(Xây dựng) - Ngày 01/11/2012, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định số 2519/QĐ-UBND về chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn từ ngày 01/01/2016.
Riêng các lò có xử lý khói bụi bằng nước vôi (lò úp vung) và các lò gạch thủ công không đủ các điều kiện (về quy hoạch, cấp phép, nguồn nguyên liệu…) theo quy định thì phải chấm dứt hoạt động sản xuất từ ngày 01/01/2013.
Đây là chương trình nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu không nung, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, tiết kiệm tài nguyên đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trên thực tế, tỉnh Hải Dương đã giảm được gần 50% tổng số lò gạch thủ công. Hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh tổng công suất thiết kế của các đơn vị sản xuất gạch xây là 1874,9 triệu viên QTC/năm, cao gần gấp đôi so với nhu cầu hiện tại và cao hơn 20% so với nhu cầu sử dụng vào năn 2020. Trong đó gạch nung Tuynel là 855 triệu viên QTC/năm, gạch thủ công là 640 triệu viên QTC/năm và gạch xây không nung là 379,9 triệu viên QTC/năm.
Thời hạn tỉnh Hải Dương quy định chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công đã cận kề. Nhưng theo báo cáo tổng hợp của cơ quan chức năng hiện vẫn còn hơn một trăm lò gạch thủ công chưa dừng sản xuất do các chủ lò còn chần chừ, hy vọng đề nghị gia hạn thêm thời gian sản xuất sẽ được cấp có thẩm quyền chấp nhận.
Thời gian qua, chính quyền các cấp và các ngành chức năng của tỉnh Hải Dương đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm các chủ lò có vi phạm.
Ngày 23/9/2015, UBND tỉnh Hải Dương đã có công văn số 2200/UBND-VP yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng thực hiện nghiêm Quyết định số 2519/QĐ-UBND ngày 01/11/2012 của UBND tỉnh. Nếu sau ngày 01/01/2016 địa phương nào vẫn còn có các lò gạch thủ công hoạt động thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Xuân Sơn
Theo