Thứ ba 08/10/2024 19:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hà Nội: Sẽ “Khai tử” bếp than tổ ong

10:29 | 07/01/2021

(Xây dựng) – Từ ngày 01/01/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu.

ha noi se khai tu bep than to ong
Xóa bỏ bếp than tổ ong là việc làm cần thiết để giảm ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường.

Ghi nhận giảm mạnh

Sau thời gian thực hiện vận động, tuyên truyền loại bỏ, không sử dụng bếp than tổ ong, cho đến nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã vắng hẳn số lượng và nhu cầu sử dụng bếp.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 của UBND Thành phố Hà Nội, tính đến quý III/2020, Hà Nội còn khoảng 11.081 bếp than tổ ong, sau khi đã loại bỏ được 43.411 bếp (giảm 79,66% so với năm 2017).

Nhiều quận đã xóa bỏ được 100% than tổ ong như: Quận Hoàn Kiếm, huyện Thạch Thất, huyệt Sóc Sơn. Các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Long Biên… cũng đã giảm nhanh số lượng bếp.

Dạo quanh các con phố như phố Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Hàng Bông, Hàng Than, Hàng Bè, Thụy Khuê, Nguyễn Văn Cừ… đã không còn thấy hình ảnh những chiếc bếp tổ ong xuất hiện. Thay vào đó là bếp thân thiện với môi trường, bếp ga, bếp điện.

Chị Ngô Hằng - chủ quán hàng ăn đêm trong ngõ phố Trung Tự (Đống Đa) cho biết chị đã dừng sử dụng bếp than tổ ong để chuyển sang dùng loại an toàn hơn, không gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe.

Từ khi Chỉ thị số 15 của UBND Thành phố Hà Nội có hiệu lực, trên địa bàn Thành phố Hà Nội số lượng các hộ sản xuất kinh doanh than tổ ong cũng giảm đi đáng kể.

ha noi se khai tu bep than to ong
Một quán ăn sử dụng nhiều bếp than tổ ong để đun nấu cho khách.

Trong tháng 9-11/2020, Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp cùng Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng thực hiện khảo sát nhanh 10 điểm sản xuất than, bếp than tổ ong tại các quận như: Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân... Kết quả cho thấy số lượng than bán ra giảm mạnh, trung bình hiện nay dưới 1.000 viên/ngày/xưởng, chủ yếu cung cấp cho đại lý. Không còn xuất hiện xe bán than chạy trên các con phố do người dân không còn nhu cầu sử dụng. Nhiều cơ sở sản xuất đã dừng hoạt động hoặc chuyển sang mô hình kinh doanh khác.

Cần triệt để và mạnh mẽ

Tuy số lượng bếp đã giảm mạnh, nhận thức của người dân được nâng cao nhưng vẫn còn tồn tại. Đâu đó trong những con ngõ nhỏ, khu tập thể cũ, chợ tạm, chợ dân sinh… bếp than tổ ong vẫn hiện diện.

Hầu hết đều là của những hộ có hoàn cảnh rất khó khăn, thu nhập thấp, không có điều kiện để chuyển đổi sang các loại bếp khác. Nhưng cũng có những hộ gia đình bảo thủ, không chấp hành quy định của pháp luật, vẫn tiếp tục sử dụng bếp than chui, che đậy bếp để qua mắt lực lượng chức năng dù đã được chính quyền tuyên truyền, phổ biến trước đó.

Tại một ngõ nhỏ trên phố Quán Thánh, chủ cơ sở bán hàng ăn đêm sử dụng bếp ga ngoài cửa hàng nhưng trên thực tế toàn bộ khâu ninh xương nấu nước dùng vẫn sử dụng bếp than tổ ong được giấu kín đáo trong sân công cộng của các hộ dân cư trong ngõ. Đây là nơi sinh hoạt của các hộ gia đình ở ổn định nhiều thế hệ nên chủ cơ sở cũng không gặp phản ứng của các hộ dân.

ha noi se khai tu bep than to ong
Lực lượng đô thị xử lý vi phạm, thu giữ bếp than tổ ong tại phường Ngọc Lâm (Long Biên).

Theo khảo sát, vẫn còn một số hộ kinh doanh than tổ ong đang gặp khó khăn trong việc chuyển đổi nên vẫn còn hoạt động. Chia sẻ với phóng viên, một chủ cơ sở sản xuất than tại quận Long Biên cho biết đây là công việc đem lại thu nhập chính, gia đình chị đã buôn bán than lâu năm. Từ khi người dân chuyển sang dùng bếp ga, bếp điện, không còn nhiều người tới cơ sở của chị để mua than về sử dụng. “Tôi không biết nên chuyển sang ngành nghề nào để đảm bảo có thu nhập nuôi cả gia đình nên rất mong muốn được chính quyền hỗ trợ”, chị chia sẻ.

Trước thực trạng này, UBND Thành phố Hà Nội cùng các cấp chính quyền cơ sở đã nhanh chóng vào cuộc, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực nhằm xóa bỏ bếp than tổ ong. Các buổi tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức người dân vẫn được tiếp tục thực hiện. Đối với những hộ nghèo, chính quyền đã và đang hỗ trợ họ chuyển đổi sang sử dụng loại bếp khác bằng nhiều giải pháp khác nhau. Các cơ sở sản xuất than và bếp than còn lại được định hướng, hỗ trợ chuyển đổi mô hình, ngành nghề kinh doanh mới. Khi không còn nguồn cung thì sẽ không còn cầu, các cơ sở sản xuất không bán thì người dân sẽ không thể tiếp tục mua và sử dụng bếp than tổ ong.

Sau ngày 01/01/2021, lực lượng chức năng của xã, phường, thị trấn, quận, huyện trên địa bàn thành phố đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng cố tình sử dụng bếp than tổ ong, không chấp hành quy định của thành phố theo quy định pháp luật.

Cụ thể, tại phường Ngọc Lâm (quận Long Biên), theo chia sẻ của cán bộ Môi trường, nhiều hộ dân tự nguyện giao bếp than nhưng cũng có những hộ bảo thủ, không chịu hợp tác. Lực lượng chức năng của phường phối hợp với lực lượng đô thị tiến hành rà soát, xử lý vi phạm tại vỉa hè cũng như trong các con ngõ, hẻm, chợ dân sinh trên địa bàn phường. Công tác thực hiện diễn ra nhanh chóng, quyết liệt.

Chủ trương xóa bỏ bếp than tổ ong của Thành phố Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn. Bởi không chỉ ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng, bếp than tổ ong cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường. Các hoạt động của chính quyền, lực lượng chức năng cần duy trì thực hiện liên tục, đồng thời người dân cũng cần nâng cao nhận thức của bản thân, không tiếp tục sử dụng bếp than tổ ong. Chỉ khi có sự vào cuộc của cả hai phía thì việc xóa bỏ loại bếp này mới được tiến hành triệt để và có hiệu quả.

Đốt và sử dụng bếp than tổ ong là một trong những nguyên nhân phát tán nguồn ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Khi đốt than tổ ong sẽ phát sinh ra bụi (trong đó có bụi mịn PM2.5) và khí, hơi thải khác (CO2, CO, SO2, PAHs…) gây các bệnh về hô hấp, tim mạch, ảnh hưởng chức năng phổi, gây tổn thương hệ thần kinh và suy giảm khả năng miễn dịch. Điều này khiến cho Thành phố Hà Nội đứng trong top những thành phố có chất lượng không khí kém nhất.

Trước tình hình này, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệụ trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố.

Yến Mai

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load