(Xây dựng) – Sáng 2/10, UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Lễ công bố các hệ thống thông tin, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang. Đây là cột mốc quan trọng của tỉnh Hậu Giang trong nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
Các đại biểu thực hiện nghi thức Lễ công bố. |
Tại Lễ công bố, ông Đoàn Quốc Thật - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Năm 2020 được xem là năm đột phá để ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của tỉnh Hậu Giang trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh. Qua đó, làm cơ sở để thực hiện Đề án chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của tỉnh là “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”, giúp người dân có cuộc sống tốt hơn và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà một cách nhanh chóng, bền vững.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch và Thường trực UBND tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh, trên tinh thần đó và với quyết tâm cao nhất, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng các đơn vị có liên quan, sau gần 9 tháng khẩn trương xây dựng và triển khai các hạng mục và nội dung liên quan, đến nay về cơ bản các hệ thống thông tin của hệ thống Chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang đã hoàn thành và đi vào vận hành thí điểm, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính…”
Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Lễ công bố. |
Theo đó, Cổng dịch vụ công trực tuyến https://dichvucong.haugiang.gov.vn được vận hành thí điểm từ ngày 8/6/2020, hiện có 102 cơ quan, người dân, doanh nghiệp sử dụng. Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội trực tuyến http://baocao.haugiang.gov.vn được vận hành thí điểm từ 10/8/2020, có 12 sở, ngành sử dụng. Hệ thống quản lý văn bản http://vanban.haugiang.gov.vn được vận hành thí điểm ngày 7/9/2020, có 302 cơ quan của 3 cấp chính quyền sử dụng. Trục liên thông dữ liệu (LGSP) được vận hành thí điểm từ ngày 7/9/2020, kết nối hệ thống thông tin của tỉnh với nhau và với Trục liên thông quốc gia (NGSP). Ưu điểm là nền tảng tích hợp mạnh, đã kết nối 10 cơ sở dữ liệu quốc gia: doanh nghiệp, bảo hiểm, danh mục điện tử dùng chung, hệ thống VNPOST… đang triển khai kết nối tất cả các hệ thống thông tin của tỉnh.
Theo giới thiệu của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh là “bộ não” của đô thị thông minh. Nơi đây, giám sát, điều hành tập trung các ứng dụng thông minh thông qua một nền tảng công nghệ chung. Thu thập, kết nối đến các nguồn dữ liệu; khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ các hoạt động của cơ quan, tổ chức; cho phép cộng đồng tiếp cận nguồn dữ liệu để phát triển các dịch vụ, ứng dụng thông minh. Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường (Hậu Giang app) tiếp nhận, phân loại thông tin phản ánh của người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh qua nhiều hình thức khác nhau, chuyển đến các đơn vị chuyên ngành để thực hiện xử lý, lưu trữ theo quy định. Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội từ các nguồn khác nhau, đưa về hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung; tổng hợp các báo cáo thống kê, báo cáo các biểu đồ, báo cáo phân tích chuyên sâu phục vụ việc hỗ trợ ra quyết định của tỉnh. Địa chỉ cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang là: https://haugiang.gov.vn. Đây là cổng thông tin điện tử chính của tỉnh Hậu Giang và 31 cổng thành phần cho các sở, ban, ngành, UBND thành phố/thị xã/huyện…
Ông Đồng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang ký kết các bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Vietel, FPT và Trường Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh. |
Tại Lễ công bố, UBND tỉnh Hậu Giang đã ký kết các bản ghi nhớ hợp tác với Tập đòn Vietel, FPT và Trường Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh; ông Lê Tiến Châu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã ký số văn bản điện tử trên điện thoại di động.
Ông Lê Tiến Châu chia sẻ: Lễ công bố các hệ thống thông tin, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang là cột mốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình lịch sử của tỉnh Hậu Giang trong mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cơ quan Nhà nước.
Một góc thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. |
“Tỉnh Hậu Giang xác định năm 2020 là năm phát triển đột phá của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, làm tiền đề cho việc thực hiện Đề án chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động và chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, phát triển kinh tế số, xã hội số, thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn với thành thị; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà một cách bền vững, công bằng, bình đẳng và không để người người dân nào bị bỏ lại phía sau…” - Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết.
Huỳnh Biển
Theo