Thứ sáu 13/09/2024 04:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Hải Phòng: Bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ

15:15 | 12/05/2020

(Xây dựng) – Vừa qua, khi thăm bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và dự Lễ khởi công xây dựng tuyến đường vào Khu bảo tồn bãi cọc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Bạch Đằng là dòng sông đã đi vào lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Dòng sông là chứng tích lịch sử hùng hồn về thời đại vẻ vang của dân tộc Việt Nam: “Mênh mông một dải Bạch Đằng/Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh”, (Hồ Chí Minh).

hai phong bao ton di tich lich su bai coc cao quy
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

Minh chứng cho một trận địa cổ

Năm 2019, việc phát lộ bãi cọc quý 1.000 năm tuổi tại cánh đồng Cao Quỳ có thể coi là sự kiện văn hóa - lịch sử nổi bật nhất của thành phố Hải Phòng. 27 cọc gỗ có niên đại từ thời nhà Trần được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật, đã đưa đến cho lịch sử Việt Nam một góc nhìn hoàn toàn mới.

Với chiều dài khoảng 20km, nối từ thượng lưu sông Đá Bạc đến cửa biển Nam Triệu, sông Bạch Đằng trong thời kỳ phong kiến luôn giữ trọng yếu về quân sự, giao thương đường thủy. Trên dòng sông này, từ thế kỷ thứ X đến XIII, đã diễn ra 3 trận thủy chiến ác liệt nhất trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam.

Trong cả 3 trận chiến hào hùng đó, địa phận thuộc thành phố Hải Phòng ngày nay là một trong những địa bàn trọng yếu. Phía hữu ngạn sông Bạch Đằng thuộc huyện Thủy Nguyên ngày nay chính là nơi giăng đầy những trận địa cọc, là nơi đóng đại bản doanh của các vị chủ soái, là nơi tích trữ lương thảo, bày binh bố trận và là địa bàn chủ yếu diễn ra các trận đánh. Trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, các nhà khảo cổ cùng nhiều thế hệ lãnh đạo, người dân Hải Phòng đều rất mong muốn tìm thấy một phần của trận địa cọc năm xưa trên mảnh đất Hải Phòng.

Đến đầu tháng 10/2019, người dân địa phương trong lúc đào đất tại cánh tại vùng đê bao sông Đá Bạc, thuộc thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê đã bất ngờ phát hiện 2 thân gỗ chôn sâu dưới lòng đất. Bảo tàng Hải Phòng sau đó đã xuống hiện trường khảo sát, kiểm tra, lấy mẫu cọc gửi Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) giám định niên đại.

Đến đầu tháng 11/2019, đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục xuống hiện trường và phát hiện 9 đầu cọc. Kết quả giám định C14 cho niên đại 1270-1430 AD. Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật di tích cánh đồng Cao Quỳ.

hai phong bao ton di tich lich su bai coc cao quy
Bước đầu Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3, năm 1288.

Trong quá trình khai quật, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiếp tục khảo sát các di tích, dòng sông cổ, bến cổ thuộc xã Liên Khê. Được biết cách đây khoảng 30 năm, khi canh tác trên cánh đồng Cao Quỳ, nhiều người dân đã phát hiện được hàng chục cọc gỗ, có đường kính khoảng từ 35-50cm. Cùng với đó, các di tích của xã Liên Khê, như đền Thụ Khê, chùa Mai Động, chùa Thiểm Khê cũng liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 3.

Kết quả khảo sát và khai quật khảo cổ trên địa bàn xã Liên Khê vừa qua cho thấy, trên diện tích 950m2, với 3 hố khai quật đã phát hiện 27 cọc. Các cọc phân bố không thẳng hàng, theo chiều Đông - Tây, đường kính từ 26-46cm và trên thân có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Nghiên cứu địa tầng cũng cho thấy khu vực xuất lộ cọc là lòng sông bị bồi lấp. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám, có thể được chôn hoặc đóng xuống qua lớp bùn đen lẫn cát hoặc tới lớp trầm tích sét trắng lẫn vàng loang lổ.

Bước đầu Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc trên thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3, năm 1288, để ngăn chặn quân Nguyên Mông không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn, buộc đạo quân này đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng. Từ đó, rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân địch xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông với quốc gia Đại Việt.

Là người trực tiếp tham gia khai quật, PGS.TS Lê Thị Liên - nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học) cho biết: “Bãi cọc Cao Quỳ được phát hiện thực sự là niềm tự hào không chỉ của dân Hải Phòng mà là của cả đất nước. Bởi đây là dấu ấn lịch sử quan trọng, chiến thắng mang tính chất quyết định, chặn đứng tham vọng thống trị thế giới của quân Nguyên Mông. Để phát huy giá trị di tích, ngoài việc bảo tồn thì cần phải tiếp tục thu thập thêm những chứng cứ khảo cổ học, qua đó làm rõ thêm nghệ thuật quân sự tài tình của Trần Hưng Đạo, đã huy động được toàn dân tham gia đánh giặc cùng với thế trận thiên la địa võng”.

Tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới

Với mong muốn hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng đến quần thể di tích bãi cọc Cao Quỳ gắn với chiến thắng Bạch Đằng, UBND thành phố Hải Phòng triển khai xây dựng Khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ.

Đồng thời, thành phố cũng đầu tư xây dựng tuyến đường vào Khu bãi cọc Cao Quỳ, để từng bước hoàn thiện đường vành đai phía Bắc huyện Thủy Nguyên (từ Đường tỉnh 359 tại đầu đập Minh Đức tới Đường tỉnh 352 xã Lại Xuân). Tuyến đường đáp ứng nhu cầu giao thông cho người dân từ Quốc lộ 10 tới khu vực bãi cọc, tạo sự liên kết giữa các Khu di tích dọc theo bờ hữu sông Bạch Đằng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thủy Nguyên nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung.

hai phong bao ton di tich lich su bai coc cao quy
Hải Phòng sẽ đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích Bạch Đằng Giang là Di sản văn hóa thế giới.

Tại buổi lễ khởi công xây dựng tuyến đường vào Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Quần thể di tích khảo cổ học Cánh đồng Cao Quỳ cùng những di tích bãi cọc đời Trần đã phát hiện tại các khu vực lân cận thuộc tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương là những tư liệu, sử liệu vật chất vô giá, là hiện vật độc đáo bổ sung cho phần thiếu khuyết của sử liệu khi nghiên cứu về cuộc chiến chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Đồng thời, phát hiện này cũng mở ra hướng nghiên cứu mới tổng thể, toàn diện, bao quát hơn về quy mô không gian và các địa điểm diễn ra trận chiến của quân và dân nhà Trần năm 1288 trên địa bàn Hải Phòng”.

Ông Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng cho biết: “Dự án xây dựng đường vào và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có tổng mức đầu tư 431 tỷ đồng, quy mô khoảng 15ha với nhiều hạng mục. Trong đó, Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có diện tích khoảng 30.680m² gồm các hạng mục: Cổng chính rộng 20m xây trụ và mái cổng kiểu kiến trúc cổ lợp ngói mũi hài, cánh cổng là gang đúc chi tiết hoa văn; hệ thống tường bao tổng chiều dài 724m xây gạch, mái mũ tường ngói giả cổ; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật có diện tích 360m², 1 tầng theo kiến trúc giả cổ; khu bảo tồn bãi cọc xây dựng mái nhà che khung cột giả cổ diện tích 2.000m².

Tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ có chiều dài 3,488 km, nối Quốc lộ 10 với khu vực bãi cọc thuộc các xã: Lưu Kỳ, Liên Khê; chiều rộng từ 18-22m, trong đó mặt đường rộng 12m, vỉa hè đoạn rẽ vào bãi cọc hè rộng 5m. Cùng với đó, còn có bãi đỗ xe rộng 1ha. Dọc tuyến đường bố trí hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh bóng mát là lim xanh, long não, xà cừ…

Với cách bố trí, trưng bày khoa học về toàn bộ giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ có định hướng, Khu di tích văn hóa - lịch sử này sẽ phát huy vai trò, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, du khách.

“Sự kiện phát hiện bãi cọc Cao Quỳ là một điều kỳ diệu và là di sản lịch sử vô giá mà cha ông để lại. Đây cũng là sự kiện đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân Hải Phòng, làm nức lòng các nhà nghiên cứu lịch sử cũng như nhân dân cả nước. Ngay từ khi bãi cọc Cao Quỳ được phát hiện, Đảng bộ, chính quyền thành phố khẩn trương áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ, đồng thời tiến hành các thủ tục để bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di sản.

Sau khi hoàn thành, Di tích bãi cọc Cao Quỳ cùng Khu di tích Bạch Đằng Giang và hệ thống các di tích khác trở thành quần thể di tích lịch sử văn hóa rộng lớn dọc bờ hữu ngạn sông Bạch Đằng. Trở thành nơi giáo dục tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước của dân tộc của các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự thành công của dự án sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố hoàn thành các thủ tục đề nghị Nhà nước công nhận quần thể di tích Bạch Đằng Giang là Di tích lịch sử văn hóa danh thắng đặc biệt cấp quốc gia, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới”, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành nói.

Đại Vũ

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Trị: Khẩn trương triển khai các dự án thuộc lĩnh vực bảo tồn

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành công văn gửi, chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan của tỉnh, về việc khẩn trương triển khai các dự án thuộc lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.

  • Đạo diễn Mai Thanh Tùng: Dồn hết tâm huyết cho “Vinh quang thầm lặng 2024”

    (Xây dựng) – Vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật "Vinh quang thầm lặng 2024''. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc phòng, tiếp sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình Trung ương và địa phương đã mang đến cho khán giả những phút giây hào hùng, lắng đọng đầy cảm xúc.

  • Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các nghệ sỹ tại Lễ trao giải Cánh diều vàng 2024

    (Xây dựng) - Tối 10/9, tại Nhà hát Đó, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự Lễ trao giải Cánh diều vàng 2024 và trao giải Cánh diều vàng Phim truyện điện ảnh xuất sắc cho phim Mai, đạo diễn Huỳnh Trấn Thành.

  • Sắp diễn ra Triển lãm “Otherwise – Mặt khác”

    (Xây dựng) - Dự án nghệ thuật “Mặt khác – Otherwise” là dự án sáng tạo bởi ba nghệ sỹ hàng đầu trong các lĩnh vực hội họa, văn học và điêu khắc, gồm họa sỹ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt. Triển lãm trưng bày hơn 150 mặt nạ điêu khắc được làm từ chất liệu gốm và giấy bồi, dự kiến khai mạc vào ngày 13/9 tại Hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm. Triển lãm được coi là một lời tri ân của ba nghệ sỹ hàng đầu với nơi họ sinh ra và lớn lên – Hà Nội.

  • Cánh diều vàng 2024: Lan tỏa giá trị nhân văn qua chuỗi hoạt động thiện nguyện

    (Xây dựng) - Nằm trong chuỗi hoạt động của giải thưởng Cánh diều vàng 2024, sáng 10/9, ngay trước thềm lễ trao giải, Ban tổ chức cùng các nghệ sĩ, diễn viên, hoa hậu và đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân đã tham gia thực hiện chương trình thiện nguyện “Chắp cánh yêu thương” tại Làng trẻ em SOS Nha Trang, Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội tỉnh Khánh Hòa.

  • Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO

    Các nhà khoa học trong nước và quốc tế khẳng định Lạng Sơn có đầy đủ giá trị có ý nghĩa toàn cầu để có thể xây dựng, phát triển một công viên địa chất, hướng tới trở thành công viên địa chất toàn cầu.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load