Thứ hai 06/05/2024 21:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hành trình tìm “ADN” cho kiệt tác kiến trúc trên Yên Tử

20:48 | 14/10/2019

Chỉ khi gặp Bill Bensley - kiến trúc sư lừng danh người Mỹ, người được mệnh danh là “ông hoàng resort” - ông Bùi Đình Tuấn mới định được phương án sau cùng và quyết cho xây Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, với lối kiến trúc lấy cảm hứng từ tháp Tổ trên núi Yên Tử - nơi lưu giữ xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông ngay sau khi Phật hoàng đi vào cõi niết bàn.          


Toàn cảnh Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử. Ảnh: QH

10 năm ấp ủ ý tưởng

Nhận xét về kiến trúc và tinh thần của Trung tâm văn hóa Trúc Lâm - sau khi được đưa vào sử dụng vào năm 2018, nhà văn Hoàng Quốc Hải - tác giả của bộ tiểu thuyết đồ sộ về triều Trần (Bão táp triều Trần) - chỉ nói ngắn gọn: “Hồn Việt, nét Trần và tinh thần Thiền Trúc Lâm”.

Nếu ai đã từng thăm tháp Tổ ở khu vườn tháp Huệ Quang trên núi Yên Tử thì đều cảm nhận được ngay kiến trúc chủ đạo của Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm là kiến trúc tháp Tổ: Cổng/cửa vòm, tường dày, mái ngắn lợp ngói mũi sen được vuốt lên cao ở hai bên và các đường phào chỉ dọc theo diềm mái…

Tháp Tổ là di tích gốc duy nhất còn lại của Yên Tử, với phần đế tháp còn nguyên vẹn kể từ khi được vua Trần Anh Tông xây dựng vào năm 1309 - một năm sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - và phần thân tháp được trùng tu vào thời Lê, thế kỷ 17.

Đây là kết quả của hơn 10 năm thai nghén ý tưởng của ông Tuấn và các cộng sự về việc xây một công trình để đời, xứng danh với danh thiêng Yên Tử - nơi từng được coi là kinh đô Phật giáo của cả nước, với thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng do chính vị vua võ công hiển hách - Trần Nhân Tông sáng lập và cũng là vị sư tổ thứ nhất.

Trước đó, lần lượt các kiến trúc sư đẳng cấp người Nhật, Pháp, Canada... với những công trình kiến trúc nổi tiếng trên thế giới và cả những kiến trúc sư hàng đầu trong nước được trân trọng mời đến, để rồi những bản phác thảo kiến trúc về công trình mơ ước cứ dần chất đầy trong kho lưu trữ, nhưng không đến được đích... Bởi, nếu chỉ để xây dựng một cụm công trình dịch vụ đơn thuần thì những bản thiết kế đó đạt, thậm chí vượt tầm, nhưng ông Tuấn cảm thấy không bản thiết kế nào thể hiện được hồn dân tộc cũng như kế thừa được tinh thần núi thiêng Yên Tử đã được hun đúc qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử dân tộc và Phật giáo.

Ông Trần Văn Long - Trưởng Ban Văn hóa phi vật thể, Cty CP Phát triển Tùng Lâm - là người đã trực tiếp dẫn, chắp mối cho tất cả các kiến trúc sư đi điền dã, nghiên cứu những địa danh, di tích có liên quan đến thời nhà Trần và tham vấn những nhà nghiên cứu, sử học hàng đầu của Việt Nam để giúp họ có thêm những kiến thức về lịch sử, văn hóa, kiến trúc Việt cho việc lên ý tưởng, xây dựng những bản thiết kế sau này.

“Ngay trong lần lên thăm tháp Tổ trên núi Yên Tử, Bill Bensley khẳng định với ông Tuấn và Ban dự án của Tùng Lâm là đã tìm ra chìa khóa cho bản thiết kế. Hỏi chìa khóa đó là gì, Bill không nói mà chỉ hẹn một tháng nữa gặp lại” - ông Long kể.


Tháp Tổ - nơi lưu giữ xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông do vua Trần Anh Tông xây dựng vào năm 1309 . Ảnh: Q.H


Cổng tam quan Khai tâm của Khu văn hóa Trúc Lâm Yên Tử có mang gen “ADN” của Cổng tháp Tổ. Ảnh: Nguyễn Hùng 


Cửa vào phòng ngủ cũng có thiết kế cổng vòm của Tháp tổ. Ảnh: QH

Tác phẩm mang “ADN” của tháp Tổ

Trở lại Quảng Ninh sau một tháng, Bill Bensley đem theo hơn 100 bản thiết kế chi tiết của một Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử đã hoàn thành, mà theo ông Long, vượt quá công việc thiết kế ý tưởng của bản hợp đồng được ký kết giữa 2 bên. Một người kỹ tính như ông Tuấn từng bước bị chinh phục bởi những bản thiết kế và tư duy, triết lý “đưa văn hóa bản địa” vào công trình kiến trúc, kế thừa 3 giá trị cốt lõi của núi Yên Tử - đều ở tầm quốc gia và quốc tế: Tâm linh, văn hóa - lịch sử, thiên nhiên.

“Từ lâu, chúng tôi xác định phải có sự chuyển mình cho Yên Tử. Không nên để tình trạng du khách, tăng ni, Phật tử chỉ thăm Yên Tử vội vàng trong 3 tháng lễ hội. Đi vào những ngày thường, du khách mới có nhiều cơ hội để trải nghiệm, để tìm hiểu sâu được các giá trị quan trọng của danh sơn này. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần làm một khu dịch vụ 4 - 5 sao, thậm chí cao hơn nữa thì đơn giản và đỡ tốn kém” - ông Long chia sẻ - “Tổng số vốn đầu tư là khoảng 2.000 tỉ đồng. Nếu làm theo các bản thiết kế khác thì không đến. Các cổ đông cũng xót lắm vì thiết kế của Bill quá tốn kém”.

Trong vòng 2 năm thi công, cũng đã có những thay đổi trong thiết kế cả phần ngoại lẫn nội thất, từ những đóng góp ý kiến và cả tranh luận giữa ông Tuấn và kiến trúc sư Bill Bensley. Trong đó, thay đổi lớn nhất là điều chỉnh vị trí của sân lễ hội (quảng trường Minh Tâm) và hướng của "trục Tâm Đạo" do ông Tuấn đề xuất. Trục này nối từ chính giữa Cổng tam quan Khai Tâm, đi qua một loạt các hạng mục công trình, tới Cung Trúc Lâm, gắn kết các điểm: Gương thiền, Vườn tùng La Hán, Hồ Ngoạn nguyệt, Quảng trường Minh Tâm, Vườn Hoa Tâm…

Bill Bensley cũng quyết định tiếp tục sáng tạo và thay đổi một số thiết kế, biện pháp thi công khi nhận thấy chủ đầu tư đầy tâm huyết với tác phẩm của mình. Theo thiết kế ban đầu của Bill Bensley, các cột lớn tại tòa Khai Tâm đều được làm bằng xi măng cốt thép giả gỗ, nhưng chủ đầu tư đã thay hầu hết bằng những cây gỗ lim 2 người ôm không xuể. Các nguyên vật liệu xây dựng mà kiến trúc sư yêu cầu đã rất khắt khe nhưng cũng đều thấp hơn cấp độ chủ đầu tư cung cấp.

Một lần, khi đi khảo sát thực địa, Bill Bensley nói mọi người ra ngoài, để ông ngồi thiền và trải nghiệm một mình trong căn phòng mẫu đã hoàn chỉnh, rất đẹp - dự kiến sẽ nhân rộng ra toàn bộ khu Tĩnh dưỡng Legacy của Yên Tử. Sau 2 tiếng ngồi thiền, ông quyết định thay đổi toàn bộ thiết kế nội thất và tiếp tục sáng tạo ra các phòng mẫu phù hợp hơn với Yên Tử.

Trong suốt 2 năm thi công xây dựng, chủ đầu tư đã cử các cán bộ, nhân viên về hàng chục các làng nghề thủ công truyền thống ở miền Bắc, như gốm, đồng, gỗ, đá… để tìm kiếm, đặt hàng các nguyên vật liệu phù hợp với kiến trúc của Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử.

Những bức tường của các phòng ở dày tới cả nửa mét, trong khi lẽ ra chỉ cần 20cm là đủ; những cánh cửa, đồ dùng nhìn như cổ được ốp hoặc làm hoàn toàn bằng đồng nguyên chất; hay những khối đá lớn, những viên gạch gốm nung cầu kỳ xuất hiện ở khắp nơi chỉ là một vài minh chứng nhỏ cho thấy mức độ cầu kỳ, công phu của công trình cũng như tâm huyết của các nhóm làm việc. Nhưng những người trong cuộc cho rằng, cái đắt hơn chính là ở tinh thần, ý tưởng của cả kiến trúc sư và chủ đầu tư.

Ông Long bảo rằng, Cty Tùng Lâm đã chấp nhận trả giá lớn để có được “tác phẩm nghệ thuật” có một không hai này, nhưng hoàn toàn xứng đáng. Theo lời họa sĩ Thành Chương, công trình đáng giá đến từng xu và không có gì lãng phí.

Tác phẩm ấy không thể tính đơn giản như 1 + 1 = 2, mà phải phát huy ở tầm cao mới như chủ đầu tư và cộng đồng kỳ vọng.

Một vòng từ Cổng tam quan Khai Tâm tới Cung Trúc Lâm, sẽ lĩnh hội được nhiều điều nếu để tâm tới mỗi họa tiết, bức tường hay cổng vòm... “Ông hoàng resort” Bill Bensley có lẽ đã nhập tâm rất nhanh và sâu sắc những giá trị cốt lõi của Yên Tử ngàn năm mây trắng vẫn bay.

Theo Nguyễn Hùng/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
  • Về với Điện Biên

    (Xây dựng) - Những ngày này, cả nước đang cùng hoà chung không khí nô nức Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu” của quân - dân ta (7/5/1954 - 7/5/2024). Nhạc sĩ - nhà báo Tào Khánh Hưng, Phó tổng biên tập Báo Xây dựng đã sáng tác ca khúc “Về với Điện Biên”. Đây là bài hát hưởng ứng cuộc vận động của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “Ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên” (lễ phát động ngày 14/5/2023); cùng “Tháng âm nhạc Bài ca Điện Biên - Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam và UBND tỉnh Điện Biên phát động (19/3/2024).

  • Tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” đến với người dân Hà Nội bằng công nghệ 3D mapping

    (Xây dựng) - Từ tối 3/5 đến hết ngày 7/5/2024, người dân Hà Nội có thể chiêm ngưỡng bức tranh panorama 3D “Chiến dịch Điện Biên Phủ” tại khu vực tượng đài Cảm tử (41 Hàng Dầu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là bức tranh tròn quy mô lớn nhất Đông Nam Á và là một trong những bức tranh đề tài chiến tranh lớn nhất thế giới.

  • Khánh thành bức Phù điêu Bài ca chiến thắng ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

    Bức Phù điêu “Bài ca Chiến thắng” của tác giả Nguyễn Đức Luận, cao 2,7m, rộng 3,7m, có điểm nhấn là hình ảnh đoàn quân chiến thắng, nhân dân các dân tộc Tây Bắc cầm cờ, hoa chào đón bộ đội Cụ Hồ.

  • Những Thủy tổ vùng đất thiêng Kinh Bắc

    (Xây dựng) – Vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc, không chỉ được biết đến là cái nôi của Thủy tổ Quan họ (nơi có đền thờ Đức Vua Bà, người khai sinh ra làn điệu Dân ca Quan họ nổi danh năm Châu) mà ở vùng đất thiêng này, còn là nơi khởi nguồn của rất nhiều Thủy tổ khác.

  • Hạ Long (Quảng Ninh): Khai hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn năm 2024

    (Xây dựng) - Sáng 1/5, tại Cụm Di tích lịch sử Quốc gia Núi Bài Thơ, thành phố Hạ Long, đã diễn ra khai mạc Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn năm 2024. Lễ hội nằm trong chuỗi sự kiện thuộc Tuần Du lịch Hạ Long 2024, nhằm góp phần gìn giữ văn hóa tín ngưỡng và quảng bá, kích cầu du lịch địa phương.

  • Hải Phòng công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Khắc Cẩn

    (Xây dựng) - Tối 01/5, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện An Lão tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Khắc Cẩn.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load