Thứ năm 25/04/2024 12:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nội và bài toán làm thế nào để níu chân khách du lịch quốc tế

19:06 | 27/04/2023

(Xây dựng) - Thời gian qua, ngành Du lịch Hà Nội đã phát triển theo đúng định hướng, bảo đảm bền vững và có hiệu quả với tốc độ tăng trưởng khá, nhất là về số lượng khách du lịch quốc tế. Thế nhưng đi kèm với đó là bài toán làm thế nào để níu chân khách du lịch quốc tế lưu trú lâu hơn giữa bối cảnh thị trường du lịch sôi động.

Hà Nội và bài toán làm thế nào để níu chân khách du lịch quốc tế
Du khách nước ngoài chọn Hà Nội là điểm đến du lịch (Ảnh: Khánh Huyền).

Du lịch Hà Nội với những tín hiệu tích cực

Sau những thiệt hại nặng nề vì đại dịch Covid-19, nhiều tín hiệu khởi sắc đã quay trở lại với ngành du lịch Hà Nội. Du lịch Thủ đô đã đón tiếp nhiều khách quốc tế hơn, tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ, mang lại dấu ấn đậm nét trong bức tranh tươi sáng của du lịch Việt Nam.

Cụ thể, thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong tháng 3/2023, Thủ đô Hà Nội đón 2,09 triệu lượt khách, tăng 38,3% so với cùng kỳ 2022, tăng 13% so với tháng 2/2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 397,2 nghìn lượt khách, tăng 40% so với tháng 2/2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng hơn 7,9 nghìn tỷ đồng, tăng 82,7% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 12,8% so với tháng 2/2023.

Với mức tăng trưởng này, ngành Du lịch Thủ đô dự kiến trong quý I/2023 đón 5,88 triệu lượt khách. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 978,7 nghìn lượt khách. Theo bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, năm 2023 ngành du lịch Thủ đô đặt mục tiêu đón và phục vụ trên 22 triệu lượt khách, trong đó có trên 3 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 77.000 tỷ đồng.

Những con số khả quan đang ghi nhận chính là những tín hiệu tích cực từ dịch vụ du lịch Hà Nội trong bối cảnh ngành Du lịch đang trên đà hồi phục mạnh mẽ.

Để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi và thư giãn, anh Alex, một du khách đến từ Anh quyết định chọn Hà Nội là điểm đến du lịch châu Á của mình. Trong thời gian nghỉ ngơi tại đây, anh luôn chọn khách sạn ở vị trí phố cổ để lưu trú, anh Alex hào hứng chia sẻ: “Cũng đã hơn hai năm sau dịch Covid tôi mới quay trở lại Việt Nam. Tôi ấn tượng về bản sắc văn hóa và con người ở Việt Nam. Sau khi đến đây, tôi đã chọn khách sạn để lưu trú. Dịch vụ lưu trú tại khách sạn tôi đang ở rất tuyệt vời, người Việt Nam rất tốt bụng, họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều”.

Hà Nội và bài toán làm thế nào để níu chân khách du lịch quốc tế
Nhiều khách du lịch chọn khách sạn để lưu trú khi đến thăm Hà Nội (Ảnh: Khánh Huyền).

Cũng giống như anh Alex, một cặp đôi du khách đến từ Đức là chị Karen và anh Eric cũng chọn khách sạn nằm tại Phố cổ để lưu trú trong 5 ngày ở Việt Nam: “Ban đầu chúng tôi chỉ định ở lại Hà Nội 3 ngày thôi, nhưng chính vì sự thân thiện của người Việt Nam mà chúng tôi đã thay đổi kế hoạch, muốn ở lại Việt Nam thêm 2 ngày nữa. Dịch vụ du lịch nói chung và dịch vụ lưu trú nói riêng ở đây rất tốt, mọi người luôn chào đón và giúp đỡ chúng tôi, tôi được biết thêm rất nhiều thứ mới mẻ.”

Dịch vụ lưu trú vẫn cần cải thiện nhiều mặt để níu chân du khách

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, thực tế vẫn tồn tại một số vấn đề đối với dịch vụ lưu trú trên địa bàn Hà Nội. Vợ chồng anh Manwal - khách du lịch Tây Ban Nha phàn nàn về chất lượng phòng khách sạn: “Phục vụ tương đối tốt. Tuy nhiên, chúng tôi thấy phòng khá đắt, hơn 2 triệu một đêm nhưng không có cửa sổ nên bí bách, bất tiện. Ở Tây Ban Nha, cùng mức giá đó, chúng tôi có thể thuê được phòng có chất lượng tốt hơn”. Được biết, phòng hai vợ chồng anh thuê nằm ở khu vực phố cổ.

Anh Ngô Tư Hạo - khách du lịch đến từ Trung Quốc cùng chia sẻ tình trạng tương tự: “Tôi đang thuê khách sạn khu vực gần phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Chất lượng phục vụ khá tốt, tôi rất hài lòng nhưng mức giá tương đối cao so với chất lượng phòng.”

Hà Nội và bài toán làm thế nào để níu chân khách du lịch quốc tế
Khách du lịch khen chất lượng phục vụ tuy nhiên phàn nàn về giá thành chưa phù hợp (Ảnh: Hà Ly).

Hiện nay, trong bối cảnh du lịch Hà Nội trên đà phục hồi mạnh mẽ, quản lý các cơ sở lưu trú đang cố gắng cải thiện dịch vụ, quan tâm hơn tới trải nghiệm khách hàng. Tuy nhiên, sau thời gian dài gánh chịu dịch Covid, việc giá phòng khách sạn, đặc biệt là khu vực trung tâm tăng là tất yếu không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, giá cả cần đi đôi với chất lượng phòng ở, đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, tiện nghi, tiện lợi cho khách hàng.

Nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đề ra các nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị. Theo đó, đối với cơ quan quản lý, cần tổ chức tuyên truyền, quán triệt chủ trương, mục tiêu, biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, các quy định, tiêu chuẩn đối với hoạt động lưu trú du lịch, yêu cầu các khách sạn cam kết thực hiện và duy trì chất lượng dịch vụ theo hạng sao đã được công nhận.

Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch theo hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành. Đối với cơ sở lưu trú du lịch có một số hạn chế, cần yêu cầu chấn chỉnh, đầu tư nâng cấp chất lượng trong thời hạn 03 tháng, nếu không thực hiện thì thu hồi quyết định công nhận hạng. Đối với cơ sở lưu trú du lịch không duy trì chất lượng cơ sở vật chất, không đảm bảo vệ sinh, nhân lực không đáp ứng tiêu chuẩn, nhân viên ứng xử thiếu văn minh thì thu hồi quyết định công nhận hạng.

Các cơ sở lưu trú du lịch trong toàn quốc cần nhận thức rõ yêu cầu, trách nhiệm tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng, thực hiện đúng tiêu chuẩn phân loại cơ sở lưu trú du lịch; tham gia và hưởng ứng chiến dịch nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú du lịch. Kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất trang thiết bị; nâng cấp, thay thế kịp thời trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng; đảm bảo các cơ sở lưu trú du lịch, nhất là các khách sạn được xếp hạng từ 3 đến 5 sao phải đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, chuyên nghiệp về dịch vụ.

TS. Nguyễn Minh Tuấn - Khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đề xuất doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ lưu trú triển khai đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng, cụ thể cần thực hiện tốt giáo dục hướng nghiệp, nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch, khách sạn Thủ đô.

Ngoài ra, đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước cũng là một biện pháp cần triển khai. Chúng ta cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, rà soát, đánh giá các cơ sở lưu trú trên địa bàn Hà Nội. Cùng với đó chính quyền cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện các quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước đối với hoạt động lưu trú; xây dựng quy chế phối hợp các lực lượng liên ngành để xử lý triệt để các hiện tượng ép giá, mất vệ sinh an toàn thực phẩm đối với khách du lịch tại các cơ sở lưu trú của Thành phố.

Phan Cao Khánh Huyền - Nguyễn Hà Ly

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load