Thứ sáu 26/04/2024 03:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng

21:15 | 23/09/2021

(Xây dựng) - Đó là chủ đề của Diễn đàn trực tuyến do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào chiều 23/9. Diễn đàn nhằm thảo luận những nội dung từ diễn biến thị trường và cơ hội mua nhà, đầu tư sinh lời hấp dẫn.

ha p lu c mo i tu chuo i do thi ven song ho ng
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Bất động sản trực tuyến “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế thì thị trường bất động sản vẫn là một trong những điểm sáng.

Nhiều xung lực, cơ hội mới cho thị trường bất động sản

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp trong ngành Bất động sản vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, không ít doanh nghiệp niêm yết ghi nhận lợi nhuận đáng kể. Đặc biệt, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục nhận được nhiều xung lực phát triển mới từ một loạt nhân tố.

Theo đó, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, sự điều chỉnh nhiều thể chế về xây dựng và kinh doanh bất động sản, về cơ cấu cung - cầu và tăng cường áp dụng công nghệ tiếp thị, chính sách khuyến mại trong phân phối và khai thác sản phẩm bất động sản. Đặc biệt, việc kéo dài thời gian nộp thuế và giảm bớt gánh nặng các nghĩa vụ tài chính liên quan đến dịch Covid-19 đang được thực hiện cho cả năm 2020 - 2021 cũng giúp ngân hàng và doanh nghiệp có thêm nguồn lực giá rẻ cho hỗ trợ tài chính trong kinh doanh bất động sản.

Năm 2021 đang là thời điểm lãi suất thấp nhất trong 15 năm qua. Lãi suất hạ luôn là xung lực tốt cho thị trường bất động sản do giúp giảm được chi phí vốn và điều kiện trả nợ, do đó các hộ gia đình, người trẻ sẽ thuận lợi để mua nhà hay đầu tư.

Trong bối cảnh đó, vùng Thủ đô Hà Nội, với vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng bậc nhất, là trung tâm của cả nước có thể nói là “đầu tàu” của thị trường bất động sản cả nước và “đầu tàu” ấy, sắp tới hứa hẹn sẽ tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa khi rất nhiều doanh nghiệp nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước đang rất kỳ vọng vào Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt và ban hành, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

ha p lu c mo i tu chuo i do thi ven song ho ng
KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Diễn đàn.

Nâng tầm đô thị, thu hút đầu tư

Tại Diễn đàn, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, có một điều quan trọng: Sông Hồng sẽ là một trục cảnh quan quan trọng nhất của Thủ đô trong bố cục quy hoạch Thành phố Hà Nội.

Việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập và dự kiến sẽ có thể được phê duyệt vào cuối 2021 là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng kể trên của con sông này, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô.

Trước đây, đồ án quy hoạch của Hàn Quốc cho Hà Nội được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, từ năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội thì quy hoạch trên không còn phù hợp. Đặc biệt, nhiều đoạn sông chưa được quản lý tốt; hạ tầng điện, nước, thoát nước nhiều khu vực ven sông chưa đồng bộ, còn yếu kém và thiếu quy hoạch tầm nhìn nên chưa thu hút được đầu tư. Ngoài ra, có hiện tượng lấn chiếm tự phát của người dân nên khu vực ven sông Hồng chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình trong phát triển kinh tế, xã hội.

Do đó, Thành phố Hà Nội rất cần quy hoạch sông Hồng, quy hoạch được phê duyệt càng sớm càng tốt để đón nhận đầu tư. Chắc chắn sau khi có quy hoạch tốt, đồng bộ, diện mạo đô thị hai bên bờ sông Hồng sẽ thu hút rất mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bà Nguyễn Lan Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội nhận định: Quy hoạch phân khu sông Hồng được phê duyệt là cơ sở pháp lý phục vụ công tác quản lý và xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch. Đây cũng là cơ hội để hình thành nên diện mạo mới cho Thủ đô – sông Hồng sẽ là không gian cảnh quan chủ đạo của Hà Nội, là điểm đến hấp dẫn cho mọi người dân trong nước và du khách quốc tế. Quy hoạch sông Hồng là vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội. Từ trước đến nay, Hà Nội đã triển khai rất nhiều các quy hoạch phân khu nhưng đến nay việc xây dựng hai bên sông Hồng vẫn bỏ ngỏ vì thiếu cơ sở pháp lý.

ha p lu c mo i tu chuo i do thi ven song ho ng
Bà Nguyễn Lan Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội tại diễn đàn.

Hà Nội đã triển khai nghiên cứu, xây dựng quy hoạch phân khu đô thị hai bên bờ sông Hồng từ nhiều năm nay nhưng chưa thành hiện thực. Với diện tích vùng này, Hà Nội đã có đầy đủ điều kiện để xây dựng một thành phố đa chức năng trong nhiều thập niên tới. Và với điều kiện đó, Hà Nội không cần phải chất tải, xây quá nhiều nhà cao tầng dọc sông Hồng nữa.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá: Đô thị sông Hồng là đồ án quy hoạch rất quan trọng, khi được phê duyệt sẽ có tính pháp lý, là cơ sở lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất hai bên bờ sông… Vì vậy, một quy hoạch chi tiết với thiết kế đô thị hiện đại, sáng tạo, thông minh và có bản sắc văn hóa cùng những chính sách phát triển minh bạch, tạo điều kiện trong đấu thầu sử dụng đất, trong đầu tư phát triển bất động sản, thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế...

Thế mạnh đến từ cơ sở hạ tầng

Ông Hoàng Đình Khiêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển địa ốc Vietstarland cũng cho rằng, trong quy hoạch đô thị sông Hồng, yếu tố nền tảng cốt lõi vững chắc nhất chính là hạ tầng giao thông. Theo quy hoạch phát triển giao thông Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có 10 cây cầu được xây mới và bổ sung qua sông Hồng. Khi hạ tầng khu vực bứt phá mạnh mẽ, giá trị bất động sản cũng liên tục được tăng trưởng theo từng năm.

ha p lu c mo i tu chuo i do thi ven song ho ng
Ông Hoàng Đình Khiêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển địa ốc Vietstarland phát biểu tại Diễn đàn.

Ở khía cạnh thị trường, ông Khiêm cho biết, khi dịch bệnh ập đến cũng khiến tư duy người mua nhà thay đổi rất nhiều. Thứ nhất, đối với khách hàng mua nhà để ở. Khi dịch ập đến, người mua quan tâm nhiều đến các rủi ro, nhất là rủi ro về sức khỏe, cộng thêm thời gian giãn cách kéo dài, đồng nghĩa với việc phải ở nhà nhiều hơn, có khi là 24/24. Lúc này người mua nhà có xu hướng dịch chuyển ra các khu đô thị vùng ven đô, họ chấp nhận đi xa hơn một chút để được sống tại nơi có không gian sống trong lành, đầy đủ tiện nghi.

Trên thực tế tại các khu vực ven đô, nằm quanh bán kính trung tâm Hà Nội khoảng 5 - 15km, nhất là khu Đông Hà Nội – nơi có quỹ đất lớn, có thế mạnh về cảnh quan, về hệ sinh thái, đã và đang hiện hữu các khu đô thị lớn, được thiết kế như những khu nghỉ dưỡng, với mật độ cây xanh và mặt nước khổng lồ, không gian yên bình giữa thiên nhiên, mật độ cư dân thấp là sự lựa chọn số một giữa mùa Covid-19.

Thứ hai, đối với các nhà đầu tư. Nếu như trước dịch, các nhà đầu tư Hà Nội có xu hướng "đánh bắt xa bờ", chuộng dòng bất động sản nghỉ dưỡng tại các thành phố du lịch thì khi dịch bệnh ập đến, họ nhận ra rằng, các thị trường nghỉ dưỡng truyền thống không còn là lựa chọn lý tưởng nhất vào thời điểm này bởi không ai biết được dịch có thể quay lại vào lúc nào, trong khi con người thì luôn có nhu cầu tận hưởng, thư giãn, giải trí.

Do đó, họ chuyển hướng sang đầu tư các mô hình bất động sản thích ứng kịp thời với thị hiếu của thị trường như bất động sản ven đô, bất động sản chăm sóc sức khỏe, bất động sản du lịch tại chỗ, all in one.

ha p lu c mo i tu chuo i do thi ven song ho ng
Diễn đàn Bất động sản trực tuyến “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.

Thị trường bất động sản sẽ như một chiếc lò xo bật tung sau mùa dịch bởi rất nhiều tác động khách quan. Bằng chứng là chứng khoán tăng giảm thất thường, rất khó đoán định; lãi suất huy động tiết kiệm cũng giảm thêm 0,1 - 0,2%. Trong khi đó, bất động sản chỉ có 2 xu hướng hoặc đứng yên, hoặc tăng giá, nhất là trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu, sắt thép vẫn không có dấu hiệu dừng lại thì xu hướng tăng giá là tất yếu. Chưa kể, đây còn được xem như tài sản đảm bảo cho tương lai, là của để dành cho thế hệ con cháu. Vậy nên, bất động sản vẫn có hấp lực rất lớn đối với thị trường trong và sau mùa dịch, ông Khiêm đánh giá.

Khôi Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load