Thứ sáu 19/04/2024 06:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hải Phòng: Đầu tư trên 430 tỷ đồng xây dựng và tôn tạo khu bãi cọc Cao Quỳ

10:01 | 03/03/2020

(Xây dựng) – Thành phố Hải Phòng sẽ đầu tư hơn 430 tỷ đồng triển khai lập đề án quy hoạch, xây dựng và tôn tạo 150ha khu vực bãi cọc liên quan tới cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng thuộc huyện Thủy Nguyên, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử.

hai phong dau tu tren 430 ty dong xay dung va ton tao khu bai coc cao quy
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng và các nhà khoa học thăm bãi cọc Cao Quỳ.

Đó là một trong những nội dung quan trọng được HĐND thành phố Hải Phòng thông qua tại kỳ họp thứ 12 (kỳ họp bất thường) HĐND thành phố Hải Phòng khóa XV nhiệm kỳ 2016 – 2021 vừa qua.

UBND thành phố Hải Phòng khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, khởi công công trình này vào dịp 13/5 Kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Hải Phòng và quyết tâm khánh thành vào cuối năm 2020, chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI theo tinh thần chỉ đạo của Thành ủy.

Trước đó, vào cuối năm 2019, thành phố Hải Phòng phối hợp các nhà khoa học lịch sử và khảo cổ phát hiện bãi cọc gỗ tại thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên). Theo kết quả khai quật và đánh giá, bãi cọc là chứng tích lịch sử quan trọng liên quan đến chiến trận vang dội trong chiến đấu chống quân xâm lược của cha ông ta trên sông Bạch Đằng năm 1288.

Mới đây, việc phát hiện bãi cọc tại thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên càng khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của vùng đất, con người Hải Phòng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta ở thế kỷ thứ XX, thế kỷ thứ XXIII…

hai phong dau tu tren 430 ty dong xay dung va ton tao khu bai coc cao quy
Bãi cọc Cao Quỳ.

Thành phố Hải Phòng xác định, việc khoanh vùng để quản lý, lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan đến di tích lịch sử là một việc quan trọng và cần thiết cả về phương diện lịch sử, văn hóa, khảo cổ và danh thắng. Trong tương lai, cụm di tích này có thể trở thành khu di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng cấp quốc gia, tiến tới có thể đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới… Đây sẽ là một địa chỉ quan trọng để giáo dục tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giữ gìn, bảo vệ độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Thành phố Hải Phòng phân giai đoạn thực hiện dự án để hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng đến quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng tại huyện Thủy Nguyên; xây dựng ranh giới phục vụ nghiên cứu quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng tại huyện Thủy Nguyên; điều chỉnh các quy hoạch liên quan; làm tiền để triển khai các dự án khảo cổ, bảo tồn, phục dựng di tích trở thành khu di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng cấp quốc gia, tiến tới di sản văn hóa thế giới; định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi khoanh vùng.

Trong năm 2020, triển khai dự án khu vực bãi cọc Cao Quỳ với diện tích khoảng 150ha, chia thành hai khu vực. Khu vực 1, lập dự án khu vực trung tâm bãi cọc Cao Quỳ với diện tích gần 15ha, bao gồm: Đường vào bãi cọc mặt cắt nền từ 18m đến 22m, dài hơn 3,4km; bãi đỗ xe kết hợp rừng lim xanh diện tích khoảng 1ha; khu trưng bày hiện vật khảo cổ diện tích 3ha, bao gồm các hạng mục: Khu bảo tồn tại chỗ bãi cọc, nhà đón tiếp, trưng bày, giới thiệu hiện vật, nhà vệ sinh, quảng trường, đường dạo, vườn cây xanh… Tổng mức đầu tư dự án hơn 431 tỷ đồng. Khu vực 2 có diện tích khoảng 135ha, trước mắt giữ nguyên hiện trạng, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp, nghiêm cấm xây dựng mới các công trình…

Trong phạm vi khoanh vùng bảo tồn, ngành chức năng đề nghị hạn chế phát triển công nghiệp, đô thị có quy mô lớn; không cấp phép khai thác khoáng sản đối với các dự án mới; rà soát thu hồi các dự án khai thác khoáng sản đã cấp phép; ưu tiên phát triển du lịch, nông nghiệp gắn với bảo tồn, tiếp tục thực hiện khảo cổ để xác định các di tích liên quan.

Sông Bạch Đằng trên địa bàn thành phố Hải Phòng trải dài từ ngã ba sông Đá Bạc và sông Giá đến bến Rừng. Dọc con sông này có nhiều địa danh và 142 di tích lịch sử liên quan đến ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc như: Đền thờ tướng quân Trần Quốc Bảo, di tích Bạch Đằng Giang, chùa – động Hang Lương, cụm di tích đền - chùa Thụ, đình Trúc Động, chùa Hạ Sơn.

Theo ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng, việc phát hiện, khai quật bãi cọc tại thôn Cao Quỳ xã Liên Khê và thôn 11 xã Lại Xuân huyện Thủy Nguyên khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của vùng đất, con người Hải Phòng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta ở thế kỷ thứ XX, thế kỷ thứ XXII. HĐND thành phố thông qua các Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để các cấp chính quyền thành phố triển khai việc bảo vệ, khảo cổ, lập quy hoạch nhằm bảo tồn, đầu tư xây dựng quần thể các di tích Bạch Đằng trở thành quần thể di tích lịch sử văn hóa – danh thắng cấp quốc gia đặc biệt, tiến tới trở thành di sản văn hóa thế giới.

Sau khi hoàn thành, công trình sẽ là một địa chỉ quan trọng để giáo dục tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giữ gìn, bảo vệ độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đại Vũ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load