Thứ ba 05/11/2024 13:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Hà Nội vào thu

15:09 | 01/10/2020

(Xây dựng) - Hà Nội vào thu, như cô gái Hà Thành đổi mùa trong ngõ vắng. Ai thề lên tóc, ai nắng hảnh trời, ai chẳng nói chẳng rằng bối rối hoàng lan.

ha noi vao thu

Kỳ thực mà nói Hà Nội vào thu mê man như một chốn tình, nương náu vào đó nào bóng dáng giai nhân, nào sắc màu cọ vẽ, nào thơ bay bóng hạc, nào tình ca trỗi lên những đêm vàng. Bởi vậy mà Hà Nội vào thu khối kẻ hầu người hạ, chiêm bái, mê cuồng. Nói vậy, không lẽ Hà Nội vào thu lại trở thành một thứ tín ngưỡng ư? Lạ thay!

Một ngày tê tái, chiều thu biên ải của hai mươi nhăm năm về trước tôi ngược hoàng hôn bồn chồn nán lại Long Biên, một thân cầu mà những mố cầu cuốc sâu vào lịch sử. Từ trên cao, từ trên những thành cầu sắt nhấp nhô như vảy rồng, tôi phi hồn xuống dòng sông mùa thu, tôi lơ lửng bát ngát bãi bờ, ngờ ngợ một chút phù sa cuối mùa còn dư vị ngọt ngào yên thản sông trôi. Sông trôi về đâu mà dòng quanh dòng co, sông vắng ở đâu mà xanh rì xanh rào bờ bãi, sông ngủ ở đâu, sông thức ở đâu mà khẽ khàng vàng nhẹ lên Thành? Hà Nội vào thu như một dòng sông.

Cảnh tượng Hà Thành mở mắt thấy bầu trời, cúi mặt thấy sông trôi, khua tay dang chân thấy mình như đang cưỡi rồng khiến lòng tôi hăm hở. Và Hà Nội vào thu đã trở thành một thứ tình đầu mải miết, tôi ôm riết những vòng xe. Cưỡi trên chiếc Peugeot made by Thái Bình ngày ấy tôi đổ dốc bên kia cầu, dư thừa năng lượng mà xô gió, mà giật tóc, mà chớp mắt, mà ngẩn ngơ giai nhân. Không ở đâu và ở đâu tình cờ mà yêu thương bất ngờ như thứ mùa chuếnh choáng tôi đang bươn vào thuần chủng. Hà Nội nào thu.

Hơn một thế kỷ mùa thu gói ghém gia tài của nó rồi hồn nhiên nhảy tâng tâng qua cầu, nó ôm sát con đường bờ đê, nó buông tay cho gió thổi, nó sà vào cửa ô đầu ngõ rồi lê la quán xá, nó ngưng thở bao trùm lên những vòm hoa sữa chơm chớm xanh, ngan ngát mong manh.

Mười tám tuổi đầu, tôi cũng gói ghém gia tài của mình, chập chững từ yêu thương này đến ngơ ngác những phồn hoa kia. Mùa thu Hà Nội như một bản nhạc báo thức đã reo vui âm hiệu của một tâm hồn. Xuyến xang những con phố trải dài gần trời, ngân ngất những vòm hoa trắng trắng xanh xanh, mơ màng lơ làng như một cung đàn xưa, để tôi nhớ dòng lưu bút của người bạn văn một thời: “…Này em! Trở thành người Hà Nội, có hoa sữa Nguyễn Du, em đừng quên đường Trưng Trắc quê mình…”.

Hẳn là thế, Hà Nội vào thu luôn tạo cho người ta những lơ đễnh đáng yêu để đôi khi giật mình thảng thốt mà biết mình còn tồn tại trên đời. Màu cốm xanh Vòng, màu hồng ngả đỏ, màu sấu nâu trầm tư, giòn tan, cả những loài hoa đã làm nên yêu thương mùa thu Hà Nội. Nhưng với tôi Hà Nội thu không phải là “hoa sữa nồng nàn đầu phố đêm đêm”, cũng chẳng phải nơi tôi buông hồn chu du trên cây cầu thế kỷ. Đó là những khoảng trời gan ruột tôi để lại Hà Thành, tôi giấu ở Hà Thành, tôi lên men ký ức ngọt ngào mùa thu. Hoa hoàng lan gió ru…

Một ngày, nắng còn ấm áp là vậy mà gió đành lòng lạnh lùng đến thế, heo may thở dài len lỏi từ cửa sổ căn gác nhỏ tới con phố Điện Biên Phủ. Chẳng phải căng tai đã nghe lá cuộn mình gợn nhạc đêm sâu. Chẳng phải hít hà đã nghe hương hoàng lan ngọt như những đoạn tình vụng dại tha thẩn trên Phan Đình Phùng, Chu Văn An, Đội Cấn, Đại Cồ Việt, Tô Ngọc Vân… Hương hoàng lan chẳng ồn ào, hương hoàng lan không day dứt, hương hoàng lan không khiến người ta chùng lòng, nhưng lạ kỳ thay hoàng lan lại chọn mặt gửi vàng cho những rung cảm yêu thương. Bởi vậy người không tình khó lòng mà nhận ra chiều sâu bất tận của thứ hương bắt đầu trỗi lên bản giao hưởng Hà Thành vào mỗi buổi chiều chập choạng ánh vàng.

Vẫn là lạ thay hoàng lan không chọn chỗ đông người, nó thường thả tâm tư vào mỗi góc phố lắng, mỗi con đường vắng, hay đơn giản chỉ là những ngõ cùng hẻm cụt yêu thương. Khi buổi chiều xanh xao, hoàng lan nhấp nháp vào không gian thứ mùi hương lơ đễnh, tưởng chừng chỉ một chút nắng tàn hay một manh gió thoảng cũng đủ sức giết chết một hồn hoa mơ màng.

Khi những sương khuya còn chờ ánh sao mờ, khi những tình tự nhấm nháy lên ngôi, hoàng lan hương sà sạt hương, từng cánh từng cánh chín những tơ tình cứ vàng lên ngời ngợi nhớ thương mê mải. Ai đã đi giữa những con phố nhỏ khuya khoắt Hà Thành, mùa thu giăng bẫy hương mê, cái thứ mùi hoàng lan mấy chục năm trời tôi không gọi nổi tên, chỉ biết là yêu đến mê cuồng.

Buổi ấy, có những ngày tôi vạ vật mùa thu, chạy xe từ những ngõ ngách vùng Thanh Xuân nơi tôi trú ngụ, trôi dạt vào những mê cung Quan Hoa Cầu Giấy, tay vác sào ngửa cổ ươm trời bẻ từng chùm hoàng lan tình tứ mà lén cài lên mái tóc một cô gái Hà Thành. Hoàng lan như một thứ bùa yêu, nó lây lan từ tâm tưởng kẻ này đến truyền đời kiếp kiếp kẻ kia. Vụng dại mà yêu, nhiệt thành mà đến, và khát khao thì ở lại. Tiếc thay đó chỉ là những cảm xúc đầu đời. Vậy nên với tôi, Hà Nội vào thu luôn là những tháng ngày nhớ thương day dứt.

Một ngày, cũng dịp vào thu, Hà Nội ngắm vuốt những nỗi buồn dịu dàng, tôi nhận được một cuốn sách nhỏ của Robert James Waller, giữa trang sách có ép một cánh hoàng lan cùng lời đề tặng chẳng giống một lời đề tặng nào: “Huy! Có thể một đời thương nhau, có thể một đời như không…”. Tôi đã không thể đi tới định mệnh với “Những cây cầu ở quận Madison”. Đó cũng là lý do tại sao mà tôi luôn bị ám ảnh bởi những thân cầu, và dĩ nhiên Hà Nội vào thu năm nào chẳng vậy, hoàng lan vẫn vô cớ trải bùa cho những thương tận yêu tàn mà vẫn bình thản xanh chiều, vẫn ngọt vàng đêm đêm. Tôi nhớ ngày ấy mình đã viết một ca khúc mê tơi tình sầu: “Thương nhớ hoàng lan”.

Hồ Huy

Theo

Cùng chuyên mục
  • Phát huy những giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, công tác bảo tồn phải luôn tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt, vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.

  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

  • Thái Nguyên: Khánh thành công trình di tích đền thờ Lý Nam Đế

    (Xây dựng) - UBND thành phố Phổ Yên vừa tổ chức cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), tại phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

  • Mê Linh (Hà Nội): Lấy ý kiến về dự án Khu công viên thể dục, thể thao rộng hơn 60ha

    (Xây dựng) - Dự án Khu công viên thể dục, thể thao huyện Mê Linh được kỳ vọng sẽ trở thành tổ hợp thể thao hiện đại tầm cỡ khu vực, sẵn sàng trở thành một địa điểm cho thi đấu Olympic trong tương lai.

  • Lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích

    Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ vừa có công văn số 4769/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load