Vào một chiều cuối hạ, cái nóng còn rất gay gắt, đến thăm một người bạn ở trung tâm thị tứ Thanh Quang, huyện Nam Sách, Hải Dương. Đón khách trong trạng thái nhễ nhại mồ hôi, nhưng chiếc điều hòa nhà anh không chạy, chẳng phải do tính tiết kiệm điện thời đắt đỏ này mà muốn dùng cũng chẳng được vì điện quá yếu. Thậm chí đến chiều muộn, chiếc đèn tuýp ở phòng khách cũng không bật lên được mà phải chờ đến khoảng 8 giờ tối mới bật được vì khi ấy điện mới đủ điện thế. Anh chủ nhà phân bua với khách như vậy. Anh còn cho biết thêm, đường điện nhà anh mới được Cty Dịch vụ điện của xã lắp đặt, mà muốn lắp đặt đường điện này anh phải trả cho ông thợ điện 1 triệu đồng tiền “hòa mạng” cùng một chiếc công tơ đo đếm điện, còn lại dây điện anh phải đi mua và phải bồi dưỡng ông thợ điện đến mắc công tơ là 150 nghìn đồng. Dù thời gian này ngành Điện không phải tiết giảm điện nhưng cả xã vẫn mất điện vài lần, mỗi lần vài chục phút là chuyện thường ngày, lý do cũng không được biết?
Đường điện sinh hoạt do một tổ chức kinh doanh dịch vụ điện quản lý
tại xã Thanh Quang, Nam Sách, Hải Dương.
Chất lượng điện rất kém
Tại sao người dân ở đây phải chịu tình cảnh điện đóm phập phù như thế? Ông Nguyễn Phúc Dũng - Phó phòng kinh doanh điện nông thôn Cty TNHH MTV Điện lực Hải Dương (gọi tắt là Cty ĐLHD) cho biết. Hải Dương là tỉnh đồng bằng hiện có 263 xã, phường và thị trấn với tổng số hơn 458 nghìn hộ dân, trong đó có 234 xã với hơn 382 nghìn hộ dân nông thôn. Tất cả các hộ dân thành thị, nông thôn ở Hải Dương đều 100% có điện. Từ tháng 3/2009, Cty đã được UBND tỉnh chấp thuận cho phép triển khai Đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và bán điện đến hộ dân ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên với chủ trương “Để tạo sự bình đẳng trong mua bán điện cho nhân dân toàn tỉnh, đảm bảo cung cấp điện chất lượng cao nhất là khu vực nông thôn”, tháng 8/2008, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đã ra thông báo ý kiến chỉ đạo và UBND tỉnh cho ý kiến kết luận chỉ đồng ý cho Cty ĐLHD tiếp nhận lưới điện hạ thế của các địa phương để bán điện trực tiếp đến hộ dân với điều kiện: “Việc giao nhận phải được sự thống nhất của Đảng ủy, HĐND, UBND và đơn vị quản lý lưới điện xã… Việc bàn giao hệ thống lưới điện của các xã cho ngành Điện phải trên cơ sở tự nguyện của nhân dân, không áp đặt?!” Chính vì sự chỉ đạo nửa vời trên (vì có rất nhiều đơn vị quản lý lưới điện xã làm ăn kém hiệu quả nhưng chỉ vì lợi ích nhóm đã không đồng tình với chủ trương bàn giao lưới điện cho Cty ĐLHD quản lý và họ không bàn giao. Vì thế việc thực hiện Đề án đến nay, toàn tỉnh Hải Dương vẫn còn 45 xã hiện do các HTX kinh doanh dịch vụ điện tại các xã và các tổ chức khác tham gia quản lý, không giao cho Cty ĐLHD. Ở những xã này, mô hình tổ chức quản lý điện nông thôn mặc dù được phép thành lập theo quy định, đã quản lý bán điện ở nông thôn trong thời gian và cũng đã đáp ứng được một phần cơ bản nhu cầu sử dụng điện của hộ dân nông thôn, nhưng vẫn còn những tồn tại mà không thể khắc phục được, đó là trình độ quản lý, chuyên môn tay nghề thấp; Tổn thất điện năng quá cao gây lãng phí điện năng và làm tăng giá bán điện; Không có kinh phí để đầu tư xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp lưới điện nên không đảm bảo chất lượng điện năng, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt của dân hiện tại và lâu dài; Việc quản lý, bán điện không theo đúng Luật Điện lực và nghị định của Chính phủ. Cũng do chưa được đầu tư nâng cấp lưới điện hạ áp, vì thế chất lượng điện ở những địa phương chưa được cải thiện để đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Còn tình trạng vi phạm giá điện
Thắc mắc về chất lượng điện của người bạn tôi là do xã Thanh Quang là một trong số 45 xã mà lưới điện nông thôn do các HTX kinh doanh dịch vụ điện tại các xã và các tổ chức khác tham gia quản lý.
Theo ông Chánh thanh tra Sở Công Thương Hải Dương thì qua thanh tra tại những xã trên, thì tình trạng vi phạm về giá điện diễn ra phổ biến.
Đối với các xã thuộc Cty ĐLHD quản lý, ngay sau khi tiếp nhận LĐHANT từ năm 2008 đến nay, Cty đã thực hiện các dự án cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp, đầu tư xây dựng các đường dây và trạm biến áp chống quá tải cho các xã đã tiếp nhận để đảm bảo kỹ thuật an toàn và đáp ứng yêu cầu cấp điện, sử dụng điện và đạt tiêu chí 4 (về điện) về xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí đầu tư của Cty từ năm 2008 - 2012 để nâng cấp hệ thống lưới điện cho các xã được Cty tiếp nhận quản lý là hơn 450 tỷ đồng. Riêng 6 tháng cuối năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 Cty có kế hoạch đầu tư và được phê duyệt gần 300 tỷ đồng. Do lưới điện được quản lý vận hành chuyên ngành và đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo nâng cấp nhiều nên lưới điện hạ áp nông thôn được vận hành đảm bảo an toàn, chất lượng điện năng được cải thiện rõ rệt, tổn thất điện năng lưới điện hạ áp ở khu vực tiếp nhận đã giảm từ 30 - 33% đến nay xuống còn 12,23 % (tính đến ngày 30/6/2013).
Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, tại Quyết định 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 Thủ tướng yêu cầu: “Bán điện trực tiếp đến tất cả các khách hàng sử dụng điện”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo Cty đẩy mạnh việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng điện, Cty ĐLHD đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Hải Dương và đề nghị cho ý kiến chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương bàn giao tiếp lưới điện hạ áp của 45 xã, thị trấn và một số thôn còn lại cho Cty ĐLHD quản lý và bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn trong năm 2013. Tuy nhiên một lần nữa chủ trương bàn giao lại tiếp tục được trì hoãn. Trong thông báo ý kiến kết luận của chủ tịch UBND tỉnh ngày 05/8/2013 về chủ trương này thì UBND tỉnh chỉ đạo: Về đề xuất của Cty về bàn giao các xã còn lại cho Cty ĐLHD tiếp nhận và quản lý, giao Sở Công Thương rà soát các quy định hiện hành, đề xuất để UBND tỉnh xem xét quyết định sau?!
Vậy là với chỉ đạo để lại xem xét sau, người dân ở 45 xã nêu trên của tỉnh Hải Dương tiếp tục chịu cảnh phải bỏ tiền để mua dịch vụ về điện chất lượng kém cũng không biết kêu ai.
Hoàng Linh
Theo baoxaydung.com.vn