(Xây dựng) – Liên quan đến dự án đầu tư Công trình đa chức năng Postef tại khu đất số 61 phố Trần Phú, Hà Nội. UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các bên liên quan và chủ đầu tư tổ chức thi tuyển để lựa chọn phương án kiến trúc đóng góp cho không gian, cảnh quan khu vực theo hướng giảm số tầng hầm, chuẩn hóa chức năng, công năng công trình.
Công trình đa chức năng Postef được xây dựng trên khu đất số 61 phố Trần Phú, Hà Nội. |
Dự án được thực hiện theo đúng quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt
UBND Thành phố Hà Nội vừa có Văn bản số 1485/UBND-ĐT ngày 17/5/2022 báo cáo Bộ Xây dựng về việc rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng Postef tại khu đất này.
Cụ thể về phương án quy hoạch, kiến trúc công trình, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình theo quy định và công khai, minh bạch. Việc sử dụng đất, chức năng và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc phù hợp với đồ án Điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình, tỷ lệ 1/2.000 được Thủ tướng phê duyệt năm 2013.
Với không gian kiến trúc cảnh quan, dự án nằm ở cuối trục đường Hùng Vương, đối diện khu đất (về phía Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) có công trình nhà làm việc Quốc hội đã xây dựng cao 9 tầng (44,6m). Việc chấp thuận công trình Postef cao 11 tầng (42,9m, chiều cao tương đồng với công trình nhà làm việc Quốc hội), đồng thời khối đế có khoảng lùi 17m, khối tháp có khoảng lùi 28m so với chỉ giới đường Hùng Vương là phù hợp. Hình khối công trình đã bám sát tổ chức định hướng không gian kiến trúc, cảnh quan và mô hình của đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình đã được phê duyệt.
Phần ngầm công trình cũng đã được chấp thuận 6 tầng hầm với các chức năng văn phòng, dịch vụ, kỹ thuật, bãi đỗ xe, là phù hợp với định hướng điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, bảo đảm ranh giới sử dụng đất hợp pháp, không vi phạm chỉ giới đường đỏ, hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy định tại Nghị định 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ.
Phần ngầm đã được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng tháng 12/2020; Sở Xây dựng cũng đã gửi thông báo nội dung cấp phép xây dựng đến Bộ Quốc phòng, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Quản lý Lăng có văn bản nhất trí với giấy phép xây dựng.
Đánh giá tác động của Dự án, UBND Thành phố Hà Nội cho biết, chức năng và các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của đồ án đã được các đơn vị tổ chức lập, thẩm định đồ án phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng, cân đối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại khu vực trước khi đưa ra định hướng quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó sẽ không làm gia tăng áp lực lên hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật của khu vực xung quanh.
Mặt khác, tại khu đất Dự án đã dành quỹ đất 1.555m2 để mở rộng các tuyến đường xung quanh sẽ góp phần tích cực tăng diện tích đất giao thông, nâng cao năng lực giao thông của các tuyến đường tại khu vực.
Cũng theo Văn bản số 1485 cho thấy, Dự án được thực hiện theo đúng quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt. Quy trình, thủ tục quản lý đầu tư, quản lý đất đai theo đúng quy định của pháp luật; chưa phát hiện sai phạm về quy trình, thủ tục cũng như của tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giải quyết hồ sơ. Dự án đầu tư có thể tiếp tục triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đối với bức phù điêu, UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, cần nghiên cứu phương án bảo tồn, giữ nguyên trạng về quy mô, nghệ thuật và nội dung. |
Tổ chức thi tuyển để lựa chọn phương án kiến trúc theo hướng giảm số tầng, giữ bức phù điêu
Để tiếp tục triển khai Dự án, UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, do dự án nằm trong khu vực Trung tâm chính trị Ba Đình, tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội, ý kiến các chuyên gia và các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh trong thời gian qua liên quan đến phương án quy hoạch, kiến trúc của công trình, cũng như chủ đầu tư đã có văn bản ngày 9/5 đề xuất được nghiên cứu lại tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án theo hướng giảm số tầng hầm, bảo tồn bức phù điêu và tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc công trình. UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các bên liên quan và chủ đầu tư tổ chức thi tuyển để lựa chọn phương án kiến trúc đóng góp cho không gian, cảnh quan khu vực theo hướng giảm số tầng hầm, chuẩn hóa chức năng, công năng công trình. Phương án quy hoạch, kiến trúc sau đó sẽ được công bố đầy đủ, rộng rãi trước công luận, bảo đảm công khai, minh bạch và sự đồng thuận.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng được giao xem xét, đánh giá phương án quy hoạch, kiến trúc của dự án, phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao, UBND quận Ba Đình, nhà đầu tư nghiên cứu phương án bảo tồn, phát huy giá trị, bảo đảm giữ nguyên trạng về quy mô, nghệ thuật và nội dung của bức phù điêu.
Theo ông Phạm Cao Thắng - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 61 Trần Phú-Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef) đến thời điểm hiện nay, đơn vị mới chỉ dọn dẹp mặt bằng, trả mặt bằng sạch cho dự án.
Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (Postef) cũng cam kết có trách nhiệm giữ gìn nguyên trạng, bảo vệ bức phù điêu tại đúng vị trí trước khi công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng, theo đúng chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội.
Đồng thời, để lựa chọn được phương án kiến trúc đạt được các tiêu chí đề ra, đơn vị nhất trí tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc theo đúng Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Kiến trúc cũng như theo yêu cầu của Thành phố Hà Nội. Để được đạt kết quả tốt nhất, Công ty mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam để đồng hành trong quá trình tổ chức thi tuyển.
Khánh An
Theo