(Xây dựng) - UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 2805/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Kỳ Anh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Với những thế mạnh và tiềm năng sẵn có, vùng huyện Kỳ Anh được Hà Tĩnh quy hoạch để trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ vùng phía Nam của tỉnh.
Hà Tĩnh quy hoạch vùng huyện Kỳ Anh trở trung tâm thương mại, dịch vụ vùng phía Nam của tỉnh. |
Theo đó, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Kỳ Anh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 có diện tích tự nhiên 760,27km2. Ranh giới cụ thể có phía Bắc giáp huyện Cẩm Xuyên; phía Nam giáp thị xã Kỳ Anh; phía Tây giáp tỉnh Quảng Bình; phía Đông giáp biển Đông.
Theo quy hoạch, dự báo đến năm 2040, đất phát triển đô thị tăng thêm 10.000 - 15.000ha; đất phát triển các điểm dân cư nông thôn tăng thêm 1.500 - 2.000ha; đất dịch vụ, công cộng ngoài đô thị tăng thêm 200-700ha; đất du lịch tăng thêm 550-800ha; đất công nghiệp tăng thêm 150-250ha.
Dự báo đến năm 2050 (so với năm 2040), đất phát triển đô thị tăng thêm 1.000 - 5.000ha; đất phát triển các điểm dân cư nông thôn tăng thêm 500-1.000ha; đất dịch vụ, công cộng ngoài đô thị tăng thêm 200-500 ha; đất du lịch tăng thêm 300-500ha; đất công nghiệp tăng thêm 100-200ha.
Đồ án quy hoạch định hướng phát triển 5 vùng đô thị tại vùng huyện Kỳ Anh, gồm: Đô thị Kỳ Đồng; đô thị Kỳ Xuân; đô thị Kỳ Phong; đô thị Lâm Hợp; đô thị Kỳ Trung.
Cụ thể, đô thị Kỳ Đồng được định hướng đến năm 2025 đạt đô thị loại V, với tính chất là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, thương mại dịch vụ của huyện Kỳ Anh. Đô thị Kỳ Xuân được định hướng đến năm 2030 đạt đô thị loại V, với tính chất là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch biển. Đô thị Kỳ Phong được định hướng đến năm 2030 đạt đô thị loại V, với tính chất là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghiệp.
Đô thị Lâm Hợp được định hướng đến năm 2030 đạt đô thị loại V, với tính chất là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, logictis, đầu mối phía Tây Nam của huyện. Đô thị Kỳ Trung được định hướng đến năm 2030 đạt đô thị loại V, với tính chất là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch, thể dục thể thao kết hợp cảnh quan.
Quy hoạch xây dựng 5 cụm công nghiệp tại huyện Kỳ Anh gồm: Cụm công nghiệp Kỳ Phong; Cụm công nghiệp Đồng Khang; Cụm công nghiệp Kỳ Khang; Cụm công nghiệp Kỳ Tân; Cụm công nghiệp Lâm Hợp.
Quy hoạch các vùng phát triển năng lượng tái tạo ở các khu vực có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu tại Kỳ Xuân, Kỳ Khang, Kỳ Phú, Kỳ Lạc, Kỳ Sơn, Kỳ Tân...
Nội dung quan trọng nữa trong quyết định này là phân vùng phát triển trung tâm kinh tế tại huyện Kỳ Anh, với định hướng 4 tiểu vùng, gồm: Tiểu vùng 1 - Vùng kinh tế tiệm cận đô thị phía Nam; Tiểu vùng 2 - Vùng kinh tế phía Tây Nam; Tiểu vùng 3 - Vùng kinh tế biển; Tiểu vùng 4 - Vùng kinh tế trung tâm theo trục Quốc lộ 1.
Cụ thể, Tiểu vùng 1 - Vùng kinh tế tiệm cận đô thị phía Nam, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của đô thị thị xã Kỳ Anh, Khu kinh tế Vũng Áng, các vùng phụ cận sẽ có cơ sở, tiền đề để phát triển các dịch vụ hỗ trợ đô thị như: Hạ tầng, thương mại dịch vụ, sản xuất nông nghiệp chất lượng cao cung ứng cho đô thị và Khu kinh tế Vũng Áng. Bên cạnh đó với lợi thế tuyến đường tránh Quốc lộ 1 đi qua đô thị Kỳ Anh, nút giao đường bộ cao tốc Bắc - Nam tại xã Kỳ Tân tạo ra động lực phát triển dịch vụ vận tải, trung chuyển hành khách, logistic…
Trong tiểu vùng 1 có khu vực nút giao cao tốc: Là vùng đặc thù, hình thành sau khi đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua khu vực bố trí nút giao, quy hoạch thành vùng phát triển hỗn hợp thương mại dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, công viên cây xanh, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, khu ở dân cư và các chức năng khác phù hợp.
Tiếp đến, Tiểu vùng 2 - Vùng kinh tế phía Tây Nam, phát triển kinh tế rừng, vườn đối với các sản phẩm: Cây nguyên liệu, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao,… bên cạnh việc phát triển đô thị miền núi, thương mại dịch vụ, đầu mối giao thương sản phẩm sản xuất cho người dân địa phương, logistic. Ngoài ra cùng với dự án thủy lợi Rào Trổ, Khu di tích quốc gia Lũy đá cổ ở Kỳ Lạc, cảnh quan rừng núi cũng là động lực phát triển du lịch, thương mại dịch vụ cho vùng này.
Đối với Tiểu vùng 3 - Vùng kinh tế biển, khu vực này thuận lợi cho việc phát triển du lịch, dịch vụ, kinh tế biển với các loại hình như dịch vụ nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ, đánh bắt, nuôi trồng, thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Dọc theo trục đường ven biển, khai thác quỹ đất để hình thành khu vực phát triển dịch vụ công nghiệp hỗ trợ Khu kinh tế Vũng Áng, đón đầu nhu cầu phát triển mở rộng của Khu kinh tế.
Cuối cùng Tiểu vùng 4 - Vùng kinh tế trung tâm theo trục Quốc lộ 1, khu vực đã có quá trình hình thành lâu dài và là trục phát triển thương mại chính của huyện Kỳ Anh. Trên cơ sở hiện trạng cùng với việc phát triển của các đô thị và vùng kinh tế dọc theo trục Quốc lộ 1, khu vực trung tâm này vẫn sẽ là vùng kinh tế quan trọng cho huyện Kỳ Anh với lợi thế phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao…
Quy hoạch định hướng phát triển vùng huyện Kỳ Anh đa dạng dựa trên các điều kiện tự nhiên, đặc điểm địa lý, lợi thế riêng của từng tiểu vùng nhằm khai thác phát huy những tiềm năng của các vùng: Vùng Tây Nam (vùng thượng), vùng ven biển, vùng trung tâm, vùng cận đô thị.
Cùng với đó, đón đầu việc mở rộng Khu kinh tế Vũng Áng ra phía huyện Kỳ Anh, sẵn sàng trở thành một phần của Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh. Phát triển xã Kỳ Đồng trở thành đô thị trung tâm của huyện; các đô thị Kỳ Phong, Kỳ Trung, Kỳ Xuân, Lâm Hợp trở thành các đô thị động lực cho các tiểu vùng. Phát triển bền vững, đồng đều giữa các vùng, có mũi nhọn trong cơ cấu ngành kinh tế và thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Vân Hà
Theo