Thứ tư 11/09/2024 23:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hải Dương, Hưng Yên phát lệnh báo động III trên sông Hồng, Thái Bình

19:47 | 11/09/2024

(Xây dựng) – Sáng 11/9, các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên ra công điện phát lệnh báo động III trên các tuyến đê sông Hồng và sông Thái Bình.

Hải Dương, Hưng Yên phát lệnh báo động III trên sông Hồng, Thái Bình
Lực lượng cảnh sát giao thông huyện Khoái Châu giúp người dân di chuyển cây cảnh lên vùng an toàn, tránh ảnh hưởng của nước lũ.

Tại Hưng Yên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên đã ra công điện phát lệnh báo động III trên tuyến đê tả sông Hồng kể từ 10 giờ 00 phút ngày 11/9/2024.

Theo công điện, mực nước trên sông Hồng hồi 09 giờ ngày 11/9/2024 tại trạm thủy văn Hưng Yên là 7,02m (trên báo động III là 02cm) và tiếp tục lên. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tài và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát lệnh báo động III trên tuyến đê tả sông Hồng kể từ 10 giờ 00 phút, ngày 11/9/2024.

Yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, thành phố Hưng Yên và các Sở, ngành liên quan thực hiện việc canh gác đê theo cấp báo động; tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc canh gác đê của địa phương.

Chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương án hộ đê, phòng chống thiên tai của địa phương và của ngành theo phương châm “4 tại chỗ”; triển khai các biện pháp phòng, tránh lũ; tăng cường kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nhất là các khu vực dân cư ngoài bãi sông, phải có biện pháp chủ động để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; thường xuyên rà soát, kiểm tra an toàn các tuyến đê bối và có biện pháp tránh vỡ bối đột ngột.

Chủ động, sẵn sàng và triển khai phương án sơ tán dân ngoài vùng bãi sông nhất là ở khu vực nguy hiểm, mất an toàn khi có ngập lụt xảy ra theo phương án của địa phương, không để xảy ra bị động, bất ngờ, chậm trễ dẫn đến thiệt hại người và tài sản; cấm các loại xe cơ giới đi trên đê (trừ xe có giấy phép, xe ưu tiên theo quy định), các bến đò dọc, ngang hoạt động; cảnh báo người dân không đi lại ven sông, nhất là vùng có nguy cơ sạt lở và không được đánh bắt thủy sản trên sông.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hưng Yên triển khai hạ phai đóng hoành triệt các cửa khẩu qua đê trên địa bàn; với chiều cao hoành triệt kể từ đáy cửa khẩu trở lên phù hợp theo tình hình, diễn biến của lũ. Đồng thời, các Sở, ngành, địa phương cần kiểm tra, rà soát các công trình đang thi công liên quan đến an toàn đê điều; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân lực ứng phó sự cố xảy ra để đảm bảo an toàn chống lũ…

Trước đó, tỉnh Hải Dương cũng phát lệnh báo động III trên sông Thái Bình từ lúc 7 giờ sáng ngày 11/9.

Hải Dương, Hưng Yên phát lệnh báo động III trên sông Hồng, Thái Bình
Nước sông Thái Bình đã vượt báo động III.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã, các cấp, ngành triển khai lực lượng, thực hiện nghiêm ngặt tuần tra canh gác đê điều và thường trực, trực ban chống lụt theo cấp báo động, phát hiện và xử lý kịp thời mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống ngay từ giờ đầu.

UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện ngay việc cảnh báo đến các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng, tránh; xác định các khu vực cụ thể có các hộ dân sinh sống ngoài bãi sông không bảo đảm an toàn (kể cả trong các đê bối) để triển khai ngay phương án di dời người và tài sản, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân; thu hoạch, di dời các lồng bè nuôi cá trên sông về nơi an toàn, trường hợp không thể di dời phải gia cố lồng bè và có giải pháp cụ thể bảo đảm an toàn, đặc biệt là an toàn tính mạng nhân dân; di chuyển người, tài sản, các vật cản khác ngoài bãi sông để bảo đảm an toàn, thoát lũ sông.

Triển khai lực lượng, thực hiện nghiêm công tác tuần tra canh gác trên các tuyến đê bảo đảm từng vị trí đê đều phải có người kiểm tra, chịu trách nhiệm. Tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến đê điều, đặc biệt chú ý kiểm tra kỹ các cống dưới đê, các khu vực đê sát sông, các trọng điểm xung yếu, các kè, bờ lở, các công trình tu bổ đê điều vừa hoàn thành; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý, ứng phó mọi tình huống, bảo đảm an toàn cho công trình đê điều.

Tổ chức cấm tất cả các phương tiện đi trên đê trong thời gian báo động lũ, trừ các phương tiện được phép đi trên đê, quản lý chặt chẽ xe chạy trên đê theo quy định; cấm hoạt động của các đò ngang; phát quang mái đê, mặt đê để bảo đảm hiệu quả công tác tuần tra canh gác đê, phát hiện các sự cố, rò rỉ, hư hỏng.

Rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án bảo vệ trọng điểm công trình đê điều đã duyệt, đặc biệt là phương án chống tràn cho các vị trí đê thấp cục bộ; rà soát các điểm xung yếu, các vị trí đê sát sông, chân đê là đầm, ao, ruộng trũng tiềm ẩn khả năng xuất hiện các sự cố. Kiểm tra việc đóng kín các cống dưới đê. Thực hiện nghiêm quy định về đóng, mở cống dưới đê trong mùa lũ; đóng kín các mố phai qua đê, các đoạn đê bị hạ thấp bảo đảm an toàn đê điều.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức việc thường trực, trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phải trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo tại địa bàn đã được phân công. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, các xã, phường phải lên đê để thường trực chỉ huy ứng cứu tại chỗ.

Hoãn các cuộc họp chưa cần thiết, các cấp ủy Đảng và chính quyền phải coi công tác phòng chống lụt là nhiệm vụ trọng tâm đột xuất để tập trung chỉ đạo, hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.

Chủ tịch UBND cấp huyện, thủ trưởng các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với mưa lũ dẫn tới sự cố công trình không kịp thời phát hiện gây sự cố nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Vị Thủy

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load