Quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước do thành phố Hà Nội là đại diện chủ sở hữu có khối lượng lớn, đa dạng loại hình, song thời gian qua tồn tại nhiều vi phạm kéo dài.
Khắc phục tình trạng trên, công tác kiểm tra, rà soát, quản lý sau một năm thành phố ban hành Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 đã đạt những kết quả bước đầu.
Khu nhà ở dành cho công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh). |
Tích cực rà soát, kiểm tra
Theo kết quả rà soát, thống kê, đánh giá hiện trạng của Sở Xây dựng Hà Nội đối với 8 quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố giao các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh nhà quản lý, khai thác, quỹ nhà chuyên dùng hiện có 840 cơ sở nhà, đất. Quỹ nhà chung cư tái định cư có 201 tòa và 90.234,55m2 diện tích kinh doanh dịch vụ. Quỹ nhà ở có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước là 29.127 căn. Quỹ nhà ở công vụ với 12 căn hộ. Ngoài ra, có 24.518m2 sàn thuộc quỹ nhà ở xã hội tại khu CT19A - Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên), quỹ nhà ở sinh viên với 2.578 phòng và 7.436,9m2 sàn kinh doanh dịch vụ; quỹ nhà ở công nhân tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh)…
Các biến động khách quan cùng công tác quản lý khai thác, sử dụng một số quỹ nhà còn chưa hiệu quả đã dẫn đến một số vi phạm như quỹ nhà tái định cư giai đoạn giao cho doanh nghiệp quản lý đã bàn giao nhà cho người dân trong khi chưa thực hiện thủ tục mua nhà và nghĩa vụ tài chính...
Với tinh thần kiên quyết xử lý vi phạm tồn tại, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, từ năm 2023 đến nay, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chấp thuận chủ trương, quyết định thu hồi, cưỡng chế thu hồi 113 địa điểm sử dụng không đúng quy định và trên thực tế đã thu hồi được 56 địa điểm. Trong số này có 8/28 địa điểm tại khu nhà ở công nhân xã Kim Chung; 6/31 địa điểm là nhà chuyên dùng; 42/54 địa điểm là diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa chung cư tái định cư. Hiện nay, UBND các quận, huyện đang thực hiện cưỡng chế thu hồi các địa điểm vi phạm còn lại.
Đối với diện tích của tầng 1 thuộc các chung cư thương mại phải bàn giao cho thành phố Hà Nội quản lý, kết quả rà soát có 21 dự án với tổng diện tích 55.615m2, trong đó thành phố đã tổ chức tiếp nhận 17.587m2. Hiện nay, thành phố tiếp tục rà soát để thực hiện việc thu hồi và tiếp nhận bàn giao khoảng 38.000m2.
Dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp. Ảnh: Phạm Hùng |
Cũng theo tổng hợp của Sở Xây dựng và Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội về số liệu nợ phải thu từ quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước, số nợ thực tế của các quỹ nhà tính đến thời điểm ngày 30-5-2024 là 789,4 tỷ đồng, hiện được phân loại thành 3 nhóm: Nợ luân chuyển có khả năng thu hồi ngay (3,5 tỷ đồng); nợ khó thu (285,6 tỷ đồng) và nợ xấu, khó đòi, khả năng thu hồi nợ rất thấp (500,3 tỷ đồng). UBND thành phố đã đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng về phương án chi tiết thu hồi, xử lý các khoản nợ này. Các sở, ngành, doanh nghiệp đang triển khai các nội dung theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Tiên phong trong giải pháp quản lý
Với chức năng thay mặt đại diện chủ sở hữu thực hiện quản lý, sử dụng các quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước do UBND thành phố và Sở Xây dựng giao, đại diện Trung tâm quản lý nhà thành phố Hà Nội cho biết, trung tâm đang xây dựng và phấn đấu trình phê duyệt trong năm 2024 bộ định mức, đơn giá trong công tác cung ứng dịch vụ nhà ở, công sở, trụ sở và các quỹ nhà không phải để ở làm cơ sở lập, thẩm định, phê duyệt dự toán thu, chi theo tiêu chuẩn định mức; bổ sung các công việc quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước vào danh mục dịch vụ công của thành phố.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số cơ chế, chính sách của Trung ương trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công còn chậm được ban hành, sửa đổi bổ sung, trong đó có Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26-12-2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được UBND thành phố tham gia ý kiến với Bộ Tài chính từ năm 2022, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được ban hành. Ngoài ra, các bộ, ngành trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến nhiều tài sản công hiện để hoang hóa, gây lãng phí và mất mỹ quan đô thị.
“Khối lượng các nhóm tài sản công thuộc thành phố lớn về số lượng và giá trị, đa dạng về chủng loại, quá trình quản lý trải qua nhiều giai đoạn, đối tượng quản lý dẫn đến công tác rà soát, tổng hợp cần nhiều thời gian. Việc xử lý tồn tại, hạn chế còn nhiều phức tạp, vướng mắc, khó khăn. Do đó, Chính phủ cần sớm ban hành các nghị định tháo gỡ vướng mắc trong công tác sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết cũng như quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân”, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm: Thực hiện giải pháp tiên phong Khai thác, sử dụng tài sản công, trong đó có quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước, đang là vấn đề nóng, được quan tâm trên phạm vi cả nước. Tại Hà Nội, HĐND thành phố vừa hoàn tất dự thảo Nghị quyết quy định việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Với đa dạng hình thức sử dụng tài sản công như vậy, HĐND thành phố cần tăng cường giám sát kết quả hoạt động của các đơn vị quản lý tài sản công; đánh giá rủi ro và có kế hoạch phòng ngừa cụ thể khi xảy ra các tình huống bất khả kháng, hoặc các sự cố ngoài ý muốn, để bảo toàn giá trị tài sản công… Thành phố Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp tiên phong trong quản lý, xử lý những vi phạm liên quan đến tài sản công, trong đó có quỹ nhà. Tuy nhiên, cần có những hình thức quản lý thích hợp hơn nhằm đem lại hiệu quả cao, tránh thất thoát, lãng phí hoặc chỉ quản lý sau khi đã xảy ra vi phạm. Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) Trần Ngọc Minh: Sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách Khối lượng các quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố rất lớn, vi phạm phức tạp dẫn đến công tác rà soát, tổng hợp, xử lý tồn tại còn nhiều phức tạp khó khăn, vướng mắc. Tình trạng đơn vị sử dụng nhà sai mục đích, chuyển nhượng nhà thuê, cho thuê lại... diễn ra đa dạng, ở các thời điểm khác nhau. Đáng nói, nhiều tổ chức, đơn vị thuê, sử dụng nhà có vi phạm không hợp tác với đơn vị quản lý vận hành trong việc xử lý vi phạm. Cá biệt có nhiều trường hợp còn đối phó, chây ỳ. Do đó, việc xử lý thu hồi những trường hợp vi phạm cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp và chưa xử lý dứt điểm dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý. Nhằm tăng cường quản lý tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu của Nhà nước, yếu tố quan trọng đầu tiên là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý, khai thác, sử dụng các quỹ nhà. Cùng với đó, thành phố cần kiến nghị Trung ương những nội dung vượt thẩm quyền theo hướng rõ ràng, thống nhất, đồng bộ, bảo đảm sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức. Chị Nguyễn Thu Thủy (phường Mai Động, quận Hoàng Mai): Cần phát hiện kịp thời vi phạm Đi trên một số đường phố của Hà Nội, người dân không khỏi xót xa và khó hiểu khi thấy nhiều địa điểm nhà đất ở vị trí “đất vàng”, có giá trị cao lại không đưa vào sử dụng. Thực trạng này gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực xã hội, thậm chí gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Bởi các công trình này bỏ không sử dụng trong thời gian dài dẫn đến nhiều công trình nhà xuống cấp, hư hỏng. Như vậy có thể thấy, trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng và việc khai thác, kinh doanh của các đơn vị quản lý là chưa hiệu quả, gây lãng phí tài sản của Nhà nước. Người dân mong mỏi thành phố sớm có cơ chế để sử dụng, khai thác hiệu quả các nhà đất và phần diện tích tầng 1 tại các khu chung cư với mục đích cao nhất là phục vụ, nâng cao đời sống cho người dân. Ngoài ra, cần có các hình thức phát hiện kịp thời vi phạm và phải xử lý nghiêm minh đối với các cá nhân sử dụng nhà, đất công trái phép, chây ỳ trong thực hiện nghĩa vụ tài chính. Khánh An ghi |
Theo Bảo Hân/hanoimoi.vn
Link gốc: https://hanoimoi.vn/ha-noi-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-quy-nha-tai-san-cong-684115.html