Thứ tư 11/12/2024 22:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Hai phương án giải A kiến trúc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Nhận được sự đồng thuận của nhân dân và giới chuyên môn

16:58 | 24/09/2007

Kết quả ban đầu này phản ánh một thực tế là, công chúng khá đồng thuận với sự đánh giá của Hội đồng tuyển chọn khi cho 2 PA nói trên giải A. Và đây cũng là điều mà chúng tôi ghi nhận được tại hội thảo góp ý cho PA kiến trúc BTLSQG do Thứ trưởng Trần Ngọc Chính chủ trì ngày 21/9, tại Hà Nội.
 
Chọn “Bọc trứng”...
Tại hội thảo, các ý kiến khá tập trung khi đưa ra nhận định: Cuộc thi có chất lượng cao, có nhiều PA hay, ngôn ngữ kiến trúc sáng sủa, đặc biệt là hai PA giải A. Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn một trong 2 PA giải A thì người chọn “Bọc trứng”, kẻ chọn “Bàn tay”. Rất vô tình, các đại diện của ngành văn hoá gồm ông Đặng Văn Bài (Cục trưởng Cục Bảo tồn, Bảo tàng), ông Triệu Văn Hiển (Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam) và ông Phạm Quốc Quân (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) cùng đề xuất chọn PA “Bọc trứng”. Bởi theo họ, ý tưởng “Bọc trứng” phù hợp với nhu cầu của đất nước là đồng thuận, liên kết cộng đồng để phát triển. Quan trọng hơn, xét về công năng, không gian của công trình lớn, sau này các nhà trưng bày có điều kiện tự do sắp đặt hiện vật và dễ dàng thể hiện tuyến trưng bày theo lịch sử suốt từ thời tiền sử cho đến nay...

Các chuyên gia kiến trúc, quy hoạch cũng dành cho PA “Bọc trứng” nhiều thiện cảm như công trình hoành tráng, bề thế, có trục xuyên suốt, không gian lớn... rất thích hợp với công năng của BT. Hay nói như KTS Nguyễn Luận, công trình có vẻ trang nghiêm, hiện đại, nhã và gần với văn hoá phương Đông.
 
... hay “Bàn tay” ?Với những ai cho rằng PA “Bọc trứng” quá đậm đặc, gây ấn tượng nặng nề thì lại rất thích độ phóng khoáng của công trình BT ở PA “Bàn tay”. KTS Đoàn Đức Thành (Hội KTS Việt Nam) nhận định: Nếu sử dụng PA “Bàn tay”, đất nước sẽ có một công trình kiến trúc hiện đại, mới lạ, để đời. Công trình xử lý phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, các hướng lấy ánh sáng tốt... KTS Nguyễn Ngọc Bình (Văn phòng Chính phủ) đồng tình: “PA Bàn tay rất hay, vừa đón được trục ảo (từ trung tâm văn hoá của khu đô thị Tây Hồ Tây - PV) vừa xử lý không gian tài tình, phù hợp với bố cục của khu đất xây dựng công trình. Chỗ đất hẹp công trình được thiết kế hẹp, chỗ đất rộng, công trình được làm xoè. KTS Doãn Minh Khôi cũng đặc biệt đánh giá cao nét mới mẻ của PA “Bàn tay”. Công trình tận dụng được trục thiên nhiên. Các đường nét cong phù hợp với cảnh quan, khiến công trình không quá hoành tráng. Giải pháp này thích hợp với người Việt Nam là khiêm nhường, thân thiện với thiên nhiên.
 
Cả hai PA giải A cần được tiếp tục hoàn thiện
Mặc dù có ưu điểm nổi trội hơn hẳn các PA còn lại nhưng theo các chuyên gia, cả hai PA giải A đều cần phải được nâng cấp, hoàn thiện thêm. KTS Doãn Minh Khôi (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) phân tích: Nhóm tác giả PA “Bọc trứng” chú trọng đến yếu tố phong thuỷ nhưng dường như... ngược. Lối vào to, lối ra hẹp trong khi lý thuyết phong thuỷ lại trọng “nở hậu”, công trình “tựa” vào hồ trong khi phong thuỷ lại nói “đầu đội sơn, chân đạp thuỷ”. Hơn nữa, ý niệm về quả trứng, hay bọc trăm trứng chỉ đẹp khi trọn vẹn. Còn “Bọc trứng” của PA này thì bị cắt một nửa... KTS Nguyễn Luận thì gợi ý: Nhiều người không thích PA “Bọc trứng” vì độ lớn, độ đồng đều của công trình, do vậy PA cần một chút sự biến dị làm giảm sự đồng đều. Một số yếu tố mà các chuyên gia lo ngại là không gian công viên trong PA này dường như bị bỏ quên, giao thông một trục sẽ gặp nhiều khó khăn nếu chẳng may công trình xảy ra sự cố. Đối với PA “Bàn tay”, các chuyên gia e ngại nó chưa “nặng” để chốt trục không gian... 

Đứng ở góc độ nhà chuyên môn về bảo tàng, ông Đặng Văn Bài và Triệu Văn Hiển - cùng băn khoăn: Cả hai PA giải A đều thiết kế công trình trên mặt nước rất rộng. Mà công tác bảo quản (trong kho) và trưng bày hiện vật rất kiêng kỵ các yếu tố như độ ẩm, gió. Vẫn biết công trình sẽ sử dụng những thành tựu khoa học công nghệ để khống chế những yếu tố bất lợi từ môi trường. “Nhưng có cần phải tốn kém trong việc áp dụng công nghệ để chống lại chính môi trường (mặt nước rộng - PV) do chính chúng ta tạo ra?” - ông Đặng Văn Bài nói và đề nghị: Nên thu hẹp mặt nước, vừa dễ bảo quản hiện vật, vừa có thêm không gian ngoài trời để trưng bày. (Tại hội thảo, cả hai PA A đều bị đánh giá là không gian trưng bày ngoài trời không đạt diện tích đầu bài đề ra - PV). Ông Triệu Văn Hiển lo ngại, tuyến xẻ đôi ở giữa công trình của PA “Bọc trứng” được bố trí làm khu trưng bày ngoài trời sẽ rất khó khăn khi trưng bày các hiện vật lớn như công trình kiến trúc, máy bay, xe tăng... Tổng thể toà nhà màu trắng, rất khó thực hiện việc tái tạo các sự kiện lịch sử bằng tia gam-ma.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng cần phải tìm giải pháp hài hoà hơn nữa giữa kiến trúc công trình và cảnh quan khu vực xung quanh, đặc biệt là với  công viên Hữu Nghị và công viên Hoà Bình. Theo nhiệm vụ thiết kế, BT được xây dựng trong công viên Hữu Nghị với diện tích 10 ha. Hồ điều hoà chiếm 10 ha nữa. Như vậy, thực chất diện tích dành cho công viên chỉ còn 8ha. “Với 8 ha thì không thể coi là công viên” - Ông Nguyễn Ngọc Bình nói. Ông Bình đề xuất, nên chăng toàn bộ diện tích của công viên Hữu Nghị được quy hoạch lại thành công viên BT đồng thời nghiên cứu cơ chế như thế nào đó để cộng đồng nhân dân có thể dễ dàng tiếp cận, vui chơi ở công viên BT. Bà Ngô Hồng Hạnh - Giám đốc BQL DA Đầu tư Xây dựng Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội - cung cấp thông tin: Cho đến thời điểm này, công viên Hữu Nghị vẫn chưa lập xong quy hoạch chi tiết. Nếu trong quy hoạch chi tiết không bố trí rừng cây hình chữ S như đề xuất của nhóm tác giả PA “Bọc trứng” thì phải chăng PA sẽ làm phá sản?

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Trần Ngọc Chính một lần nữa nhấn mạnh vai trò đầu hệ của BTLSQG trong hệ thống BT của Việt Nam. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, ghi dấu phát triển của quốc gia trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Do vậy, rất mong muốn công trình sẽ là một tác phẩm kiến trúc đặc biệt... Thứ trưởng Trần Ngọc Chính cho biết: Sau khi triển lãm lấy ý kiến nhân dân, tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, kiến trúc, quy hoạch... ở TP.HCM và Hà Nội, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo trung thực với Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó, Chính phủ chọn một PA tiêu biểu đưa vào xây dựng. Sau khi chọn được PA, Bộ Xây dựng mời các chuyên gia hàng đầu các ngành tiếp tục đóng góp ý kiến hoàn thiện PA, đồng thời mời nhóm tác giả đến tiếp thu, thực hiện nâng cấp./

Hải Vũ

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load