Thủ đô mới chỉ có 6 cây cầu qua sông Hồng gồm Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì trên quãng chiều dài khoảng 20km đang hàng ngày kết nối đôi bờ Nam - Bắc.
Được mệnh danh là cây cầu dài nhất Đông Dương với tổng chiều dài hơn 12km, rộng 33m với 6 làn xe, trong đó có 4 làn xe chạy tốc độ cao với tốc độ 80km/giờ, cầu Thanh Trì đưa vào sử dụng năm 2007 đã kết nối với cầu Thăng Long phía thượng lưu, tạo nên vành đai 3 hoàn chỉnh của Hà Nội. |
Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về giao thông TP.Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong giai đoạn từ 2016 - 2030, sẽ xây dựng mới 14 cây cầu qua sông Hồng, sông Đuống đoạn trên địa bàn Hà Nội.
Cầu Nhật Tân là cây cầu rộng nhất trong tất cả cây cầu hiện tại bắc qua sông Hồng với chiều ngang 43m, với 8 làn xe cho cả hai chiều, chia thành 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe máy, 2 làn xe buýt phân cách giữa, đường dành cho người đi bộ. Cầu dài 3,9 km và có đường dẫn 5,27km, trong đó phần chính của cầu qua sông dài 2,5km. Đưa vào sử dụng năm 2015, cầu Nhật Tân kết nối với đại lộ Võ Nguyên Giáp, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã tạo nên một tuyến cao tốc nội đô, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển từ sân bay về trung tâm Hà Nội chỉ còn 30 phút.Cầu được xem là biểu tượng mới của Thủ đô với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô, và cũng tượng trưng cho 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân - Hà Nội.
Cầu Long Biên được xây dựng năm 1899 và khánh thành năm 1902. Hơn 3.000 công nhân, kỹ sư, chuyên gia đã dùng đến 30.000m3 đá và kim loại để hoàn thành cây cầu. Cầu dài 2.290m qua sông và 896m cầu dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m kể cả móng. Thật thiếu sót khi nhắc đến Hà Nội nghìn năm văn hiến mà quên kể tên cây cầu Long Biên.
Cầu Vĩnh Tuy có tổng mức đầu tư gần 3.600 tỉ đồng, được khánh thành giai đoạn 1 vào năm 2010, kết nối vành đai 2 của Hà Nội. Sau 10 năm đưa vào sử dụng, cầu bắt đầu quá tải khi lưu lượng tăng đột biến với hàng loạt tòa nhà chung cư cao tầng mọc lên tại hai đầu cầu. Trong thời gian tới, cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ được xây dựng nhằm giảm tải cho cầu Vĩnh Tuy hiện tại.
Được hoàn thành năm 1985 với tổng chiều dài 1.213m, cầu Chương Dương gồm 21 nhịp, chia làm bốn làn xe, là niềm tự hào của ngành cầu đường nước ta tại thời điểm đó khi đây là cây cầu lớn đầu tiên do chính những kỹ sư người Việt thiết kế và thi công mà không có sự trợ giúp từ nước ngoài. Thiết kế ban đầu cho lưu lượng khoảng 7.000 phương tiện qua lại mỗi ngày nhưng hiện nay, cầu Chương Dương luôn trong tình trạng quá tải vào giờ cao điểm khi lưu lượng tăng gấp nhiều lần so với thiết kế ban đầu.
Cầu Thăng Long nằm trên địa phận phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, khởi công từ ngày 26.11.1974 và hoàn thành sau 11 năm xây dựng với sự giúp đỡ về kỹ thuật và công nghệ của các chuyên gia Trung Quốc và Liên bang Nga. Đây là cây cầu thứ 2 bắc qua sông Hồng trên địa phận Hà Nội sau cầu Long Biên đã quá tải tại thời điểm đó. Thăng Long là cây cầu duy nhất gồm 2 tầng. Phía dưới là làn đường dành cho tàu hỏa; làn xe máy, xe đạp rộng 11m. Tầng trên chỉ dành cho các phương tiện xe cơ giới. Cầu Thăng Long là cây cầu quan trọng kết nối vành đai 3 của Hà Nội qua sông Hồng, với lưu lượng các phương tiện vận tải rất lớn từ các tỉnh phía bắc về Hà Nội và ngược lại nên chất lượng mặt cầu xuống cấp trầm trọng. Hiện tại, mặt cầu Thăng Long đang trong quá trình sửa chữa.
Theo Hải Nguyễn - Tuấn Anh/Laodong.vn
Link gốc: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ha-noi-thanh-pho-cua-nhung-cay-cau-829550.ldo