(Xây dựng) – Gần đây một tờ báo điện tử - Cơ quan của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội đưa tin: Ngày 26/6/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với Chủ tịch UBND các huyện thuộc các tỉnh, thành phố có đê cấp 3 đến cấp đặc biệt.
Nhà máy đóng tàu mới và sửa chữa tàu biển Thái Bình Dương được cấp giấy phép xây dựng theo đúng quy định. |
Theo Báo này, ông Phạm Đức Luận – Vụ trưởng Vụ Đê điều, Tổng cục Phòng chống thiên tai phát biểu với báo chí: Trong phát biểu của ông có nêu nhiều vụ vi phạm đê điều ở các tỉnh. Riêng với thành phố Hải Phòng, ông nói: “Đặc biệt, có những vụ vi phạm nổi cộm kéo dài, chưa xử lý dứt điểm như ở Hải Phòng. Cụ thể như vụ vi phạm do Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng cấp phép cho Công ty Thái Bình Dương xây dựng khu nhà xưởng đóng tàu rộng hơn 23.000m2 trên đất bãi đê hữu Văn Úc (huyện Tiên Lãng), Công ty Cổ phần thương mại và xây dựng Minh Sơn xây dựng nhà xưởng khoảng 6.000m2 đất trên bãi đê tả Văn Úc (huyện An Lão)”.
Về vấn đề này, xin được cung cấp thông tin như sau: Dự án của Công ty Cổ phần đóng tàu Thái Bình Dương tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng nhằm xây dựng nhà máy đóng tàu mới và sửa chữa tàu biển có trọng tải 56.000DWT, công suất đóng mới 4 - 6 tàu/năm, sửa chữa 5 - 10 tàu/năm, được triển khai từ năm 2008. Hiện nay, nhà máy đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động từ năm 2015 đạt hiệu quả, nuôi sống hơn 1.500 người lao động, trong đó có đến 150 chuyên gia nước ngoài.
Quá trình xây dựng dự án được tiến hành như sau: Ngày 02/8/2007, UBND thành phố Hải Phòng có Thông báo số 248/TB-UBND về việc khảo sát để nghiên cứu quy hoạch và lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu mới, sửa chữa tàu biển do Công ty Cổ phần đóng tàu Thái Bình Dương làm chủ đầu tư.
Ngày 19/5/2008, UBND thành phố Hải Phòng có Công văn số 2695/UBND-NN về việc xin thỏa thuận về chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy đóng tàu mới, sửa chữa tàu biển Thái Bình Dương tại khu vực ven sông Văn Úc, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
Sau đó, ngày 27/5/2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Công văn số 3234/BNN-ĐĐ cho ý kiến về việc liên quan đến đê điều và phòng chống bão lụt, khi đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu tại bãi ngoài đê hữu Văn Úc, huyện Tiên Lãng.
Đến ngày 01/12/2009, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có Công văn số 1866/CĐTNĐ-PCVT&ATGT về việc thỏa thuận vị trí xây dựng cảng thủy nội địa của Công ty Cổ phần đóng tàu Thái Bình Dương.
Giấy phép số 22/GP-UBND ngày 6/01/2016 của UBND thành phố Hải Phòng về việc xây dựng tu bổ đê và sử dụng hành lang bảo vệ đê, kết hợp giao thông đoạn từ Km11 + 614 đến Km 12 + 326 đê hữu Văn Úc, thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng.
Dự án được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 23/11/2009 với tổng diện tích 176.121,6m2. Mục đích: Xây dựng Nhà máy đóng tàu mới và sửa chữa tàu biển Thái Bình Dương, thời hạn 48 năm. Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 do Viện Quy hoạch Hải Phòng lập, Sở Xây dựng phê duyệt.
Sở Xây dựng tiếp tục ra Văn bản số 2000/SXD-QLQH ngày 25/9/2015 về việc chấp thuận điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Nhà máy đóng tàu mới và sửa chữa tàu biển Thái Bình Dương, trên cơ sở Công văn số 831/SNN-ĐĐ ngày 24/8/2015 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc điều chỉnh quy hoạch dự án đầu tư xây dựng nhà máy.
Ngày 01/02/2008 UBND thành phố có Quyết định số 228/QĐ-UBND về việc phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu mới và sửa chữa tàu biển. Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy số 216/TD-PCCC ngày 26/11/2015 của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hải Phòng.
Không chỉ vậy, còn có Công văn số 1610/SCT-CN ngày 3/02/2016 của Sở Công Thương về việc thông báo kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công Nhà máy đóng tàu mới, sửa chữa tàu biển Thái Bình Dương. Giấy phép xây dựng số 18/GPXD ngày 18/3/2016 của Sở Xây dựng Hải Phòng cấp phép xây dựng cho Công ty Cổ phần đóng tàu Thái Bình Dương. Ngoài ra, còn nhiều văn bản giấy tờ thỏa thuận của các ngành thuộc thành phố, của các bộ, ngành Trung ương đối với dự án này.
Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng, chủ đầu tư đã vi phạm một số vấn đề như: Xây dựng sai giấy phép, có hạng mục xây dựng không có giấy phép. Những sai phạm này đã được các cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật, đồng thời kiến nghị UBND thành phố xử lý chủ đầu tư theo quy định.
Qua nghiên cứu hồ sơ pháp lý của dự án đầu tư xây dựng Nhà máy đóng tàu mới và sửa chữa tàu biển Thái Bình Dương cho thấy, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự án, triển khai thi công xây dựng, đặc biệt là việc cấp Giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng là tuân thủ theo các quy định của pháp luật về xây dựng, các pháp luật có liên quan trong từng thời kỳ.
Duy Nguyên
Theo