(Xây dựng) - Nhiều năm nay, thực trạng bồi lắng luồng lạch tại các cảng cá ở Hà Tĩnh liên tục diễn ra nghiêm trọng; không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi mà còn gây ra nhiều nguy hiểm khi các tàu, thuyền đi tìm bến neo đậu để tránh trú bão.
Đường dẫn vào nơi neo đậu của cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà), bị bồi lắng nghiêm trọng khiến người dân bất an. |
Cảng cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà) là một trong những cảng cá ở Hà Tĩnh, được nhiều chủ tàu cá đánh bắt xa bờ lựa chọn trở về sau mỗi chuyến ra khơi, do ở đây có vị trị thuận lợi, việc bán thủy sản cũng dễ dàng và được giá hơn các nơi khác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây vì luồng lạch bị bồi lắng, khiến tàu thuyền ra vào cảng gặp nhiều khó khăn. Tại đây, nhiều tàu cá đã bị mắc cạn ở luồng ra vào dẫn đến hư hỏng chân vịt, tài sản. Hầu hết các tàu cá có công suất từ 90CV trở lên khi vào cảng lên hàng, phải neo đậu ở ngoài cửa biển và thuê thuyền nhỏ vận chuyển tăng bo thủy sản vào bán rồi lấy vật chất, hàng hóa khi đi biển. Một số tàu sau khi vào bốc hàng thường xuyên bị mắc cạn, nghiêng khi cập cảng, phải chờ lúc thủy triều lên mới di chuyển được.
Ước tính, mỗi đợt xảy ra thiên tai thì cảng cá Cửa Sót đón khoảng 300 tàu thuyền/1.300 ngư dân vào neo đậu tránh trú. Tuy nhiên, tình trạng bồi lắng nghiêm trọng đang xảy ra ở nhiều vị trí khiến tàu thuyền ra vào khó khăn, nguy hiểm, nhất là khi trời tối, thủy triều xuống. Đặc biệt, khi có mưa bão, nhiều tàu lớn không thể vào vị trí tập kết, vất vả trong việc tìm nơi neo đậu an toàn.
Ông Lê Bá Khỏe, chủ tàu NA – 90213 TS, Nghệ An cho biết: Các luồng lạch có phao số 0, đây đi bằng kinh nghiệm dân gian, thói quen của bà con ngư dân. Nếu vào đêm cũng phức tạp, trời sóng gió vào cạn gãy lái, có thể bỏ tàu. Tàu lớn ít vào đây.
Tình trạng bồi lắng tại cảng cá Xuân Hội ngày càng nghiêm trọng. |
Còn tại cảng cá Xuân Hội, huyện Nghi Xuân mặc dù được đưa vào khai thác từ 2014, nhưng đến nay các luồng vào cảng vẫn chưa được nạo vét lần nào. Tình trạng bồi lắng đang diễn ra rất nhanh. Hiện, trong 4 phân đoạn cầu cảng chỉ còn một phân đoạn tàu thuyền có thể ra vào, neo đậu. Do đó, tàu thuyền mắc cạn, hỏng chân vịt, nghiêng thân tàu... diễn ra thường ngày. Những bãi bồi kéo dài đến luồng ra vào của khu neo đậu tránh trú bão, cho tàu cá Xuân Hội có nguy cơ xảy ra tắc luồng. Nên việc kêu gọi tàu thuyền vào bốc dỡ hàng hóa và trú bão gặp không ít khó khăn.
Tình trạng bồi lắng cũng diễn ra nhiều năm nay ở khu vực cửa lạch và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên). Mỗi khi có thiên tai, khoảng 160 tàu cá với hơn 700 ngư dân luôn trong tình trạng chật vật tìm nơi tránh trú. Vì luồng cạn nên chỉ có thuyền nhỏ của ngư dân bản địa (Cẩm Nhượng, Thiên Cầm...) vào được khu neo đậu, còn các tàu công suất lớn thì phần lớn đều phải chạy sang các tỉnh khác để đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Đình Thành - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Hà cho hay: Tỉnh đã có dự án đầu tư trên 20 tỷ đồng để nạo vét luồng lạch để tàu thuyền đi lại dễ hơn phục vụ cho kinh doanh, buôn bán, đánh bắt hải sản trên biển. Đặc biệt tàu thuyền cấp hàng cho cảng cá.
Hiện nay, một số địa phương tại Hà Tĩnh đã được phê duyệt nguồn kinh phí để nạo vét luồng lạch. Nhưng còn nhiều nơi khác do nguồn ngân sách hạn hẹp, nên tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý cảng cá Hà Tĩnh lập dự án theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, các dự án này đang bị ngưng trệ.
Lãnh đạo Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết, đã có kế hoạch xã hội hóa việc nạo vét các luồng, vùng nước neo đậu ở cảng Cửa Sót. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số khó khăn. Trong thời gian tới, hi vọng sớm tháo gỡ khó khăn để bà con ngư dân ra vào thuận tiện.
Lê Minh - Phương Dung
Theo