù hợp với điều kiện thực tế từng công ty sản xuất xi măng của VICEM.

Có thể khẳng định sức lao động sáng tạo vô hạn của cán bộ, công nhân VICEM nói riêng và ngành Xi măng nói chung đang được phát huy, cống hiến và hiện thực bằng những dự án đầy ý nghĩa, đưa ngành xi măng phát triển lên tầm cao mới. Ngọn lửa truyền thống ngành Xi măng được hun đúc từ tình yêu nước, ý chí quật cường của lớp lớp thế hệ cán bộ, công nhân xi măng, khởi nguồn từ Xi măng Hải Phòng, vẫn cháy mãi với non sông!

Nguyễn Vũ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load